Bạn đang ở đây

Giải báo chí quốc gia 2015: “Được mùa” các tác phẩm về tam nông

(21.06.2016)

(Website HNDHY) - “Đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm nào cũng là mảng được khai thác khá tốt trong các tác phẩm báo chí dự Giải Báo chí quốc gia lần thứ 10 năm 2015 và đạt được nhiều giải cao hàng năm” - TS Trần Bá Dung (ảnh) – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Thư ký Tổng hợp Giải, Thành viên Hội đồng Chung khảo, trao đổi với PV Báo NTNN xung quanh Giải báo chí quốc gia năm nay.

Thưa ông, các tác phẩm báo chí dự thi năm nay có điểm gì đặc biệt so với các năm trước?

- Qua 10 năm tổ chức Giải Báo chí quốc gia, đây là năm có số tác phẩm và đơn vị tham dự giải cao: 1.660 tác phẩm của 169 đơn vị và cá nhân. So với năm trước số lượng tăng gần 200 tác phẩm. Đối với giải quốc gia, các tác phẩm dự giải được chọn lọc rất kỹ  trong cả nước thì tăng lên 1 tác phẩm đã là quý, ở đây là tăng lên gần 200 tác phẩm. Đó là điều đặc biệt. Có tới 61/63 tỉnh, thành phố, 17/19 Liên Chi hội và nhiều Chi hội trực thuộc dự giải. Số lượng cộng tác viên dự giải cũng rất cao: 207 người.

Điều đặc biệt thứ 2 là Giải năm nay có rất nhiều tờ báo, đài địa phương ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tham dự. Chất lượng các tác phẩm ở những địa phương này cũng khá tốt và đạt nhiều giải cao. Ví dụ như năm nay, Nghệ An đạt giải A về truyền hình, Đồng Nai đạt giải A về phát thanh, TP.HCM đạt giải A về truyền hình. Các tỉnh khác như: Lào Cai, Gia Lai, Vĩnh Long, Hưng Yên, Quảng Trị, Kiên Giang... đều có giải B hoặc giải C. Điều đó cho thấy sự tham gia ngày càng rộng rãi và có hiệu quả của giải, không chỉ tập trung ở các đơn vị báo chí T.Ư. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không phải năm nào cũng dẫn đầu khối địa phương.

Các tác phẩm dự thi chủ yếu tập trung khai thác ở các mảng đề tài nào?

- Có 3 mảng đề tài chính. Thứ nhất là đề tài về chính trị - xã hội. Năm 2015, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm tiến hành Đại hội Đảng trong toàn quốc. Mảng đề tài này đã có những tác phẩm đạt giải A và B ở cả báo in, phát thanh, truyền hình. Chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo tiếp tục có nhiều tác phẩm đoạt giải cao, như tác phẩm: “Biển đảo Việt Nam nguồn cội từ bao đời” của Đài Truyền hình TP.HCM đoạt giải A, Hội Nhà báo Hà Tĩnh có tác phẩm “Lao động nghề biển” đoạt giải C… Không chỉ nói về chủ quyền biển đảo mà nhiều tác phẩm còn đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế biển.

Thứ 2 là chủ đề về Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng được nhiều báo, đài, nhất là báo kinh tế, kể cả các địa phương quan tâm, có nhiều tác phẩm đoạt giải. Bên cạnh đó, vấn đề chống tiêu cực vẫn là một trong những chủ đề nóng của báo chí, năm nào cũng được đề cập, có nhiều tác phẩm đoạt giải cao.

Điều đặc biệt, năm nay các tác phẩm viết về chủ đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp tục được giải cao. Một trong số ít tác phẩm đoạt giải A và nhiều giải B... đã đề cập việc chống tiêu cực, bất cập trong xây dựng nông thôn mới và loạt bài  nói về đầu tư cho nông nghiệp. Ví dụ như tác phẩm của Đài Nghệ An nói về việc chống tiêu cực, bất cập trong xây dựng nông thôn mới hay tác phẩm của báo Điện tử Chính phủ nói về thách thức của doanh nghiệp trong việc thi hành luật đất đai, luật đầu tư... Những tác phẩm nói về Việt Nam gia nhập WTO, tham gia TPP, nói nhiều về nông sản, xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng có nhiều tác phẩm đoạt giải cao.

Đánh giá chung của ông về chất lượng các tác phẩm dự giải so với các năm trước?

- Năm nay Hội đồng chung khảo và hội đồng sơ khảo đều nhận định, chất lượng của các địa phương tham gia dự giải ngày càng nâng lên. Khoảng cách giữa báo chí T.Ư và báo chí địa phương ngày càng rút ngắn hơn. Năm nay,  có 8 giải A, 25 giải B, 40 giải C và 19 giải Khuyến khích, tương đương giải năm ngoái (báo điện tử năm nay không có giải A). Riêng ảnh báo chí rất ít khi có giải A. Với báo điện tử cũng vậy, đánh giá chung của Hội đồng Giải là còn yếu, dù rằng báo điện tử gần đây phát triển mạnh.

Ông đánh giá về tính chiến đấu, dấn thân của nhà báo trong các tác phẩm báo chí năm nay?

- Tính chiến đấu và sự dấn thân, xông xáo của nhà báo thể hiện qua tác phẩm dự Giải quốc gia, rất rõ.

Trước hết, đó là sự lên tiếng, chấp nhận đi vào những đề tài nóng, thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng nhà báo khi đi viết bài, làm phim: chống “than tặc”, chống khai thác gỗ lậu, chống buôn lậu qua biên giới, v.v… Bên cạnh đó là tính chiến đấu về mặt đấu tranh tư tưởng trong các bài bình luận, xã luận, chuyên luận, trong các tác phẩm giao lưu, tọa đàm phát thanh, truyền hình, giao lưu trực tuyến…trên các lĩnh vực chống “diễn biến hòa bình”, chống “lợi ích nhóm”,  đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam…

Thứ hai, dấn thân thể hiện ở sự đeo bám, có mặt trực tiếp của nhà báo trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, ở những nơi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Nhà báo có mặt ở khắp mọi miền đất nước, mọi lĩnh vực đời sống, mọi hoàn cảnh, điều kiện làm việc… Các tác phẩm dự giải cho thấy rõ điều này.

Xin cảm ơn ông !

 

Theo danviet

Lượt xem: 3

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân