Bạn đang ở đây

Đà Lạt thu tiền tỷ sau "lễ kết hôn" giữa hoa hồng môn và địa lan

(08.06.2017)

(Website HNDHY) - Thực hành các giải pháp kỹ thuật canh tác phù hợp chung cho 2 loài hoa hồng môn và địa lan trong nhà lưới đen, nhà nông Nguyễn Trọng Bằng đã tạo ra dòng sản phẩm “hoa nhãn hiệu” đặc trưng ở xã Tà Nung, Đà Lạt, thu hút nhiều đối tác đặt hàng phân phối hoa trong nước và xuất khẩu.

Địa lan trên cao, hồng môn dưới thấp

Bước vào tháng 6/2017, vườn hoa hồng môn Bằng Trang (thôn 5, xã Tà Nung, Đà Lạt) phân bổ trên 6.000 m² nhà lưới đen vẫn giữ sản lượng thu hoạch ổn định của mùa mưa cao nguyên Lâm Viên - từ 1.000 cành đến 1.200 cành mỗi ngày. Còn lại trên diện tích 4.000 m² nhà lưới đen liên canh với hơn 7.000 chậu địa lan xanh mướt, trong đó có khoảng 1.000 chậu đang chăm sóc đặc biệt cung cấp thị trường tết năm 2018. 

“10.000 m² nhà lưới đen ở vùng khí hậu Tà Nung, Đà Lạt, hộ gia đình chúng tôi lắp đặt và đưa vào sử dụng đầu tiên trong thời gian 2 năm 2004 và 2005. Đến nay, sau 12 - 13 năm đã thay mới 1 lần khung tre thành khung sắt, 2 lần lưới đen cũ thành lưới đen mới, đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về che nắng chắn mưa hàng ngày cho 2 cây hồng môn và cây địa lan sinh trưởng đạt yêu cầu…”, chủ vườn Nguyễn Trọng Bằng chia sẻ. 

Theo đó, những khu vực nhà lưới đen canh tác địa lan trong chậu nhựa (khoảng 15 loại giống cao cấp), chủ vườn Bằng bố trí ở mặt bằng cao hơn, kết hợp kê thêm một lớp chậu nung cách ly mặt đất, qua đó giữ môi trường thoáng khí và thoát nước nhanh cho lớp giá thể nuôi bộ rễ. Và ở mặt bằng thấp hơn trong cùng nhà lưới đen, chủ vườn Bằng thiết kế canh tác hoa hồng môn với 4.000 m² trồng theo luống và 2.000 m² trồng khoảng 7.000 chậu.

Hồng môn là 1 trong những loại cây hoa được các nhà vườn , trong đó có gia đình anh Nguyễn Trọng Bằng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) trồng nhiều  những năm gần đây bởi thị trường tiêu thụ tốt. 

Trồng hồng môn theo từng luống được xây từng hàng gạch nung, chiều rộng hơn 1m, chiều dài 30 m, chiều cao 0,2- 0,3 m. Hồng môn nuôi bằng giá thể hữu cơ tự phối trộn bằng vật liệu trấu, xơ dừa, phân bò hoai mục… trải đều trên tấm màng phủ tiếp xúc mặt đất để ngăn chặn côn trùng, sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là trong những ngày mùa mưa. 

Chủ vườn Nguyễn Trọng Bằng tận dụng các ưu thế canh tác đặc trưng để cung cấp dinh dưỡng, phòng trừ dịch hại hữu hiệu. Như hoa hồng môn trồng theo luống, khi phát hiện cây nào có triệu chứng nhiễm bệnh thì lập tức nhổ bỏ, đưa ra xa khu vực nhà lưới tiêu hủy. Còn trồng trong chậu thì sắp xếp chuyên canh cây hồng môn theo từng năm trồng, từng nhóm cây đề kháng nhiễm bệnh với nhiều khả năng khác nhau, hàng tháng thường xuyên kiểm tra và hoán đổi những vị trí thích ứng với điều kiện phát triển của mỗi loại cây. 

Trong tổng diện tích nhà lưới đen 10.000 m², hệ thống nước tưới tự động được lắp đặt khép kín, có thể tưới phun sương cùng lúc cho 2 khu vực địa lan và hồng môn. Hệ thống tưới chủ yếu vận hành trong 6 tháng mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau); trong 6 tháng mùa mưa trong năm (từ tháng 5 đến tháng 10) phần lớn tập trung thoát nước, giữ độ ẩm vừa đủ cho cây ra hoa đạt chất lượng cao nhất.  

“Hoa nhãn hiệu” thu bạc tỷ

Nguyễn Trọng Bằng nguyên là kỹ sư nông nghiệp của một công ty xuất nhập khẩu hoa tại thành phố Hồ Chí Minh đặt chi nhánh tại Đà Lạt. Năm 2004, sau khi đưa các giống hồng môn mới nhập về từ Hà Lan trồng thử nghiệm đạt giá trị kinh tế cao tại các khu vực làng hoa Đà Lạt, kỹ sư Bằng về xã Tà Nung, một vùng ven đô Đà Lạt để nhân rộng lần đầu vài ngàn mét vuông. Một năm sau đó, Bằng đã bổ sung quy trình kỹ thuật đặc trưng trồng đại trà thành 6.000 m² hồng môn trong nhà lưới đen ổn định năng suất và chất lượng đến ngày nay.

Đến năm 2005, kỹ sư Bằng mở rộng thêm 4.000 m² nhà lưới đen và lần lượt đưa về 7.000 cây địa lan cấy mô trồng trong chậu bên cạnh với cây hồng môn. Theo phân tích của Bằng, địa lan và hồng môn đều là 2 giống hoa dài ngày, nên thuận lợi khi áp dụng “tương đồng” các chế độ chăm sóc. 

Kết quả trong vòng 8 năm trở lại đây, mỗi năm, kỹ sư Bằng thu hoạch 1.000 chậu địa lan các loại (mỗi chậu trung bình nở 5 cành hoa) và cộng thêm khoảng trên dưới 10.000 cành hoa địa lan trái vụ, cắt cành bán ra thị trường. 

Như vậy, mỗi năm tính trung bình hoa địa lan chậu 5 cành hoa với giá bán 1,5 triệu đồng, nhân với 1.000 chậu, thành doanh thu 1,5 tỷ đồng. Và 10.000 cành hoa địa lan cắt thu trái vụ, giá 50.000 đồng/cành, thành 500 triệu đồng. Cộng lại tổng doanh thu 2 tỷ đồng/4.000 m², trừ tất cả mọi chi phí đầu tư khoảng 30%, còn thực lãi 1,4 tỷ đồng/ 4.000 m²/năm.

Với 6.000 m² hồng môn mỗi ngày thu hoạch 1.000 - 1.200 cành nói trên, nhân với giá trung bình 5.000 đồng/cành, đạt doanh thu 5 - 6 triệu đồng. Lũy tiến mỗi năm, ước lợi nhuận khoảng 1,3 - 1,4 tỷ đồng trên 6.000 m² này. 

Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, hộ gia đình Nguyễn Trọng Bằng nằm trong danh sách gần 250 địa chỉ sản xuất các loại hoa được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”. Nhờ đó, sản phẩm “hoa nhãn hiệu” các loại ở Đà Lạt và các vùng phụ cận nói chung, hoa hồng môn và địa lan của kỹ sư Nguyễn Trọng Bằng ở xã Tà Nung nói riêng, đã tiêu thụ ổn định trên thị trường trong nước và từng bước mở rộng xuất khẩu, mang về thu nhập bạc tỷ mỗi năm trên đơn vị ha đất.  

 

Theo Báo Lâm Đồng

Lượt xem: 3

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân