Bạn đang ở đây

“Chắp cánh” cho nông dân làm giàu

(02.03.2016)

(Website HNDHY) -  Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội nông dân.

Mô hình trồng cây ăn quả của hội viên nông dân Lê Đình Bốn ở tổ 6, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Hằng năm, sau khi được giao chỉ tiêu, các cơ sở hội đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân vay vốn, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Các cấp hội chủ động phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình trình diễn để hội viên, nông dân áp dụng vào sản xuất; cung cấp thông tin thị trường, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm; vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao. 

Năm 2015, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì 833 tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp cho 21.063 hộ nông dân vay vốn với tổng dư nợ là 457,02 tỷ đồng. Số vay vốn đó giúp các hộ nông dân đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Các cấp hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2.938 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho trên 188.500 lượt người. Toàn tỉnh đã có 65.500 hộ hội viên đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, kết quả có 32.467 hộ đạt danh hiệu (đạt gần 50% số hộ đăng ký). Các huyện có nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi là Sơn Dương 7.430 hộ, Hàm Yên 5.694 hộ, Chiêm Hóa 5.120 hộ... Các mô hình phát triển kinh tế của nông dân chủ yếu về trồng rừng, mía, chè, cam, chăn nuôi lợn thịt, nuôi cá, nuôi trâu, bò, dê sinh sản...

Toàn huyện Lâm Bình đã có trên 1.800 hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều nông dân đã nhạy bén tìm được hướng đi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của gia đình, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu là hội viên nông dân Nguyễn Văn Hải, ở thôn Lung Luông, xã Hồng Quang với tổng thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Ông Hải chia sẻ, nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại, con giống... phát triển chăn nuôi lợn thịt. Ban đầu do ít vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông chỉ nuôi khoảng 50 con lợn thịt/lứa. Qua quá trình nuôi, ông Hải đã tìm được đầu ra cho sản phẩm ổn định. Đến đầu năm 2015, ông đầu tư vốn mở rộng chuồng trại, nâng quy mô chăn nuôi từ 100 - 150 con/lứa. Để tiết kiệm chi phí, ông còn nấu rượu tận dụng nguồn bỗng cho lợn ăn. Ông Hải luôn chủ động phòng chống, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Năm 2015, ông đã xuất bán gần 20 tấn lợn thịt. Ông cũng đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho hàng chục lượt nông dân trong huyện.

Năm 2016, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp hướng dẫn nông dân xây dựng và nhân rộng các điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Qua đó, giúp nông dân thay đổi tư duy làm kinh tế, phát huy khả năng sáng tạo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Theo hoinongdanvietnam

Lượt xem: 10

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân