Bạn đang ở đây

Hội viên nông dân Hưng Yên khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão.

(29.07.2016)

(Website HNDHY) - Do ảnh hưởng của bão số 1, từ 19 giờ ngày 27 đến 7 giờ ngày 28.7, trên địa bàn tỉnh đã có gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, kèm theo mưa, có nơi mưa rất to, lượng mưa đo được bình quân tại các huyện, thành phố trên 100mm.

Ảnh hưởng của cơn bão số 1 đã gây thiệt hại lớn tới đời sống và sản xuất của hội viên nông dân trong tỉnh. Ngay sau đó đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh đã đi thăm và chia sẻ, động viên hội viên nông dân khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa bão tại 10 huyện, thành phố trong tỉnh.

Toàn tỉnh có gần 9,5 nghìn ha cây trồng bị thiệt hại do ngập úng, đổ gãy, giập nát, rụng quả… Ngoài ra, nhiều cây bóng mát, cây lấy gỗ và công trình xây dựng bị đổ gãy, hư hỏng. Hiện nay, ngành chuyên môn, các địa phương đang tích cực chỉ đạo nhân dân tập trung khắc phục hậu quả. Có hơn 5,3 nghìn tấm lợp của các chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị lật, rơi, vỡ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Tiên Lữ, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Những chuồng trại bị lật, vỡ mái hầu hết là chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, gia công kém chắc chắn bằng tấm lợp xi măng hoặc tôn. 

Trên địa bàn thành phố Hưng Yên có 330 nhà và công trình dân sinh của người dân lợp mái tôn, mái  tấm lợp xi măng bị tốc mái; 3 nghìn m2 nhà lưới trồng rau sạch ở xã Trung Nghĩa bị đổ sập, nhiều cây xanh công cộng và biển hiệu, pano, áp phích bị gãy đổ, hư hại, nhiều đường dây điện bị đứt. Ảnh hưởng về cây cối, hoa màu: 790 ha nhãn, trong đó 553 ha bị thiệt hại nặng; 164 ha cam, bưởi, trong đó 82 ha thiệt hại nặng; 180 ha chuối; 64 ha táo; 170 ha ngô và 250 ha hoa màu khác bị thiệt hại hoàn toàn. Ngoài ra, có trên 3 nghìn con gia cầm tại các trang trại, gia trại bị chết.

Toàn huyện Phù Cừ có khoảng 20 ha lúa bị ngập, tập trung ở chân ruộng trũng; trên 190 ha ngô bị đổ; trên 20 ha chuối và 8,6 ha đu đủ bị đổ gập; có 22,3ha cây cam, bưởi bị rụng quả và trên 30 ha rau màu khác… Ngoài ra, toàn huyện có 17 nhà,  45 lều quán, công trình phụ bị tốc mái;

Do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn huyện Ân Thi có mưa to trên diện rộng, kèm theo gió giật mạnh. Lượng mưa đo được là 101 mm. Toàn huyện có khoảng 1.050ha lúa bị ngập cục bộ; 7,5ha đu đủ và 16ha chuối bị gãy đổ; 22ha rau màu dập nát; 323ha nhãn đang cho thu hoạch bị rụng quả khoảng 20%; hơn 300 cây xanh bị đổ bật gốc; 3 cột điện bị gãy đổ; nhiều công trình công cộng, dân sinh bị hư hỏng nặng do tốc mái, đổ tường... 

Theo thống kê sơ bộ đến trưa ngày 28.7, huyện Văn Lâm vẫn còn 54ha lúa bị ngập. Một số xã như: Lương Tài, Lạc Đạo, Đình Dù, Việt Hưng... có cột điện bị đổ, 14 đường dây trung thế bị ảnh hưởng dẫn đến mất điện.

 Ở huyện Mỹ Hào theo thống kê ban đầu, mưa lớn làm hơn 100 ha lúa của xã Hưng Long và một số diện tích của các xã Xuân Dục, Minh Đức bị ngập.Tuy nhiên, trên địa bàn huyện bị mất điện đã làm cho Trạm bơm Hưng Long không thể vận hành. Hiện nay hội viên nông dân đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng tìm biện pháp khắc phục, bơm gạn nước, chống úng cho diện tích lúa bị ngập và cấp điện trở lại phục vụ sản xuất, sinh hoạt. 

Tại huyện Văn Giang có 65 ha lúa bị ngập, 5 ha rau màu bị ngập trắng, 15 ha hoa, cây cảnh bị ngập cục bộ… nhằm giảm nhẹ thiệt hại của mưa bão; các xã ven đê huy động lực lượng canh gác nước trực tại các điểm xung yếu, theo dõi mực nước sông Hồng để có biện pháp sơ tán dân kịp thời.

 Do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn huyện Tiên Lữ có 800 ha lúa mùa ngập cục bộ, nặng nhất là ở các xã: An Viên, Thủ Sỹ. Đối với diện tích cây ăn quả, thiệt hại nặng nhất là những diện tích trồng nhãn. Hàng trăm héc-ta rau màu trên địa bàn huyện cũng bị ngập úng cục bộ hoặc gió làm đổ, rụng, nhất là các diện tích trồng rau xanh, đậu, đỗ, ngô… Ngoài ra, một số lều lán bằng tấm lợp, mái tôn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân bị tốc mái, một số cây cối bị đổ ở khu vực thị trấn Vương; các xã: Dỵ Chế, Ngô Quyền, Nhật Tân, Hưng Đạo…  

Tại huyện Kim Động, theo thống kê sơ bộ ngày 28.7, bão số 1 đã làm 1.750 ha lúa bị ngập, trên 60 ha rau màu, ngô bị thiệt hại nặng và 163 ha chuối vùng bãi bị gãy, đổ; Có hai trang trại thuộc xã Vĩnh Xá bị sập tường, mái, ước tính khoảng 3.000 con vịt bị chết. Hàng trăm cây xanh, cây ăn quả gãy đổ trên các tuyến đường, ảnh hưởng đến giao thông, thiệt hại năng suất…  

Trên địa bàn huyện Yên Mỹ có trên 880 ha lúa bị ngập, trong đó diện tích lúa ngập trắng là 248 ha; 47,9 ha cây ăn quả bị gãy đổ; trên 137 ha rau màu bị ngập úng và nhiều biển quảng cáo bị bay, lật, rách… 

Tại huyện Khoái Châu, từ 23 giờ đêm ngày 27 đến 8 giờ ngày 28.7 có mưa to, gió lớn, làm hơn 5000m2 mái che, mái vẩy công trình ở các xã: An Vĩ, Liên Khê, thị trấn Khoái Châu bị tốc; khoảng 30 cây to, cây cổ thụ,  trên 200ha chuối bị đổ nghiêng; nhiều vườn nhãn thuộc các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Bình Minh, Tân Dân... đang chuẩn bị cho thu hoạch bị rụng quả cùng hàng trăm héc-ta lúa, rau màu, cây ăn quả khác bị ảnh hưởng. Ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 40 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố tuyên truyền cho cán bộ hội viên nông dân và nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả, tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết sau bão, khơi thông rãnh thoát nước, sử dụng máy bơm cá nhân để gạn nước nhanh những diện tích bị ngập úng; dựng, chống lại cây ăn quả bị đổ, vệ sinh đồng ruộng... cùng với người dân tuyên truyền biện pháp chăm sóc cây trồng sao cho hiệu quả, chủ động chống úng cho các diện tích hay bị ngập úng mỗi khi  mưa kéo dài.

Theo Ban Tuyên huấn

Hội Nông dân tỉnh 

Lượt xem: 8

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân