Bạn đang ở đây

Biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội trong năm 2020

(07.12.2020)

(Website HNDHY) - Biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội trong năm 2020, khiến năm nay có thể trở thành một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, 2011-2020 sẽ là thập kỷ có nhiệt độ cao nhất được ghi nhận, với sáu năm nóng nhất đều từ sau năm 2015. Báo cáo sơ bộ về Khí hậu Toàn cầu năm 2020 vừa được công bố cho biết.

Nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục và hơn 80% đại dương trên thế giới đều từng hứng chịu một đợt sóng nhiệt vào một thời điểm nào đó trong năm 2020, gây nhiều hậu quả trên diện rộng lên các hệ sinh thái biển vốn đã phải chịu môi trường nước nhiều axit hơn do hấp thụ carbon dioxide (CO2), theo báo cáo sơ bộ của WMO về Tình trạng Khí hậu Toàn cầu năm 2020.

Dựa trên sự đóng góp của hàng chục tổ chức và chuyên gia quốc tế, báo cáo đã chỉ ra các hiện tượng gây tác động mạnh như nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt, cùng với mùa bão Đại Tây Dương kỷ lục đã ảnh hưởng đến hàng triệu người, đồng thời kết hợp với những hiểm hoạ đối với sức khỏe, an ninh và ổn định kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo Báo cáo sơ bộ về Khí hậu Toàn cầu năm 2020, bất chấp các đợt đóng cửa vì COVID-19, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng lên, đặt hành tinh trên đà tiếp tục ấm lên trong nhiều thế hệ tới bởi CO2 tồn tại rất lâu trong khí quyển.

“Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2020 được dự đoán sẽ cao hơn khoảng 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900),” theo Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas. “Hiện nay có khoảng 20% khả năng là con số này sẽ tạm thời vượt mức 1,5 ° C vào năm 2024.”

“Năm nay kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu. Chúng tôi hoan nghênh tất cả các cam kết gần đây của chính phủ các nước về giảm phát thải khí nhà kính vì hiện tại chúng ta đang không đạt các chỉ tiêu và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

“Những năm nắng nóng kỷ lục thường trùng với sự kiện El Niño mạnh, như trường hợp của năm 2016. Hiện chúng ta đang trải qua một đợt La Niña, có tác dụng làm mát nhiệt độ toàn cầu, nhưng vẫn chưa đủ để xoa dịu mức nhiệt năm nay. Dù đang có La Niña, nhưng năm nay vẫn có mức nhiệt cao gần bằng mức kỷ lục của năm 2016,” GS Taalas nói.

“Thật không may, năm 2020 lại là một năm biến động nữa đối với khí hậu của chúng ta. Chúng ta đã thấy các mức nhiệt độ cực đoạn mới xuất hiện trên đất liền, trên biển và đặc biệt là ở Bắc Cực. Cháy rừng thiêu rụi các khu vực rộng lớn ở Úc, Siberia, Bờ Tây Hoa Kỳ và Nam Mỹ, tạo ra những đám khói bay vòng quanh thế giới. Chúng ta đã chứng kiến số lượng kỷ lục các cơn bão ở Đại Tây Dương, bao gồm cả loạt cơn bão cấp 4 xuất hiện dồn dập chưa từng có ở Trung Mỹ vào tháng 11. Lũ lụt ở các khu vực của châu Phi và Đông Nam Á đã khiến một lượng lớn dân số phải di dời và làm suy yếu an ninh lương thực cho hàng triệu người,” ông nói.

Báo cáo sơ bộ về Khí hậu Toàn cầu năm 2020 dựa trên dữ liệu nhiệt độ từ tháng 1 đến tháng 10. Báo cáo tổng kết năm 2020 sẽ được công bố vào tháng 3 năm 2021. Tài liệu này tổng hợp thông tin từ các cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các trung tâm khí hậu toàn cầu và khu vực cũng như các đối tác của Liên Hợp Quốc bao gồm Tổ Chức Lương Thực Và Nông Nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) , Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ của UNESCO (UNESCO-IOC), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

Nhiệt độ và nắng nóng

Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2020 cao hơn khoảng 1,2 ° C so với đường nhiệt cơ sở năm 1850–1900 - đây là mức được sử dụng làm giá trị ước tính của thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2020 rất có thể là một trong ba năm ấm nhất được ghi nhận trên toàn cầu. Ghi chép nhiệt độ hiện đại bắt đầu vào năm 1850.

Đánh giá của WMO dựa trên năm cơ sở dữ liệu nhiệt độ toàn cầu (Hình 1). Cả năm cơ sở dữ liệu này hiện đều đang xếp năm 2020 là năm nóng thứ 2 tính tới nay, xếp sau năm 2016 và xếp trước năm 2019. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa ba năm nóng nhất này là rất nhỏ và thứ hạng chính xác trong mỗi cơ sở dữ liệu có thể thay đổi khi dữ liệu của cả năm được thu thập đầy đủ.

Khu vực nóng lên rõ rệt nhất là ở toàn Bắc Á, đặc biệt là Cực Bắc Siberia, ở đây nhiệt độ cao hơn 5°C so với mức trung bình. Nhiệt độ ở Siberia cao đỉnh điểm vào cuối tháng 6, đạt tới 38,0°C tại Verkhoyansk vào ngày 20 tháng 6, tạm thời đây là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trên toàn vùng phía bắc của Vòng Bắc Cực. Hiện tượng này đã tiếp sức cho mùa cháy rừng mạnh nhất, theo bộ dữ liệu theo dõi 18 năm qua dựa trên ước tính về lượng khí CO2 thải ra từ các đám cháy.

Băng biển

Kể từ giữa những năm 1980, Bắc Cực đã nóng nhanh hơn ít nhất hai lần so với tốc độ tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, khiến diện tích băng biển mùa hè Bắc Cực tiếp tục xu hướng bị thu hẹp, gây ảnh hưởng đến khí hậu ở các vùng vĩ độ trung bình.

Băng biển ở Bắc Cực chạm mức thấp nhất hàng năm vào tháng 9 vừa qua, là mức thấp thứ hai theo ghi nhận vệ tinh trong 42 năm. Mức băng ở biển Bắc Cực trong tháng 7 và tháng 10 năm 2020 là mức thấp nhất được ghi nhận.

Băng biển ở Biển Laptev đặc biệt thấp trong suốt mùa xuân, mùa hè và mùa thu vừa qua, và Tuyến Đường Biển phía Bắc ở trình trạng không có băng hoặc gần không có băng từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2020.

Băng ở Nam Cực năm 2020 gần bằng hoặc cao hơn một chút so với mức trung bình 42 năm.

Greenland tiếp tục bị tan băng, đánh mất 152 tỉ tấn băng trong năm nay, mặc dù tốc độ đã chậm hơn so với năm 2019.

Nước biển dâng và đại dương nóng lên

Nhiệt độ đại dương năm 2019 được ghi nhận là cao nhất trong cơ sở dữ liệu từ năm 1960. Hiện đã có một tín hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng hấp thụ nhiệt đang nhanh hơn trong những thập kỷ gần đây. Hơn 90% năng lượng dư thừa tích tụ trong hệ thống khí quyển do nồng độ khí nhà kính tăng lên sẽ đi vào đại dương.

Tính trung bình, kể từ đầu năm 1993, tốc độ dâng trung bình theo độ cao của mực nước biển toàn cầu lên tới 3,3 ± 0,3 mm/năm. Tỷ lệ cũng đã tăng lên trong khoảng thời gian này. Băng tan diện rộng ở các tảng băng lớn là nguyên nhân chính đẩy nhanh tốc độ dâng của mực nước biển trung bình toàn cầu.

Mực nước biển trung bình toàn cầu năm 2020 tương đương năm 2019 và thống nhất với xu hướng lâu dài. Các hiện tượng La Niña đang phát triển hiện nay đã giúp giảm nhẹ mực nước biển dâng toàn cầu, tương tự như mức giảm tạm thời đi kèm với đợt La Niña trước đó.

Cũng như sóng nhiệt trên đất liền, nhiệt độ cực đoan có thể ảnh hưởng đến lớp gần bề mặt của các đại dương, kéo theo một loạt các hậu quả đối với sinh vật biển và các cộng đồng phụ thuộc biển. Hoạt động truy xuất nhiệt độ bề mặt biển qua vệ tinh được sử dụng để theo dõi sóng nhiệt trên biển, có thể phân loại chúng thành mức trung bình, mạnh, nghiêm trọng hoặc cực đoan. Phần lớn đại dương đã trải qua ít nhất một đợt sóng nhiệt 'mạnh' một lần trong năm 2020. Biển Laptev đã trải qua một đợt sóng nhiệt cực đoan trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10. Diện tích băng biển giảm xuống mức thấp bất thường ở khu vực này và cả các vùng đất lân cận cùng trải qua những đợt sóng nhiệt trong mùa hè.

Quá trình axit hóa đại dương ngày càng nghiêm trọng. Đại dương hấp thụ khoảng 23% lượng khí thải CO2 do con người phát thải hàng năm từ bầu khí quyển, do đó giúp giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu trên hành tinh. Hệ sinh thái đại dương đã phải trả giá đắt cho quá trình này, vì CO2 phản ứng với nước biển làm giảm độ pH; quá trình này được gọi là axit hóa đại dương. Độ pH trung bình có dấu hiệu giảm tại các địa điểm được chọn quan sát từ năm 2015 đến năm 2019, năm cuối cùng thu được dữ liệu. Nhiều nguồn dữ liệu khác nhau bao gồm cả các phép đo những biến số khác cũng cho thấy quá trình axit hóa đại dương trên toàn cầu đang gia tăng đều.

Các hiện tượng gây tác động lớn

Lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Đông Phi và Sahel, Nam Á, Trung Quốc và Việt Nam.

Ở châu Phi - Sudan và Kenya bị tàn phá nặng nề nhất, với 285 người tử vong ở Kenya và 155 người ở Sudan. Mực nước hồ Victoria đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5, sông Niger và sông Nile đạt mức kỷ lục tại Niamey (Niger) và Khartoum (Sudan). Lũ lụt cũng đã làm bùng phát dịch châu chấu.

Ở Nam Á - Ấn Độ trải qua một trong hai mùa gió mùa ẩm ướt nhất kể từ năm 1994, tháng 8 là tháng ẩm ướt nhất từng được ghi nhận ở Pakistan và lũ lụt trên diện rộng đã xuất hiện ở khắp khu vực này (bao gồm Bangladesh, Nepal và Myanmar).

Tại Trung Quốc - Lượng mưa lớn liên tục ở lưu vực sông Dương Tử trong mùa gió mùa cũng gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Thiệt hại kinh tế được báo cáo đã vượt quá 15 tỷ đô la Mỹ, và ít nhất 279 người thiệt mạng được báo cáo trong thời gian này.

Tại Việt Nam - Những trận mưa lớn đặc trưng khi gió mùa Đông Bắc đến đã trở nên nghiêm trọng hơn do sự xuất hiện của hàng loạt các trận bão và áp thấp nhiệt đới, với 8 cơn bão đổ bộ vào đất liền trong vòng chưa đầy 5 tuần.

Nắng nóng, hạn hán và cháy

Ở nội địa Nam Mỹ, hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến nhiều nơi vào năm 2020, và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là miền bắc Argentina, Paraguay và các khu vực biên giới phía tây Brazil. Ước tính thiệt hại về nông nghiệp là gần 3 tỷ đô la Mỹ chỉ riêng ở Brazil. Có cả những vụ cháy rừng đáng kể trên khắp khu vực, nghiêm trọng nhất là ở vùng đầm lầy Pantanal ở miền tây Brazil.

Tại Hoa Kỳ, những đám cháy lớn nhất từng được ghi nhận xảy ra vào cuối mùa hè và mùa thu. Hạn hán trên diện rộng và nhiệt độ khắc nghiệt đã góp phần gây ra các đám cháy, và tháng 7 đến tháng 9 là thời điểm nóng nhất và khô nhất được ghi nhận ở miền tây nam. Thung lũng Chết ở California đạt 54,4 ° C vào ngày 16 tháng 8, nhiệt độ cao nhất được biết đến trên thế giới trong ít nhất 80 năm qua.

Ở vùng Caribe, các đợt nắng nóng lớn xảy ra vào tháng 4 và tháng 9. Nhiệt độ đạt 39,7 ° C tại Veguitas vào ngày 12 tháng 4, một kỷ lục quốc gia của Cuba, trong khi Havana cũng có ngày nóng nhất với nhiệt độ lên tới 38,5 ° C.

Úc đã phá nhiều kỷ lục nhiệt độ cao nhất vào đầu năm 2020, bao gồm nhiệt độ cao nhất quan sát được ở một khu vực đô thị của Úc, ở phía tây Sydney khi thành phố Penrith chạm ngưỡng 48,9 ° C vào ngày 4 tháng 1.

Châu Âu cũng đã trải qua hạn hán và các đợt nắng nóng, mặc dù nhìn chung không gay gắt như vào năm 2019. Ở phía đông Địa Trung Hải với kỷ lục mọi thời đại được thiết lập ở Jerusalem (42,7 ° C) và Eilat (48,9 ° C) vào ngày 4 tháng 9, sau đợt nắng nóng cuối tháng 7 ở Trung Đông, trong đó sân bay Kuwait có nhiệt độ lên tới 52,1 ° C và Baghdad là 51,8 ° C.

Lốc xoáy nhiệt đới và bão

Số trận bão xoáy nhiệt đới trên toàn cầu năm 2020 đã vượt mức trung bình, với 96 trận bão tính đến ngày 17 tháng 11 vào các mùa mưa bão ở Bắc bán cầu 2020 và Nam bán cầu 2019-2020.

Khu vực Bắc Đại Tây Dương đã có một mùa mưa bão dữ dội khác thường, với 30 trận bão xoáy nhiệt đới tính đến ngày 17 tháng 11, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình nhiều năm (1981-2010) và phá kỷ lục mùa mưa bão của năm 2005. Vào thời điểm mưa bão thường bắt đầu rút dần vào cuối mùa, vẫn có hai cơn bão cấp 4 đã đổ bộ vào Trung Mỹ trong vòng chưa đầy hai tuần vào tháng 11, dẫn đến lũ lụt kinh hoàng và gây nhiều thương vong.

Bão Amphan đổ bộ vào ngày 20 tháng 5 gần biên giới Ấn Độ-Bangladesh là trận bão nhiệt đới gây thiệt hại nhiều nhất từng ghi nhận ở Bắc Ấn Độ Dương, với thiệt hại kinh tế được báo cáo ở Ấn Độ khoảng 14 tỷ USD. Công tác sơ tán quy mô lớn các khu vực ven biển ở Ấn Độ và Bangladesh đã giúp làm giảm thương vong so với các trận lốc xoáy trước đó trong khu vực.

Rủi ro và tác động

Khoảng 10 triệu người mất nơi cư trú trong nửa đầu năm 2020, phần lớn do các thảm họa khí tượng thủy văn, chủ yếu tập trung ở Nam và Đông Nam Á và vùng bán đảo Sừng châu Phi. Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tạo thêm một áp lực đáng ngại mới cho vấn đề di cư của con người.

Đại dịch COVID-19 cũng đã gây ra một tầng rủi ro khác cho các hoạt động sơ tán, phục hồi và cứu trợ liên quan đến các hiện tượng gây tác động lớn. Ví dụ ở Philippines, mặc dù hơn 180.000 người đã được sơ tán trước Bão nhiệt đới Vongfong (Ambo) vào giữa tháng 5, nhưng yêu cầu về các biện pháp giãn cách xã hội đồng nghĩa người dân không thể được di chuyển với số lượng lớn và khiến các trung tâm sơ tán chỉ có thể hoạt động với một nửa công suất.

Sau nhiều thập kỷ giảm, bất ổn an ninh lương thực đã gia tăng trở lại những năm gần đây kể từ năm 2014, xuất phát từ các cuộc xung đột và suy thoái kinh tế cũng như biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo số liệu mới nhất của FAO, gần 690 triệu người, tương đương 9% dân số thế giới, bị suy dinh dưỡng và khoảng 750 triệu người đã phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2019. Số người rơi vào tình trạng khủng hoảng, khẩn cấp và đói kém đã tăng lên gần 135 triệu người trên 55 quốc gia.

Theo FAO và WFP, hơn 50 triệu người đã chịu ảnh hưởng kép từ các thảm họa liên quan đến khí hậu (lũ lụt, hạn hán và bão) và đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Các quốc gia ở Trung Mỹ đang phải hứng chịu tác động gấp ba do bão Eta, bão Iota, COVID-19 và các cuộc khủng hoảng nhân đạo từ trước. Chính phủ Honduras ước tính rằng 53.000 ha đất trồng trọt đã bị cuốn trôi, chủ yếu là lúa, đậu và mía.

Các tác động tiêu cực đến môi trường bao gồm các tác động đến đất đai như hạn hán, cháy rừng ở các khu vực rừng và đất bùn, suy thoái đất, bão cát và bụi, sa mạc hóa cũng như ô nhiễm không khí, có ảnh hưởng sâu rộng đến thiên nhiên và động vật hoang dã. Các hậu quả đối với hệ thống biển bao gồm mực nước biển dâng, đại dương bị axit hóa, nồng độ ôxy trong đại dương giảm, rừng ngập mặn suy giảm và san hô bị tẩy trắng.

Bài học và cơ hội để tăng cường hành động khí hậu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tình trạng suy thoái toàn cầu hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra khiến việc ban hành các chính sách cần thiết để giảm thiểu tác động trở nên khó khăn, nhưng nó cũng mang đến cơ hội để đưa nền kinh tế đi theo con đường xanh hơn nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực xanh và cơ sở hạ tầng công cộng bền vững, từ đó hỗ trợ tăng trưởng GDP và tạo thêm việc làm trong giai đoạn phục hồi.

Theo dangcongsan.vn

Lượt xem: 1 lần xem

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân