Bạn đang ở đây

Còn nhiều khó khăn trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

(19.02.2016)

(Website HNDHY) - Chủ đề trọng tâm năm 2015 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) triển khai là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong nông nghiệp. Qua một năm nhìn lại, công tác thực hiện VSATTP đã đạt được nhiều bước chuyển biến tích cực.

Những chuyển biến tích cực

Thực hiện triển khai năm đảm bảo VSATTP trong ngành nông nghiệp, các tháng trong năm 2015, Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh chỉ đạo quản lý và sản xuất chăn nuôi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giống, thức ăn, môi trường chăn nuôi, rà soát các quy định về chất cấm và quy định liên quan đến thức ăn chăn nuôi; duy trì lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm rau, thịt, thủy sản; đánh giá nguy cơ và tổ chức thanh tra, điều tra nguyên nhân, xử lý vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả các hoạt động ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp.  

Bên cạnh đó, nhằm giải quyết những vấn đề nổi cộm trong VSATTP, Bộ NN&PTNT đã phát động đợt cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm vào các đối tượng thịt lợn, thịt gà, rau quả, tôm, cá nuôi; công bố đường dây nóng và chuyên mục thongtinvipham@mard.gov.vn nhằm tiếp nhận các thông tin phản hồi của các tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm.

Thực hiện Kế hoạch cao điểm về kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, trong tháng 11/2015, đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT đã phối hợp với lực lượng công an C49 phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong việc sử dụng các chất cấm vàng ô, Salbutamol, chất tạo màu công nghiệp trong chăn nuôi. Một số công ty đã bị “phanh phui” việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm vi phạm đã bị niêm phong, xử lý theo quy định của pháp luật. Tên công ty, các sản phẩm vi phạm đã được thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng để tránh mua sử dụng.

Báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành cũng cho thấy, trong năm 2015, thanh tra Bộ NN&PTNT đã triển khai tăng 71% các đoàn thanh tra so với kế hoạch. Trong năm, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã kết luận thanh tra, kiến nghị thu hồi 11 tỉ 500 triệu đồng, tăng 40% so với năm 2014.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, năm 2015, với việc thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên đề về VSATTP, trọng tâm là thanh tra vật tư nông nghiệp, bao gồm phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh…,ngành đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống tại 63 tỉnh, thành vào cuộc. Đến nay đã có 59 địa phương gửi báo cáo về Bộ.

Kết quả cho thấy, 59 địa phương đã tiến hành thanh tra gần 49.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó phát hiện 10.165 cơ sở vi phạm. Một số vấn đề bức xúc qua thanh tra là vi phạm trong lĩnh vực phân bón và thức ăn chăn nuôi.

Còn nhiều khó khăn trong quản lý VSATTP

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, hiện nay, cả nước có khoảng 10 triệu hộ nông dân, 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm với 85% quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ, rất khó khăn trong công tác quản lý đảm bảo VSATTP, bởi vậy, rất cần đến các cơ quan quản lý VSATTP nằm ở các tuyến xã, phường, quận, huyện. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa có đội ngũ này. Vừa qua, các bộ đã trình Chính phủ thí điểm thanh tra chuyên ngành thực phẩm ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nếu thực hiện thành công sau một năm, Chính phủ sẽ cho phép triển khai trên diện rộng theo nguyên tắc không tăng biên chế.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, qua quá trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, bên cạnh những địa phương thực hiện nghiêm túc, xử lý rất mạnh vẫn còn những địa phương tiến hành nhiều cuộc thanh tra nhưng số các cơ sở bị xử phạt rất ít. Đơn cử như có địa phương một năm tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra nhưng chỉ xử lý vi phạm 2 cơ sở.

Theo Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt, việc thanh, kiểm tra vật tư nông nghiệp được Bộ NN&PTNT rất quan tâm và triển khai quyết liệt. Tuy tình hình vi phạm đã giảm, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra trong đó, có nhiều nguyên nhân có thể kể đến như: Công tác đảm bảo chế độ cho lực lượng thanh tra chưa được quan tâm nhiều, đồng thời phục vụ cho công tác thanh tra vẫn còn thiếu nhiều điều kiện. Giữa năm 2015, với việc chỉ đạo các tỉnh tổ chức nhiều hơn việc thanh tra đột xuất nhằm phát hiện các vụ việc vi phạm, có thể khẳng định, các địa phương đã vào cuộc nhưng chưa thực sự thường xuyên và quyết liệt.

Cần xử lý nghiêm các vi phạm

Trên thực tế, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng trà trộn sản phẩm kém chất lượng để bán cùng hàng chất lượng. Trước thực trạng này, theo ông Nguyễn Văn Việt, Bộ sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường khâu lấy mẫu giám sát xác định sản phẩm đảm bảo an toàn, công nhận các cơ sở có sản phẩm an toàn. Khi có sản phẩm an toàn sẽ chỉ cho người dân những địa chỉ bán. 

Song song với đó, Bộ chỉ đạo tiến hành mở các hội chợ, trong đó, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng đều được Bộ NNPTNT chứng nhận; hiện, Bộ đã hướng dẫn các tỉnh có logo chung. Sản phẩm được các cơ quan xác nhận an toàn sẽ được lưu thông toàn quốc, những cơ quan tổ chức xác nhận phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; các sản phẩm nhập khẩu cũng được tăng cường giám sát. Năm 2016 là năm tiếp tục được Bộ NN&PTNT xác định thanh, kiểm tra vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, để thay đổi “tận gốc” những vấn đề còn bức xúc trong công tác VSATTP, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đồng thời người sản xuất, người kinh doanh phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sản phẩm cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nâng cao trách nhiệm của bản thân trong việc sử dụng sản phẩm, trong đó, cần sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của người sản xuất, bảo vệ môi trường, đấu tranh và tẩy chay các sản phẩm không đảm bảo an toàn. Các địa phương khi phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm và công khai các sản phẩm vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng./.

 

Theo cpv.org.vn

Lượt xem: 2

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân