Bạn đang ở đây

Hương "thuốc bắc" làng Tiểu Quan

(06.02.2017)

(Website HNDHY) - Đến làng Tiểu Quan (xã Phùng Hưng, Khoái Châu) hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến món chả gà – một đặc sản ẩm thực đã nức tiếng gần xa. Nhưng hôm nay về Tiểu Quan, chúng tôi muốn nhắc đến một đặc sản khác cũng mang đầy hương vị độc đáo, phù hợp cho những ngày cận Tết giá lạnh như thế này, đó là hương “thuốc bắc”!

Vượt qua những con đường mưa lạnh của tháng Chạp, chúng tôi về làng Tiểu Quan vào sáng sớm, khi cánh đồng làng dường như còn đang say ngủ trong màn sương giá, thì ở các hộ làm nghề, các xưởng sản xuất hương lớn nhỏ, không khí lao động đã tất bật. 

Ở Tiểu Quan, đi từ xóm Trầm, sang xóm Trại, rồi xóm Giữa… đến đâu cũng thấy mùi hương se, hương vòng lan tỏa trong gió, mùi thơm dịu nhẹ như xua đi cái lạnh giá, làm khoan khoái lòng người.  

Trao đổi với các cụ cao niên trong làng chúng tôi được biết, nghề làm hương ở Tiểu Quan đã có từ lâu đời, có gia đình trong làng đã làm hương đến đời thứ 5, cứ như vậy đời con, cháu nối tiếp đời cha ông không dứt khỏi được mùi trầm hương thoang thoảng ấy. 

Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất của gia đình mình, anh Lê Công Tám, người con trai đời thứ 4 làng Tiểu Quan nối tiếp nghề của cha ông tự hào chia sẻ: “Từ bé tôi đã quen với các vị thuốc bắc làm hương, nhiều khi nghịch ngợm nhón trộm vài thanh quế cay cay trong “thang” của ông bà. Lớn lên tôi càng muốn đưa nghề gia truyền của ông cha thêm phát triển. Loại trừ khoảng thời gian học hỏi, tôi chính thức làm nghề từ năm 2001, từ lúc nghề làm hương trong làng còn thủ công 100%. Đến nay gia đình tôi đã có hơn 10 máy làm hương que, 1 máy làm hương vòng và các loại máy nghiền, trộn nguyên liệu khác. Làm việc trong xưởng sản xuất của tôi có hơn 20 lao động thường xuyên”. 

Yêu nghề, ngay cả thương hiệu hương, anh Tám cũng lấy tên các con để đặt: Hoàng Anh, Vũ Hoàng, với mong muốn các con sau này nối tiếp nghề của gia đình.

Công việc ở làng hương Tiểu Quan hầu như bận rộn quanh năm, nhưng bận nhất là 4 – 5 tháng cuối năm. Công việc thì nhiều, nhưng trừ công đoạn lựa chọn nguyên liệu, phối trộn cầu kỳ ra thì hầu như các công đoạn khác có thể học được khá nhanh, già, trẻ ai cũng làm được như: Ngồi máy làm hương que, đóng túi, đóng hộp… 

Vì thế ở làng có người làm hương 100% thời gian, có người làm “bán thời gian”, có người tranh thủ lúc rảnh rỗi. Nhìn đôi tay người thợ đều tăm tắp trên bàn làm hương que bằng máy, hay khéo léo xếp từng chiếc hương vòng, chúng tôi mới hiểu hơn về sự ra đời của một nén hương trầm nho nhỏ lại công phu đến thế.

Có một điều phải nói cho tường tận, đó là cái tên hương “thuốc bắc” ở Tiểu Quan. Vào xưởng, chạm tay vào từng bao nguyên liệu, với kiến thức ít ỏi của mình về thuốc bắc, chúng tôi cũng có thể nhận ra những thanh quế, những bông hoa hồi như ngôi sao nhỏ, những củ địa liền, rồi rễ hương bài, thảo quả… Lại được xem tờ hóa đơn nhập hàng thuốc bắc mới nhất ở các xưởng càng bất ngờ hơn: Có tới 27 vị thuốc bắc được dùng cho mỗi mẻ làm hương ở Tiểu Quan!

Ngoài một số nguyên liệu như tăm hương làm bằng tre, hồ, bột gỗ… mỗi mẻ hương không thể thiếu hàng ki-lô-gam thuốc bắc với đủ vị như thế. Tùy vào đơn giá của khách hàng: Hương đắt tiền, vị đậm, cháy lâu thì cần 7 – 8kg thuốc bắc/mẻ; hương bình dân thì 4 – 5kg. Nguyên liệu được mua từ các tỉnh miền núi, một số vị có thể mua tại các làng nghề trồng dược liệu của tỉnh.  

Hương thơm đặc biệt dễ chịu và cái “chất” khác biệt của hương làng Tiểu Quan chính là ở sự công phu chọn lựa nên “thang” thuốc bắc được “cắt” riêng cho những nén, những vòng hương. Chỉ cần là người tinh ý thì ngay khi châm nén hương sẽ biết ngay hương tốt hay không. Ấy là khói phải đượm, cháy đều mà bền, mùi thơm lan tỏa nhẹ nhàng trong không khí, vương vấn thật lâu nhưng lại không hắc nồng. Vì thế làm hương khó mà làm “cẩu thả” được, một mẻ hương kém có khi cơ sở ấy sẽ mất uy tín, mất khách mãi mãi. 

Mùi hương làng Tiểu Quan thanh tao dễ chịu từ nhiều vị thuốc bắc, được hòa trộn với nhau, mang đến cho khứu giác con người cảm nhận ấm áp và thiêng liêng, lại an toàn cho sức khỏe. Phải chăng chính mùi thơm không thể lẫn ấy, chính sự cầu kỳ từ cái tâm của người làm nghề ấy đã giúp mỗi nén hương từ một vật vô tri giác trở thành biểu tượng kết nối tâm linh, chan hòa tình cảm gia đình bao thế hệ… 

Nhiều người trong làng tâm sự, như một thói quen cố hữu, cứ mỗi sáng tỉnh dậy, việc đầu tiên làm là thay chén nước mưa trên ban thờ gia tiên, thắp một nén hương trầm để lễ bái ông bà, tổ tiên, để mùi hương quen thuộc ấy làm ấm áp cả căn nhà.

Ông Bùi Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Phùng Hưng cho biết: “Nghề làm hương ở Tiểu Quan thường xuyên có khoảng hơn 10 cơ sở và hộ sản xuất nhỏ lẻ hoạt động. Hộ ít thì 3 – 5 lao động, hộ nhiều 15 – 20 lao động làm quanh năm. Sản phẩm làng nghề giúp nhiều hộ làm giàu, giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm, có thu nhập. Địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ làm nghề phát triển, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mong muốn của chúng tôi là xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, để mỗi sản phẩm hương thuốc bắc chất lượng, an toàn ở Tiểu Quan sẽ được người tiêu dùng khắp nơi biết đến, sử dụng”. 

Có một điều thú vị nữa là mặc dù nghề làm hương ở Tiểu Quan không khoa trương rầm rộ, thế nhưng phần lớn sản phẩm lại được xuất bán đi các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế… 100% các cơ sở sản xuất hương quy mô ở Tiểu Quan đều sản xuất theo hợp đồng với đối tác tiêu thụ ở miền Trung, miền Nam, sản phẩm làm ra đến đâu khi đủ đơn hàng là có ô tô về tận nơi thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ. Những tháng cuối năm, cung không đủ cầu. 

Rời làng Tiểu Quan mà mùi hương độc đáo vẫn còn vương vấn mãi, như nhắc khách qua đường dừng chân ghé lại, mua một chút thơm tho thanh khiết ấy về làm quà trên ban thờ gia tiên. Vẫn biết “hữu xạ tự nhiên hương”, nhưng chúng tôi cũng tin tưởng rằng người làm hương ở Tiểu Quan sẽ nhanh chóng nắm bắt xu thế của thị trường, đưa sản phẩm hương “thuốc bắc” đặc biệt này bay xa hơn nữa.

 

Theobaohungyen

Lượt xem: 6

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân