Bạn đang ở đây

6 thói quen đáng ngại của chị em khi sử dụng xe tay ga

(20.07.2015)

(Website HNDHY) - Chị em thường là những người ít biết về máy móc cơ khí của những chiếc xe và những chiếc xe tay ga thường cũng chỉ cần nổ máy và đi. Thế nên nhiều chị em đã có những thói quen xấu gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của chiếc xe cũng như độ an toàn khi đi trên đường.

1. Quên lịch bảo dưỡng

Yêu cầu đầu tiên để một chiếc xe tay ga có thể hoạt động êm ái và bền bỉ chính là việc được bảo dưỡng thường xuyên và đúng lịch. Thế nhưng, nhiều chị em phụ nữ khi sử dụng xe tay ga nhiều khi lại quên mất không để ý số km trên đồng hồ của xe, quá hạn vài trăm đến vài nghìn km rồi mới đi thay dầu, bảo dưỡng. Điều này sẽ nhanh làm chiếc xe tay ga xuống máy, tổn hại các chi tiết bên trong của động cơ.

 

Không chỉ quên bảo dưỡng thay dầu vệ sinh máy, chị em còn không chú ý đến việc kiểm tra phanh và lốp sau một thời gian sử dụng. Khi lốp xe thiếu hơi nếu không để ý có thể dễ dẫn đến sự mất ổn định của thân xe và phanh không ăn cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn do mất kiểm soát tốc độ.

2. Thường chỉ sử dụng một bên phanh

Phanh xe là một chi tiết để đảm bảo an toàn cho người lái xe và với các xe tay ga ngày nay thì hầu hết đều đã được trang bị phanh đĩa ở bánh trước để mang lại lực phanh lớn hơn. Thế nhưng, nhiều chị em khi đi xe tay ga lại thường có thói quen chỉ bóp một phanh trước hoặc phanh sau khi có chướng ngại vật.

Điều này là hoàn toàn không chính xác. Nếu chỉ bóp phanh sau của xe, đôi khi lực phanh không đủ sẽ làm chiếc xe không thể giảm tốc một cách an toàn. Còn nếu chi bóp phanh trước thì chiếc xe có thể quật ngã người lái xe bởi lực khoá của phanh lên bánh trước.

Do đó, để đảm bảo an toàn, chị em nên sử dụng đồng thời cả hai phanh để có lực phanh hiệu quả nhất và khi bóp phanh nên nhấp nhả một chút để vẫn có thể điều khiển được tay lái, tránh hiện tượng khoá chết bánh xe.

3. Lắp thêm đồ chơi hoặc bộ chống trộm trôi nổi

Để bảo đảm an toàn cho chiếc xe tay ga của mình, nhiều chị em thường được tư vấn lắp thêm các bộ khoá điện tử chống trộm. Tuy nhiên, mỗi chiếc xe tay ga khi xuất xưởng đều đã được tính toán sao cho hoạt động tối ưu nhất. Bất cứ một thiết bị ngoại vi nào được gắn thêm đều có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống điện của xe. Với những mẫu xe tay ga cao cấp như Vespa Primavera hay Vespa Sprint đều được trang bị hệ thống khoá từ nên khả năng chống trộm của những dòng xe này là rất tốt, chị em có thể hoàn toàn yên tâm mà không cần phải lắp thêm các loại khoá chống trộm khác nữa.

4. Trùm áo mưa lên đầu xe

Xe tay ga thường có lợi thế với sàn để chân rộng và tay lái thoáng nên nhiều chị em thường trùm cả áo mưa qua đầu xe để không bị ướt và kín gió hơn. Thế nhưng khi trùm áo mưa qua đầu xe, các chị em đã làm giảm đi sự linh hoạt của đầu xe bởi áo mưa ướt sẽ quấn chặt vào tay lái và đồng thời cũng tăng sức cản gió do áo mưa căng ra khi di chuyển.

Bên cạnh đó, còn phải nói đến những trường hợp đi vào buổi tối, nhiệt lượng toả ra từ đèn pha của xe tay ga có thể sẽ làm nóng chảy lớp áo mưa phủ trên bề mặt đèn gây hư hại cả lớp choá ngoài của đèn pha.

5. Phóng nhanh phanh gấp

Khi lái xe tay ga, điều khiển xe một cách êm ái mượt mà luôn là yêu cầu cần thiết để đảm bảo độ ổn định của than xe, khả năng tiêu thụ nhiên liệu và đồ bền của các chi tiết máy. Thế nhưng nhiều chị em lại thường có thói quen kéo ga mạnh khi mới bắt đầu đi để lấy tốc độ và phanh gấp khi gần đến chướng ngại vật. Thói quen này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chiếc xe tay ga và cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.

6. Không lắp gương hoặc chỉ lắp gương một bên

Nhiều chị em khi lái xe cho rằng 2 chiếc gương chiếu hậu khá vướng víu nên thường tháo bỏ gương chiếu hậu hoặc chỉ lắp một bên gương trái để đối phó với quy định về luật giao thông. Thế nhưng, nếu không có gương chiếu hậu thì khả năng quan sát phía sau của người lái xe hạn chế rất nhất. Đó là còn chưa nói đến chuyện chỉ lắp một bên gương cũng làm giảm tính thẩm mỹ của chiếc xe.

 

Theo vietnamnet

Lượt xem: 6

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân