Bạn đang ở đây

Để làng nghề phát triển bền vững

(09.02.2017)

(Website HNDHY) - Hiện nay, toàn tỉnh có trên 8,9 nghìn cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, tạo việc làm cho trên 23,6 nghìn lao động nông thôn, với tổng giá trị hàng hóa sản xuất đạt hơn 6,7 nghìn tỷ đồng vào năm 2016. Các làng nghề phát triển đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, với việc phát triển một cách tự phát, không có sự đầu tư, nhiều làng nghề đã ngừng hoạt động, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một…

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có 10 làng nghề dừng hoạt động; đến nay, tổng số làng nghề đang hoạt động là 49 làng nghề. Các làng nghề ngừng hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và chế biến lương thực, thực phẩm…

Năm 2013, huyện Khoái Châu có 7 làng nghề hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện chỉ còn 4 làng nghề đang hoạt động. 

Trong đó, có những làng nghề đã từng một thời nổi tiếng như làng nghề chế biến mứt táo Thiết Trụ, xã Bình Minh đến nay chỉ còn một vài hộ theo nghề. 

Anh Lê Văn Hồng, một người từng có trên 10 năm gắn bó với nghề làm mứt táo cho biết: Khi nghề thịnh, gia đình tôi sản xuất mỗi ngày từ 1 - 1,5 tạ mứt và phải thuê thêm 3 thợ chính. Do làm ăn có uy tín nên sản phẩm của gia đình làm đến đâu bán hết đến đó, kinh tế gia đình khá ổn định. Nhưng nay nghề suy, người trong xã bỏ đi làm ăn xa nhiều, thợ làm nghề không còn, trong khi sức khỏe bản thân lại giảm sút nên gia đình tôi đã bỏ nghề.

Làng nghề gốm Xuân Quan (Văn Giang) một thời phát triển mạnh nay cũng đang dần mai một. Những năm 1990, làng nghề gốm Xuân Quan được xem là hưng thịnh nhất. Lúc đó cả làng đều sinh sống bằng nghề làm gốm với đơn đặt hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều xưởng sản xuất đã đóng cửa, chỉ còn một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mặt hàng gốm mới mở xưởng sản xuất. Nhiều người trụ với nghề thu hẹp xưởng sản xuất, chỉ hoạt động khi có đơn đặt hàng. 

Ông Đàm Văn Hà, một trong những người thợ hiếm hoi còn trụ lại với nghề gốm cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến việc làng nghề gốm Xuân Quan đang dần mai một là do hiện nay sản phẩm làm từ gốm không còn được ưa chuộng. 

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho một số làng nghề dừng hoạt động, đứng trước nguy cơ bị mai một là do hiện nay các cơ sở sản xuất chủ yếu vẫn duy trì ở quy mô kinh tế hộ gia đình là chính, công nghệ chậm đổi mới. Trong khi đó, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều phát triển một cách tự phát nên việc đầu tư mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề chưa được quan tâm đúng mức; một số địa phương chưa có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp để tạo đà phát triển cho làng nghề, tạo việc làm ổn định cho người lao động… 

Nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể  phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 12.12.2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, Hưng Yên sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai; xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề… 

Bên cạnh đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có một số cụm công nghiệp được đưa vào hoạt động như: Cụm công nghiệp Minh Khai (Văn Lâm), cụm công nghiệp Liên Khê (Khoái Châu), cụm công nghiệp Đình Cao (Phù Cừ)… 

Các cụm công nghiệp này đã thu hút hàng trăm hộ sản xuất tham gia, là cơ sở quan trọng góp phần đưa các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Tuy nhiên, do hạn chế về mặt bằng tại các cụm công nghiệp và nguồn lực nội tại của các cơ sở sản xuất  trong làng nghề nên việc di dời các cơ sở sản xuất trong các làng nghề vào các khu, cụm công nghiệp sản xuất tập trung theo quy hoạch còn hạn chế.

Ông Lê Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để phát triển bền vững, thời gian tới các làng nghề trên địa bàn tỉnh cần phải đổi mới tư duy cũng như phương thức sản xuất, từ đó đưa hoạt động của làng nghề đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo, tập huấn, phổ biến cho các làng nghề về xây dựng và quảng bá sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng lao động… cho các làng nghề.

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 4

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân