Bạn đang ở đây

Cam sành huyện Bắc Quang phục hồi nhờ VietGAP

(04.04.2015)

Cam sành là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tính đến cuối năm 2014, diện tích cam sành của Hà Giang ước đạt 3.850 ha, trong đó có khoảng 1.850 ha đã cho thu hoạch và sản lượng ước đạt khoảng 200 nghìn tấn. Nhưng diện tích và sản lượng cam sành của Hà Giang được tập trung chủ yếu tại huyện Bắc Quang.

 

Cam sành Bắc Quang

 

 Trong những năm qua, cây cam sành đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của các hộ gia đình nói riêng và sản suất nông nghiệp của huyện Bắc Quang nói chung. Tuy nhiên, trong vòng 7 năm (từ 2005 – 2011), diện tích cam sành của huyện Bắc Quang đã bị suy giảm nhanh chóng (giảm 2.468,3 ha), tính đến cuối năm 2011 chỉ còn 1.078,7 ha. Từ năm 2012, thực hiện Đề án phục hồi và phát triển cam quýt của tỉnh, UBND huyện Bắc Quang đã ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để tập trung phục hồi để phát triển cây cam sành. Sau 3 năm phục hồi, từ 2012 – 2014, diện tích cam quýt của toàn huyện Bắc Quang đã đạt 2.198,4 ha (tăng 1.119,4 ha so với năm 2011), trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.081,4 ha. Cùng với sự phát triển về diện tích, năng suất cam sành của huyện Bắc Quang cũng tăng đáng kể, từ 68 tạ/ha vào năm 2011 lên 100 tạ/ha vào năm 2014. Tuy nhiên, so với các địa phương khác thì năng suất và chất lượng của cam sành Bắc Quang còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, thị trường tiêu thụ không ổn định…..

 

Hàng năm, UBND huyện Bắc Quang đều tổ chức các Hội thi để đánh giá và bình chọn các sản phẩm cam sành tốt nhất để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm. Tại Hội thi sản phẩm cam sành năm 2014 vừa qua, đã thu hút 55 hộ gia đình trồng cam điển hình của huyện tham gia; tại các Hội thi, Ban Giám khảo tham gia chấm điểm cho sản phẩm cam sành của từng hộ gia đình. Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã công bố và trao các giải thưởng nhất, nhì và giải ba cho các gia đình đoạt giải, trao chứng nhận cho các hộ có sản phẩm cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP của từng năm

 

Có thể khẳng định, nhờ phục hồi cam sành tiêu chuẩn VietGAP, nên cam sành của tỉnh Hà Giang nói chung và cam sành của huyện Bắc Quang nói riêng đã lấy lại  được vị thế trên thị trường trong nước và Quốc tế; đây cũng là định hướng trong phát triển cây trồng mũi nhọn của Hà Giang trong những năm tiếp theo nhằm không ngừng nâng cao thu nhập của người trồng cam trên địa bàn của tỉnh.

                                                          

 

Phạm Văn Phú - hoinongdan.org.vn

Lượt xem: 19

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân