Bạn đang ở đây

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(04.05.2016)

(Website HNDHY) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao nguồn lao động ở nông thôn. 

Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã nâng cao trình độ tay nghề, tính kỷ luật, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu việc làm qua đào tạo. Đặc biệt chủ trương này còn đẩy mạnh từ hướng cung sang hướng cầu và hoàn thành các tiêu chí đào tạo nghề cho các địa phương đang xây dựng đề án nông thôn mới.

Những năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án  trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có sự chuyển biến tích cực. Việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã tạo điều kiện để người dân có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất, làm giàu cho bản thân và gia đình, xã hội; góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương.

Đến nay, các ban, ngành, đoàn thể đã tư vấn học nghề cho lao động nông thôn qua sàn giao dịch việc làm và tại các cơ sở vệ tinh tại các huyện với tổng số 19.189 lượt người. Bên cạnh đó, việc đào tạo các nghề để chuyển đổi lao động nông thôn sang phục vụ cho ngành công nghiệp dịch vụ cũng được quan tâm như nghề may công nghiệp, may túi sách siêu thị...sau đào tạo các học viên đã được các doanh nghiệp, công ty có nhu cầu tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp cũng được coi trọng như nghề trông cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh). Trong đó, một số hộ tại huyện Tân Lạc đã trồng thành công loại bưởi da xanh, bưởi đỏ cho thu hoạch quả to và ngọt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là cam, quýt ở huyện Cao Phong đã giúp người dân có thu hoạch hàng vài trăm triệu đồng hoặc vài tỷ đồng/năm.

Việc đào tạo nghề phụ, nghề truyền thống cũng được triển khai như nghề thêu, dệt thổ cẩm tại HTX Vọng Ngàn huyện Tân Lạc, HTX Thổ cẩm du lịch Chiềng Châu huyện Mai Châu được nhiều lao động nông thôn là phụ nữ lựa chọn học.

Lao động được đào tạo theo hình thức vừa học, vừa làm ngay tại HTX, tại gia đình, thu nhập bình quân 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Người dạy nghề, truyền nghề vừa là những nghệ nhân, vừa là tay nghề giỏi cao tuổi trong làng, xã nên vừa mang tinh thần trách nhiệm của những người thầy vừa gắn với việc truyền nghề, phát triển nghề truyền thống cho thế hệ trẻ. Hàng năm những nghề phụ này có khoảng 150-200 lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định, trong đó có 50% người lao động sau 2 năm làm việc trở thành thợ lành nghề và có khả năng dạy nghề cho các lao động khác.

Theo thống kê, trong 5 năm toàn tỉnh đã tổ chức được 627 lớp dạy nghề theo các trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 17.957 lao động nông thôn. Phân theo nhóm ngành nghề phi nông nghiệp thì đã đào tạo cho 10.016 người; nghề nông nghiệp là 7.941 người. Trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 14.011 người với kinh phí T.Ư là 17.590 triệu đồng, còn lại 3.946 người được đào tạo thông qua nguồn kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí khác.

Trong thời gian qua, việc thực hiện Đề án đào taọ nghề cho lao động nông thôn ở Hà Tĩnh đã góp phần thay đổi được nhận thức cho người dân nông thôn. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề...để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng nhanh hơn, cao hơn trước.

Nếu như trước đây, người dân xã Tượng Sơn huyện Thạch Hà sống chủ yếu dựa vào nghề nông thì nay đã khác. Nhiều nghề mới đang được phổ biến, cho thu nhập tốt, giúp người nông dân vốn "một nắng hai sương" với đồng ruộng đang dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để làm ăn sinh sống. Trong thời gian qua, địa phương  mở được 18 lớp, gồm: Điện dân dụng, máy nông cụ, hàn, thú y với hơn 600 người tham gia. Nhiều người trong số đó đang phát huy được nghề đã học nên có thu nhập ổn định.

Theo phòng Lao động Thương binh và Xã Hội huyện Thạch Hà, mỗi năm trung bình huyện tổ chức mở được gần 60 lớp đào tạo nghề với trên 2.000 lao động nông thôn và cán bộ công chức xã tham gia trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, phi nông nghiệp quản lí nhà nước... Đó là chưa tính hàng chục lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn hàng năm theo các nguồn kinh phí hỗ trợ hoắc các dự án khác. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Thạch Hà chiếm trên 40%, trong đó, lao động qua đào tạo chiếm 32%, trên 70% học viên sau học nghề tạo được việc làm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Điểm đáng ghi nhận khác là hiện nay, Thạch Hà đã xây dựng được gần 40 mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có nhiều mô hình bước đầu đã giải quyết được việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động. Mô hình Dự án "Đào tạo nâng cao năng lực kinh tế dựa vào cộng đồng" (CB-TREE) tại xã Thạch Văn với 8 nhóm nghề, sau một thời gian triển khai đã được Tổng Cục dạy nghề - Dự án CB-TREE đánh giá cao về tính hiệu quả. Hiện tại, xã đã thành lập tổ hợp đóng thuyền nan, thành lập HTX sản xuất kinh doanh mây tre đan xuất khẩu. Mô hình Dự án IMPP tại 9 xã đã thành lập được HTX làm nón lá tại xã Phù Việt; sản xuất tăm, đũa tre tại xã Thạch Kênh; HTX trồng rau sạch tại xã Tượng Sơn; chăn nuôi lơn quy mô lớn tại xã Thạch Hội, xã Thạch Thắng...

Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phòng lao động thương binh và xã hội huyện huyện Cần Giờ (Tp Hồ Chí Minh) phối hợp các Trung tâm dạy nghề thành phố và huyện mở 101 nghề ngắn hạn, đào tạo được 2.111 lao động. Các lớp dạy nghề đều đáp ứng nhu cầu thổ nhưỡng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điển hình như các lớp: sản xuất muối trải bạt, nuôi tôm, chăn nuôi heo, trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật xây dựng, làm bánh kem, nấu ăn, may công nghiệp… đã giúp nhiều gia đình áp dụng ngay vào sản xuất, tránh nhiều rủi ro, phát triển kinh tế gia đình.

Tổng kinh phí, huyện đã chi cho công tác đào tạo nghề theo quyết định 1956 trong 3 năm qua gần 1,5 tỷ đồng. Một trong những đơn vị có nhiều phương pháp cụ thể, thiết thực trong công tác vận động người lao động học nghề là Trung tâm Dạy nghề  huyện. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác chiêu sinh, tư vấn, thông tin các chế độ chính sách giúp người dân hiểu được quyền lợi của mình khi học nghề. Những tổ nhân dân có từ 20 -25 người được tổ chức tư vấn và thời gian tư vấn cũng được phân bổ hợp lý, buổi sáng từ 10g - 11g30, chiều 16g - 17g30 sau khi người dân đi làm về, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Để tổ chức được các lớp nghề, lớp tập huấn ngắn hạn phải ghi nhận những đóng góp của các ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân. Điển hình, Phòng Lao động Thương Binh & Xã Hội huyện phát hành tài liệu đào tạo nghề đến từng tổ nhân dân. UB MTTQ huyện triển khai các chủ trương, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Hội LHPN huyện, phối hợp trường trung cấp nghề mở lớp cho hội viên. Phòng kinh tế, Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, nuôi trồng thủy sản giúp hội viên, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… từng bước cải thiện cuộc sống gia đình.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương đúng đắn nhưng cần có một lộ trình lâu dài và thực hiện theo phương châm “ mưa dầm thấm lâu ” giúp người dân hiểu được giá trị của học nghề. Điều quan trọng hơn, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền và không phải làm ngày một ngày hai mà phải có sự đồng bộ, có quyết tâm góp phần phát triển kinh tế từng gia đình và xây dựng đề án nông thôn mới tại mỗi địa phương.

 

Theo hoinongdanvietnam

Lượt xem: 17

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân