Bạn đang ở đây

Hưng Yên yêu cầu không mở rộng diện tích trồng nhãn, chuối, cam

(05.01.2019)

(Website HNDHY) - Để bảo đảm phát triển cây ăn quả của tỉnh theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, UBND tỉnh vừa có công văn về việc chỉ đạo phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện Quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó định hướng phát triển các cây ăn quả chủ lực của tỉnh như sau: 

Cây nhãn: Không mở rộng diện tích trồng mới cây nhãn, ổn định diện tích hiện có, tập trung cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng các giống nhãn chủ lực của tỉnh, thay thế những diện tích nhãn già cỗi, diện tích trồng các giống nhãn cho hiệu quả thấp bằng các giống nhãn ngon (giống đã được công nhận là cây đầu dòng của tỉnh), ưu tiên phát triển các giống nhãn chín sớm, chín muộn để rải vụ thu hoạch, cân đối cơ cấu trà vụ…, đẩy mạnh bảo tồn, phát triển nguồn gen, giống nhãn quý. 

Cây vải: Phát triển cây vải lai chín sớm (lai U, lai Trứng) tập trung tại một số địa phương có thế mạnh như các huyện: Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động; bảo đảm diện tích trồng vải của toàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 1.400 ha; chú trọng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và rải vụ thu hoạch vải. 

Cây có múi: Ổn định diện tích trồng cam hiện có (khoảng 1.800ha), không phát triển trồng mới diện tích cây cam, tập trung cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; ưu tiên phát triển, chuyển đổi sang trồng bưởi, quýt, cây có múi làm cảnh. 

Cây chuối: Không phát triển, trồng mới, giữ ổn định diện tích trồng chuối khoảng 2.000ha; những diện tích chuối cho hiệu quả thấp cần chuyển sang trồng cây dược liệu, hoa, cây cảnh và các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trong đó định hướng cho nông dân lựa chọn những loại cây trồng phù hợp khả năng đầu tư, dễ tiêu thụ, thị trường rộng, chịu ít áp lực của thị trường các tỉnh lân cận và dễ bảo quản trong thời gian dài như cây dược liệu, ổi, táo, thanh long, đu đủ, hoa, cây cảnh. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh, mở rộng số lượng, diện tích vùng sản xuất cây ăn quả được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP gắn với thành lập, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; chú trọng công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm cây ăn quả; chú ý thiết kế bao bì đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc, nhãn, mác sản phẩm, địa chỉ sản xuất rõ ràng để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc cũng như liên hệ mua sản phẩm; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

UBND tỉnh giao các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, đề tài… nhằm lựa chọn những giống cây trồng có năng suất, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với trình độ thâm canh và điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh để phục vụ sản xuất, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch, công nghệ bảo quản chế biến để khuyến cáo người sản xuất áp dụng; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học mới, quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân. Các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về chủ trương, kế hoạch, giải pháp của tỉnh về phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững; thông tin, giới thiệu các mô hình, vùng sản xuất, các tổ chức, cá nhân điển hình trong sản xuất có hiệu quả để nông dân các địa phương học tập, nhân rộng.

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 20

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân