Bạn đang ở đây

Giúp nông dân thực hiện khát vọng làm giàu

(21.12.2016)

(Website HNDHY) - Với người nông dân hiện nay, điều trăn trở không chỉ dừng lại ở “trồng cây gì, nuôi con gì?” mà còn là làm thế nào để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Với việc thực hiện tốt vai trò tập hợp, thu hút  nông dân vào hội, tổ chức hiệu quả các phong trào, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của người nông dân. Được quan tâm chăm lo về cơ chế, chính sách; kiến thức KHKT, nguồn vốn ưu đãi... nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Tổng kết phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2016 (gọi tắt là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi) có 86 hội viên nông dân được tôn vinh, được Chủ tịch UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen, đó là 86 gương mặt tiêu biểu trong phong trào đang diễn ra sôi nổi trên khắp các địa phương trong tỉnh. Theo Hội Nông dân tỉnh, phong trào nông dân thì có nhiều, song phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi luôn được các cấp hội đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm giúp nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế và từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân vùng nông thôn.

Triển khai thực hiện phong trào, các cấp hội chuyển mạnh sang tư vấn, hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ nông dân về giống, vốn, KHKT và công nghệ mới, dạy nghề... Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo của hội cấp trên, Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh tổ chức, hướng dẫn hội viên nông dân về khởi sự doanh nghiệp, xây dựng các mô hình trình diễn; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; tập huấn chuyển giao KHKT, dạy nghề cho nông dân... Giai đoạn 2012-2016, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được 315 lớp dạy nghề cho hơn 9,4 nghìn lượt lao động nông thôn; tổ chức 732 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 58,2 nghìn lượt hội viên nông dân; 212 cuộc trình diễn mô hình, hội thảo đầu bờ với hơn 13,6 nghìn hội viên nông dân tham gia; phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng theo hình thức trả chậm được trên 2,4 vạn tấn phân bón, trị giá trên 119 tỷ đồng, giúp nông dân phát triển sản xuất. Trong hoạt động tạo vốn, các cấp hội nông dân trong tỉnh thực hiện có hiệu quả việc tín chấp, nhận ủy thác thông qua các chương trình cho vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng CSXH, 5 năm qua có hàng vạn lượt hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ trên 1,35 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, các cấp hội tích cực vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân ở 3 cấp trong tỉnh và nhận ủy thác từ quỹ của trung ương; khai thác sử dụng hiệu quả Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; thực hiện tốt chương trình “Tiếp sức nhà nông đưa con đến trường”... đã tạo nguồn lực đáng kể giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất, tiếp cận thông tin, thị trường, KHKT... đầu tư làm ăn hiệu quả, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu, bình quân mỗi năm có trên 84 nghìn hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Ông Lê Minh Đức, hội viên nông dân xã Dỵ Chế (Tiên Lữ), từ một hộ nông dân đời sống kinh tế khó khăn do cấy lúa bấp bênh, gia đình ông quyết định xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, ngoài lợi thế về nguồn nhân lực của gia đình và sự cần cù chịu khó thì vấn đề thiếu vốn, thiếu kiến thức... là cản trở lớn. Đang lúc khó khăn, gia đình ông nhận được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhất là Hội Nông dân xã đã tín chấp cho ông vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, gia đình ông Đức quyết định mở rộng quy mô chuồng trại để chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp và nuôi gà thịt gắn với bảo vệ môi trường. Được vay vốn, cộng với nguồn vốn tích lũy của gia đình; được trang bị kiến thức KHKT qua các lớp tập huấn do các cấp hội nông dân tổ chức, miệt mài tìm tòi, học hỏi qua thực tế... mô hình trang trại của gia đình ông Đức dần “nên vóc nên hình” với 400m2 ao thả cá; 350m2 chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, chất thải được xử lý bằng hầm khí biogas, mỗi năm gia đình ông thu nhập 6 triệu đồng từ ao cá, xuất chuồng từ 10-15 tấn lợn; trong chuồng thường xuyên có 9-10 con lợn nái và 80-90 con lợn thịt,duy trì đàn gà 200 con... mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Đức thu lãi từ 190-250 triệu đồng. 

Tham quan thực tế tại các mô hình kinh tế của nông dân mới thấy được khát vọng làm giàu của họ, trong số đó có người đã tốt nghiệp đại học, trở về quê quyết chí làm giàu, như: Anh Hoàng Hữu Quốc ở thôn Hoàng Các, xã Tiên Tiến (Phù Cừ) đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa nhưng nay là chủ trang trại VAC, hiện tại chuyên trồng cam, bưởi, 5 năm trở lại đây mỗi năm thu lãi trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động với mức lương từ 3,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng, tùy công việc đảm nhận. Hay như anh Vũ Văn Quân ở thôn Đanh Xá, xã Hoàng Hoa Thám (Ân Thi) đã tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất, nhưng lại về quê say sưa với mô hình nuôi ếch với nguồn vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, được địa phương tạo điều kiện cho đấu thầu 7 ha đất công ích, các cấp hội nông dân trang bị kiến thức KHKT, anh cũng tự tìm tòi, nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cho ếch sinh sản tự nhiên nên mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, mỗi lứa thu 32,5 tấn ếch thương phẩm với giá bán hiện tại là 45 nghìn đồng/kg. Cũng ở huyện Ân Thi, nhưng anh Nguyễn Đức Diệp ở xã Quang Vinh lại đầu tư vào trang trại 10ha chuyên nuôi vịt trời, vừa cung ứng cho thị trường, vừa phục vụ cho chuỗi nhà hàng do anh làm chủ, cho thu nhập đáng kể và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi còn rất nhiều gương mặt tiêu biểu đáng kể đến như: Phạm Thành Lợi ở thôn Phúc Miếu, xã Hòa Phong (Mỹ Hào) với nghề mộc truyền thống của địa phương; anh Đỗ Văn Chuyên ở thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) với “chiêu” nuôi lợn bằng thảo dược; anh Nguyễn Văn Luận ở thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh (Kim Động) với mô hình trồng cam, bưởi rộng 5 mẫu tại địa phương và 12 mẫu ở tỉnh Hòa Bình; anh Nguyễn Đình Tung ở xã Lạc Hồng (Văn Lâm) với mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp quy mô lớn... Còn rất nhiều những điển hình trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, mỗi người một lĩnh vực, song có thể nói, các cấp hội nông dân là chỗ dựa vững chắc, luôn đồng hành để những người nông dân sinh ra từ làng thực hiện ước mơ, khát vọng làm giàu. Cùng với việc khai thác các nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mới đây UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (trực thuộc Hội Nông dân tỉnh), trung tâm đang được xây dựng, dự kiến cuối năm đưa vào sử dụng, sẽ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực để hội nông dân trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn và dạy nghề cho hội viên, nông dân, giúp nông dân phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Phụ đề ảnh:

 

(Tổng kết SXKDG: Khen thưởng các nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi giai đoạn 2012-2016)

Lượt xem: 44

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân