Bạn đang ở đây

Đồng chí Nguyễn Văn Linh với phong trào cách mạng miền Nam từ sau Hiệp định Giơnevơ đến phong trào Đồng khởi (1954 - 1960)

(23.06.2015)

(Website HNDHY) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo,  người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con của quê hương Hưng Yên, nhằm tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, những công lao, đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Trang tin điện tử Báo Hưng Yên mở chuyên mục Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2015).

 

Bài đầu tiên của chuyên mục, Trang tin điện tử Báo Hưng Yên trân trọng giới thiệu tham luận có tựa đề "Đồng chí Nguyễn Văn Linh với phong trào cách mạng miền Nam từ sau Hiệp định Giơnevơ đến phong trào Đồng khởi (1954 - 1960)" của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ tại Hội thảo Khoa học đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 22.6.2015.

Hưng Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cách mạng đầy nhiệt huyết và kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, giàu tinh thần đổi mới, sáng tạo và bản lĩnh của Đảng ta. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Yên mỗi khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lại trào dâng trong lòng sự biết ơn và kính trọng sâu sắc, cùng với niềm vinh dự và tự hào lớn lao vì Hưng Yên có người con ưu tú là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc (khi hoạt động cách mạng thường được gọi là đồng chí Mười Cúc), sinh ngày 1.7.1915, quê thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; xuất thân trong một gia đình công chức nghèo, 4 tuổi đã mất cha, 10 tuổi mồ côi mẹ; lớn lên trong tình yêu thương của bà nội, sự đùm bọc của người chú ruột và bà con thân thuộc; thấm thía cảnh cơ cực lầm than của người dân dưới chế độ thực dân phong kiến cai trị hà khắc; đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia hoạt động trong phong trào học sinh đoàn tại Hải Phòng từ năm 14 tuổi.

Gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng và phụng sự Đảng, trong đó có 2 lần với 10 năm bị chính quyền thực dân bắt tù đầy tại “địa ngục trần gian Côn Đảo”; phần lớn thời gian hoạt động cách mạng gắn bó máu thịt với chiến sỹ, đồng bào Nam Bộ trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Đồng chí là một trong số ít cán bộ đã từng tham gia hoạt động trên khắp ba miền đất nước, giữ nhiều chức vụ chủ chốt của Đảng từ cơ sở đến cấp cao nhất và có những đóng góp to lớn ở những thời điểm đầy cam go, thử thách. Với tư duy luôn năng động cùng khả năng nắm bắt nhanh nhạy chiều hướng phát triển của tình hình và năng lực tổng kết thực tiễn giỏi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại nhiều dấu ấn với những đóng góp quan trọng cho lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là đối với phong trào cách mạng miền Nam từ sau Hiệp định Giơnevơ đến phong trào Đồng khởi (1954-1960).

Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại nhưng đất nước ta tạm thời chia làm hai miền; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; Bộ Chính trị quyết định để lại một khung cán bộ hoạt động bí mật tại miền Nam, giải tán Trung ương Cục, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và Liên khu ủy Khu V trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương điều từ Việt Bắc trở lại miền Nam với cương vị Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn- Chợ lớn. 

Ngay sau khi trở lại miền Nam, không quản ngại khó khăn gian khổ, đồng chí bắt tay ngay vào việc xây dựng tổ chức đảng, huấn luyện đào tạo cán bộ, bố trí cài cắm người, xây dựng cơ sở nội tuyến trong các cơ quan đầu não của địch, đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận, nhất là đối với đồng bào công giáo miền Bắc bị cưỡng ép di cư, kêu gọi đồng bào miền Nam đoàn kết giúp đỡ cùng nhau đấu tranh chống Mỹ- Diệm.

Ngày 17.7.1955, chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố công khai không có Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, ngày 23.10.1955 chúng bày trò "trưng cầu dân ý" phế truất Bảo Đại đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống. Ngày 26.10.1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập "Nhà nước Việt Nam Cộng hoà", lấy Sài Gòn làm "thủ đô". Chính quyền Ngô Đình Diệm được sự hậu thuẫn tích cực của đế quốc Mỹ đã hung hăng tiến hành chiến dịch khủng bố những người kháng chiến cũ và các giới đồng bào yêu nước ở miền Nam; chúng thực hiện chính sách lừa bịp “cải cách điền địa”, cướp ruộng đất mà cách mạng đã cấp cho nông dân để bán cho đại địa chủ hoặc để xây dựng các căn cứ quân sự, chúng mở chiến dịch “tố cộng, diệt cộng", đàn áp đẫm máu, khủng bố tập trung vào những người kháng chiến cũ, cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước; nhiều cơ sở cách mạng bị phá, nhiều cán bộ, đảng viên của ta bị chúng bắt và giết hại. Để ngăn chặn bàn tay tội ác của địch, bảo vệ cơ sở cách mạng và quần chúng trong điều kiện không được sử dụng vũ trang chống lại, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cho các đảng bộ nghiên cứu Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chống khủng bố của địch, giữ gìn và củng cố cơ sở Đảng; đồng chí yêu cầu các cấp đảng bộ phải coi bám dân, bám cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm. Bản thân đồng chí đã trực tiếp đi xuống các cơ sở, lắng nghe ý kiến của quần chúng, từ đó đề ra những hình thức đấu tranh thích hợp, cụ thể để vận động và tập hợp được đông đảo quần chúng hưởng ứng.

Tháng 8.1955, đồng chí Nguyễn Văn Linh về miền Tây họp Xứ ủy, do tình hình căng thẳng nên đồng chí bàn bạc với tổ chức đưa đồng chí Lê Duẩn lên Sài Gòn. Tháng 12.1956, đồng chí vừa bám sát cơ sở, vừa cộng tác đắc lực cùng đồng chí Lê Duẩn hoàn thành Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam. Tháng 1.1957, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ lần hai đánh giá tình hình và bàn chủ trương tiến hành cách mạng trong thời gian trước mắt; Hội nghị đã tham gia ý kiến và thông qua Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, để báo cáo Bộ Chính trị về tình hình cách mạng miền Nam. Tháng 6.1957, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương tín nhiệm giao quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

Trong những năm 1957 - 1958, cách mạng miền Nam ở giai đoạn gặp nhiều khó khăn và tổn thất nhất; Thành ủy Sài gòn - Chợ lớn bị đánh phá, nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố bị bắt và giết hại; hầu hết cơ sở của ta ở nội, ngoại thành bị đánh phá dữ dội; nhân dân Nam Bộ bị chìm ngập trong không khí khủng bố, bị bắt phu, bắt lính, bị lùa vào các trại tập trung mà chúng gọi là "khu trù mật"... Trên cương vị quyền Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng với Xứ uỷ Nam Bộ dũng cảm đương đầu với cơn bão phản cách mạng, vượt qua sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, bám trụ kiên cường, giữ vững niềm tin, chèo lái vững vàng con thuyền cách mạng ở miền Nam vượt qua thời kỳ đầy khó khăn, thử thách ác liệt. Đồng chí đã kịp thời chỉ đạo thành lập ngay cấp ủy mới cho Khu ủy Sài Gòn - Chợ lớn và điều đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư; đồng thời giao nhiệm vụ cho một số đồng chí cán bộ chuyên trách ở Xứ uỷ mở các lớp bồi dưỡng những quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Xứ uỷ về đường lối cách mạng miền Nam, về phương châm đấu tranh... cho những cán bộ chủ chốt, sau đó đưa họ về xây dựng lại cơ sở, vực dậy phong trào cách mạng ở các địa phương. 

Khi Mỹ- Diệm áp dụng Luật 10/59 tăng cường đánh phá cách mạng, đàn áp quần chúng dữ dội, lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát đẫm máu đồng bào ta; đồng chí Nguyễn Văn linh có nhận định “địch đã dồn quần chúng đến chân tường, nếu ta phát động đấu tranh vũ trang thì nhất định quần chúng sẽ đứng về phía ta”. Trước những hành động khủng bố, tàn sát ngày càng điên cuồng của Mỹ - Diệm, yêu cầu cần đấu tranh vũ trang để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị đã trở thành nguyện vọng bức thiết của quần chúng. Những tháng cuối năm 1957 đã có ba trận tiến công lớn của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Các cuộc tiến công, phục kích này tuy kết quả chưa cao, song có tiếng vang lớn trong việc cổ vũ các đội vũ trang tuyên truyền diệt ác để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng. Trên cơ sở đó, tháng 3.1958, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Ban lãnh đạo Xứ uỷ Nam Bộ quyết định thành lập Ban Quân sự và Đảng uỷ lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ 

Cuối tháng 11.1958, để kiểm điểm tình hình và kịp thời đề ra chủ trương và biện pháp phù hợp với thực tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Xứ uỷ Nam bộ lần thứ ba. Dựa trên quan điểm của Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam và Nghị quyết Hội nghị Xứ uỷ lần thứ hai (1.1957); Hội nghị nhận định: Những nhiệm vụ mà Hội nghị lần thứ hai đề ra về cơ bản vẫn còn phù hợp; tuy nhiên, mức độ đấu tranh cần được gia tăng, mạnh mẽ hơn mới đủ uy lực ngăn chặn những chính sách khủng bố phát xít của đế quốc Mỹ và tay sai. Hội nghị đề ra một số nhiệm vụ trước mắt là: đẩy mạnh cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn những thủ đoạn, chính sách độc tài của đế quốc Mỹ và tay sai, ngăn chặn âm mưu gây chiến của đế quốc Mỹ; tích cực xây dựng thực lực cách mạng, củng cố vững chắc các đảng bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố liên minh công nông, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, đi sâu gây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng và trong chính quyền của địch; tăng cường đấu tranh đòi tự do, cơm áo và các quyền dân sinh, dân chủ.

Tháng 2.1959, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận được điện tóm tắt tinh thần cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 cho phép vũ trang kết hợp với chính trị, khởi nghĩa giành chính quyền. Để trực tiếp chỉ đạo phong trào, cơ quan Xứ uỷ từ biên giới Campuchia chuyển về khu căn cứ ở Tây Ninh. Tháng 11.1959, tại căn cứ Trảng Chiên (Tây Ninh), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Xứ uỷ lần thứ tư với sự tham dự của các Khu uỷ viên, bí thư các tỉnh uỷ, để bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 15; đồng chí đã phân tích xác đáng tình hình địch, tình hình ta, làm cơ sở cho nhận định của Hội nghị. Hội nghị Xứ ủy đã đề ra các chủ trương lớn cho Đảng bộ Nam Bộ là: “đẩy mạnh đấu tranh chính trị rộng rãi và mạnh mẽ của quần chúng kết hợp với hoạt động vũ trang tuyên truyền để chống khủng bố tàn bạo của Mỹ - Diệm, đẩy địch vào thế bị động và cô lập hơn nữa về chính trị, tạo điều kiện tiến tới đánh đổ chính quyền tay sai, hình thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất nước nhà; giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, kết hợp sử dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh hợp pháp nửa hợp pháp, phối hợp chặt chẽ phong trào ở nông thôn, vùng căn cứ, đô thị; kết hợp đấu tranh chính trị với sử dụng đúng mức hoạt động vũ trang tuyên truyền; giữ thế hợp pháp cho phong trào quần chúng, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền khi có đủ điều kiện và thời cơ thuận lợi; ra sức củng cố, phát triển lực lượng cách mạng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát triển các hội quần chúng, nhất là nông hội; chú ý giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân”.

Hội nghị đã bàn rất kỹ về phương hướng chỉ đạo và thời điểm phát động khởi nghĩa; đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận định: "Khởi nghĩa nhất thiết phải nổ ra đồng loạt trên phạm vi rộng, ta phải đập tan thật nhanh, gọn bộ máy kìm kẹp của địch ở xã ấp” và “thời điểm thích hợp nhất để phát động khởi nghĩa là Tết âm lịch năm 1960, khi ta đã gặt hái xong, lúc đó địch có kéo về phá ta vẫn có gạo ăn".

Tháng 12.1959, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị Khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, họp tại xã An Thành - Bến Cát (Sông Bé), để sắp xếp lại tổ chức, sáp nhập Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Đảng bộ tỉnh Gia Định và bàn việc chỉ đạo các hoạt động vũ trang của Đảng bộ thành phố.

Từ cuối tháng 11 và đặc biệt là trong tháng 12.1959, tại các tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường (1) và một số địa phương khác, được sự chỉ đạo của Xứ uỷ, các đảng bộ đã chỉ đạo một số đơn vị vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị của quần chúng, tấn công một số đồn bốt và trụ sở ngụy quyền ở địa phương. Đặc biệt là trận đánh thí điểm vào căn cứ đầu não của địch ở Tua Hai (Tây Ninh) và đã giành thắng lợi. Đây là trận đột phá cho phong trào Đồng Khởi, khích lệ nhân dân các tỉnh đồng bằng Nam Bộ vùng lên phá ách kìm kẹp của địch. Phong trào Đồng Khởi bắt đầu bùng nổ ở Bến Tre rồi lan rộng sang Gia Định, Tây Ninh, Bình Dương và Nam Trung Bộ. Thắng lợi của Đồng khởi đợt 1 đã tạo bước ngoặt căn bản cho phong trào cách mạng ở Nam Bộ cũng như phong trào cách mạng toàn miền Nam. Tháng 8.1960, Hội nghị lần thứ năm mở rộng của Xứ uỷ do đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì đã được triệu tập. Hội nghị đã đánh giá kết quả đợt 1 của phong trào Đồng khởi, nhận định tình hình, âm mưu của địch và đề ra nhiệm vụ trước mắt cho Nam Bộ là tiếp tục phát động Đồng khởi đợt 2.

Phong trào Đồng khởi đợt 2 diễn ra vào tháng 9.1960 trên địa bàn rộng hơn, đạt hiệu quả cao hơn, hình thức nổi dậy và tiến công phong phú, đa dạng hơn và lan đến một số địa phương sát Sài Gòn. Tại Củ Chi, ta đã giải phóng được hoàn toàn 5 xã, các xã khác giải phóng được nhiều ấp. Tại Gia Định, có 30 xã đã được giải phóng, 2/3 hệ thống đồn bốt và bộ máy kìm kẹp của địch bị tan vỡ... 

Tháng 9.1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội đã bổ sung và phát triển những phương hướng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (khoá II), Đại hội đã hoàn chỉnh thêm một bước đường lối cách mạng trên cả hai miền Nam - Bắc. 

Trên đà thắng lợi và phát triển của phong trào Đồng khởi, chấp hành sự chỉ đạo của Bác Hồ và Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Xứ uỷ Nam Bộ là cấp uỷ chịu trách nhiệm chính, trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị cho sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 20.12.1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam được triệu tập. Đại hội đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm đánh đổ chế độ thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai; thực hiện miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Đồng khởi những năm 1959 - 1960 thắng lợi và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tạo nên bước ngoặt lịch sử của cách mạng miền Nam; làm cho tương quan lực lượng giữa ta với địch có bước thay đổi lớn, từ thế phải giữ gìn lực lượng, bị o ép, cách mạng miền Nam bước sang thế tiến công và phát triển. Trong những thắng lợi có tính bước ngoặt như thế, trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Linh vào sự chuyển biến, phát triển của phong trào là rất đáng kể; đồng chí là người đứng mũi, chịu sào, gánh trách nhiệm nặng nề nhất ''trước, trong và sau Đồng Khởi, đồng chí Nguyễn Văn Linh là người kiến trúc chiến lược vận dụng sức quần chúng từ đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở mức thấp đến mức cao, dẫn đến phong trào Đồng khởi” đạt thắng lợi bước đầu quan trọng. 

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn ác liệt, chủ động tiến đến Đồng Khởi của đồng chí Nguyễn Văn Linh, giai đoạn 1954 -1960, rút ra cho cách mạng miền Nam nói riêng và cách mạng dân tộc nói chung những bài học quan trọng:

Thứ nhất: Về vai trò và trọng trách của người lãnh đạo cách mạng. Với đồng chí Nguyễn Văn Linh, đó là luôn sẵn sàng hoàn thành xuất sắc những trọng trách của Đảng và Nhà nước giao phó bằng tâm huyết và quyết tâm. Người lãnh đạo phải là người đột phá, tiên phong, đứng mũi chịu sào, sẵn sàng đương đầu, dũng cảm vượt qua những thử thách khó khăn, những cam go khốc liệt của các cuộc đấu tranh để dẫn dắt phong trào đến thắng lợi cuối cùng.

Thứ hai: Về những dấu ấn của sự tìm tòi, sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng trong lãnh đạo các cuộc kháng chiến. Người lãnh đạo cần có trình độ tổng kết cao để từ đó tìm ra những kế sách linh hoạt, đi tới những quyết sách dũng cảm và sáng suốt bắt nhịp phong trào. Hơn thế, cần nắm bắt thời cơ, vận dụng tốt thời cơ, đặc biệt khai thác những khó khăn của địch là điều kiện đưa phong trào tiến lên. Phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ, trong đó có đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đã thể hiện cú lội ngược dòng đảo ngược tình thế ngoạn mục, là bài học kinh nghiệm tạo nền tảng tiến tới giành Đại thắng mùa Xuân 1975 của cách mạng miền Nam.

Thứ ba: Về công tác xây dựng lực lượng, trong đó xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng đảm bảo Đảng trở thành bộ tham mưu, phát huy vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến giành thắng lợi hoàn toàn. Bên cạnh đó, phải coi trọng và phát huy tốt sức dân, lấy dân làm gốc, phải biết dựa vào quần chúng, đi sâu, bám sát cơ sở, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và ý chí của nhân dân, vận động nhân dân tin tưởng một lòng theo cách mạng và dẫn dắt nhân dân trong những phong trào đấu tranh. 

Công lao, cống hiến của Xứ uỷ Nam Bộ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên cường bám trụ, đưa phong trào vượt qua khó khăn, ác liệt, góp phần giúp cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi. Sự chuyển hướng chỉ đạo sáng suốt, Đồng khởi đấu tranh đã mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam (trong thời kỳ 1954 – 1960), tạo tiền đề và thời cơ chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân 1975. Công lao đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh mãi mãi không phai mờ trong niềm tự hào của nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước và lịch sử cách mạng Việt Nam.

 (1)  Kiến Phong, Kiến Tường là 2 tỉnh miền Tây Nam Bộ, được Chính quyền Diệm thành lập năm 1956. Tháng 2 năm 1976, tỉnh Kiến Phong được sáp nhập với tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Đồng Tháp; tỉnh Kiến Tường bị giải thể và sáp nhập vào tỉnh Long An.

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 5

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân