Bạn đang ở đây

Bảo đảm năng suất, chất lượng lúa vụ đông xuân

(04.04.2015)

Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, khi nền nhiệt độ liên tục vượt "ngưỡng ấm", khiến vụ đông xuân 2014 - 2015 tại các tỉnh miền bắc đang đứng trước nguy cơ sụt giảm năng suất. Ðể ứng phó tình hình, tránh nguy cơ thất thu, cần sự chủ động phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng và người trồng lúa

Ảnh hưởng từ thời tiết bất thường

 

Xác định vụ đông xuân là vụ sản xuất chính cho năng suất, giá trị kinh tế cao, nên ngay sau những ngày nghỉ Tết, nông dân ở khắp địa phương miền bắc đồng loạt làm đất, đưa nước, nhổ mạ, gieo cấy lúa. Ðến thời điểm này, tỷ lệ gieo cấy trên toàn miền đạt hơn 90% kế hoạch. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, vụ đông xuân năm nay, nông dân các tỉnh miền bắc phải đối mặt nhiều bất lợi khi nền nhiệt độ tăng cao so với mọi năm. Theo số liệu cập nhật đến hết tháng 2-2015 cho thấy tổng nhiệt đạt ngưỡng trên 1650 độ C, vượt trung bình nhiều năm khoảng 79 độ C. Dự báo trong tháng 3, tháng 4, nhiệt độ tiếp tục cao hơn trung bình mọi năm từ 0,5 đến 1,0 độ C.

 

Miền bắc nước ta đã trải qua các vụ đông xuân ấm vào những năm 1987, 1991, 1997, 2001 và 2007. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, vụ xuân ấm thường không cho năng suất cao. Thực tế, những vụ đông xuân quá ấm vào những năm 1991 và 1997, năng suất toàn vùng đều giảm từ 40% đến 60%. Nguyên nhân do thời tiết ấm, cây lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng, trỗ và thu hoạch sớm, khả năng tích lũy chất khô kém hơn, dẫn đến năng suất thấp. Mặt khác, nền nhiệt ấm tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, nếu không ngăn chặn kịp thời, có nguy cơ lây lan thành dịch. Vụ đông xuân 2014-2015, thời tiết ấm đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa, nhất là diện tích lúa được gieo cấy sớm, bị khô hạn thiếu nước, chăm bón không kịp thời, có nguy cơ phân hóa đòng và trỗ bông sớm.

 

Trước tình hình đó, các địa phương đều trong "tâm thế" chủ động ứng phó. Chủ nhiệm HTX Nguyên Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư (Thái Bình) Nguyễn Phi Hùng cho biết: Vụ đông xuân năm 2014-2015, toàn xã đề ra chỉ tiêu gieo cấy 293 ha. Ngày 15-2, đã gieo sạ được 278 ha (đạt khoảng 90% kế hoạch). Còn lại 15 ha lúa cấy, đến ngày 26-2, bà con đã hoàn thành. Sau 25 ngày gieo cấy, diện tích lúa gieo sạ đã đẻ nhánh, bà con bắt đầu tiến hành tỉa dặm, làm cỏ và chuẩn bị bón phân thúc đợt một. Hiện tại, thời tiết chưa ảnh hưởng gì đến diện tích lúa.

 

Ðến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã gieo cấy xong 80 nghìn ha lúa. Trong đó, diện tích lúa gieo thẳng khoảng 32 nghìn ha (chiếm 40,7% tổng diện tích lúa). Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN và PTNT tỉnh Thái Bình) Phạm Thị Kim Hoàn cho biết: Do được cảnh báo về thời tiết nên chúng tôi đã tổ chức họp với các doanh nghiệp cung ứng giống trên địa bàn tỉnh, thống nhất không cung ứng giống xuân sớm. Do đó, diện tích gieo cấy nhìn chung bảo đảm đúng khung thời vụ. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên chủ quan, phải thường xuyên thăm nom đồng ruộng, nắm bắt tình hình phát triển của cây cũng như kiểm soát sự phát sinh của sâu, bệnh để kịp thời ứng phó.

 

Theo ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, vụ đông xuân 2014- 2015, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 36 nghìn ha lúa. Trong đó, diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao chiếm 55,6%, tương ứng 20 nghìn ha. Ðến nay, tỉnh đã thực hiện đạt 95% kế hoạch. Nhiều địa phương hoàn thành chỉ tiêu sớm như huyện Lương Tài, Thuận Thành. Bà Nguyễn Thị Huyền, xã Ðại Ðồng Thành (huyện Thuận Thành) cho biết: Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy năm sào lúa, gồm các giống: Nếp, Thiên Ưu 8. Do địa phương thông báo lịch gieo cấy sớm và dự báo những khó khăn của thời tiết nên gia đình tôi tuân thủ đúng lịch, bảo đảm gieo trồng đúng khung thời vụ để cây sinh trưởng tốt.

 

 

Nông dân xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) cấy giặm lúa xuân. Ảnh: LÊ HÀ

 

Không chủ quan, sao nhãng

 

Ngay từ tháng 11-2014, tại hội nghị về triển khai sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt đã cảnh báo sớm về tình hình thời tiết ấm và hạn. Trong đó, vấn đề thiếu hụt dòng chảy, hạn hán được "báo động" tại nhiều địa phương. Trước đó, Cục Trồng trọt phối hợp Tổng cục Thủy lợi triển khai các giải pháp ứng phó từ sớm, như đào đắp, nạo vét hệ thống kênh mương dẫn nước, hồ chứa, đầu khâu, cống đập ở các địa phương, kiểm tra chuẩn bị tốt hệ thống máy bơm cố định, bơm di động để chủ động bơm nước khi có lệnh. Ðến hết tháng 2-2015, việc lấy nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân cơ bản hoàn thành.

 

Dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất của ngành nông nghiệp vụ đông xuân tiếp tục gặp khó khăn. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Ðại cho biết: Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị chủ động bơm nước sớm từ đầu tháng 1, nhằm tích trữ nước vào hệ thống kênh chìm, ao hồ. Ðồng thời, bám sát lịch xả nước các hồ thủy điện, tập trung mọi phương tiện, lực lượng lấy nước. Nhờ vậy, đến thời điểm kết thúc đợt 3 lịch xả nước các hồ thủy điện, hơn 95% diện tích trồng lúa có đủ nước đổ ải, làm đất và gieo cấy. Bên cạnh việc chủ động về thủy lợi, giải pháp hiện nay là chuyển đổi các chân đất cao, khó tưới, tốn kém nước sang gieo trồng các cây trồng cạn. Các chi cục BVTV phải bám sát diễn biến sâu bệnh và thời tiết để dự tính, dự báo chính xác, có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; trung tâm khuyến nông - khuyến ngư, các phòng, ban, đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn bà con tăng cường sử dụng phân chuồng, bón đủ lượng, cân đối NPK; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại cây trồng.

 

Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt Trần Xuân Ðịnh, việc sử dụng các giống lúa lai, lúa ngắn ngày, lúa chất lượng, khung lúa trỗ về cơ bản bảo đảm an toàn, đúng thời vụ. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan, phải luôn bám sát đồng ruộng. Về phía ngành nông nghiệp ở các địa phương, phải khẩn trương trong công tác chỉ đạo, bảo đảm tính khoa học.

Với sự chỉ đạo sát sao, đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như triển khai các phương án chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, tin rằng vụ đông xuân 2014-2015 vẫn có thể bội thu

 

Theo Nhân Dân

Lượt xem: 17

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân