Bạn đang ở đây

Khám phá Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến dịp nghỉ lễ 30.4

(04.05.2016)

(Website HNDHY) - Cách thủ đô Hà Nội khoảng 30 km nếu đi xuôi dòng sông Hồng, xa thêm chục cây số nữa nếu đi theo đường đê hoặc đường liên tỉnh và mất chừng hơn 1h đồng hồ ngồi xe nếu đi lối quốc lộ 5, du khách đã tới Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến nằm giữa trung tâm thành phố Hưng Yên (Hưng Yên). 

Ít người biết rằng, Hưng Yên là địa phương sở hữu số lượng di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ ba trong cả nước. Trong đó, có quần thể di tích Phố Hiến đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. 

Phố Hiến có được vinh dự đó bởi nơi đây từng là thương cảng quốc tế lừng danh hồi thế kỷ 16 – 17, đồng thời cũng là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa. Thời kỳ ấy, tàu thuyền, thương nhân từ hơn 10 nước tới giao thương, buôn bán náo nhiệt "trên bến dưới thuyền". Lúc hưng thịnh nhất, Thăng Long - Kẻ Chợ có 36 phố phường thì Phố Hiến có 23 phố phường và được ví là "Tiểu Tràng An". 

Sải bước trên những con đường rợp bóng cây cổ thụ ven hồ Bán Nguyệt, trung tâm của quần thể di tích Phố Hiến, du khách gặp ngay những di tích nổi tiếng được hình thành từ thời kỳ Phố Hiến hưng thịnh. 

Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gồm 16 di tích tiêu biểu hợp thành: Văn Miếu Xích Đằng, đền Mây, đền Kim Đằng (phường Lam Sơn); đền Trần, đến Mẫu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, chùa Phố, đền Bà Chúa Kho (phường Quang Trung), chùa Chuông, đình An Vũ, đền Nam Hòa (phường Hiến Nam); đền Cửu Thiên Huyền Nữ (phường Lê Lợi), đình – chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội (phường Hồng Châu) và chùa Nễ Châu (xã Hồng Nam).  

Đó hầu hết là những công trình tín ngưỡng, tôn giáo của nhiều cộng đồng người khác nhau, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật phong phú độc đáo, ghi dấu một thời của "Tiểu Tràng An". Do vậy, vẻ đẹp của các công trình trong quần thể di tích Phố Hiến còn là sự kết tinh và giao thoa của phong cách kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc theo kiểu phương Tây. 

Một địa điểm dừng chân hấp dẫn khi khám phá Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến chính là Văn Miếu. Văn Miếu Xích Đằng được khởi dựng từ thời Lê, là biểu tượng của văn hiến và sự hiếu học có truyền thống lâu đời của người Hưng Yên. Xét về quy mô, giá trị kiến trúc và các di vật còn lưu giữ được, Văn Miếu Xích Đằng chỉ đứng sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và Văn Miếu ở cố đô Huế. Văn Miếu Xích Đằng hiện còn lưu giữ một số hiện vật quý, trong đó giá trị nhất là 9 bia đá ghi danh 161 vị đại khoa, trong đó có 8 trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 6 thám hoa... 

Cách đó không xa là chùa Chuông, đền Mây. Chùa Chuông cũng được xây dựng từ thời Lê, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật cổ vốn có. Chùa được bố trí đăng đối, hài hòa trên trục đối xứng từ tam quan đến nhà Mẫu. Sách "Hưng Yên tỉnh nhất thống chí" nhận định: "Chùa Chuông Phố Hiến đẹp nhất danh lam" để khẳng định vẻ đẹp của ngôi chùa độc đáo này. Qua tam quan cổ kính 3 tầng lầu uy nghi là ao mắt rồng được kè đá xung quanh, dưới nước trồng hoa sen. Ao được ngăn đôi bởi một cây cầu đá dài khoảng 10m tượng trưng cho triết lý âm dương luân chuyển. Sân chùa lát hoàn toàn bằng gạch Bát Tràng, giữa sân là con đường chính đạo lát đá xanh chạy thẳng đến nhà tiền đường. 

Đặc biệt, chùa chuông nổi tiếng bởi hệ thống tượng phật phong phú, đặc sắc như: 8 bức tượng Kim Cương, 18 bức tượng La Hán, động thập điện diêm vương… Nét độc đáo của các tượng này không chỉ bởi nghệ thuật điêu khắc khéo léo, công phu mà còn ở sắc thái sống động, uyển chuyển qua biểu hiện nét mặt, cử chỉ. Vì thế tại ngôi chùa này hiện vẫn tồn tại kiểu bói dân gian khá độc đáo qua cách tính năm chọn tượng...  

Ngay cạnh hồ Bán Nguyệt là đền Mẫu, một trong những di tích có thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Phố Hiến. Giữa sân đền có cây sanh- si- đa cổ thụ tạo thế 3 gốc rất kỳ lạ và độc đáo, có tuổi ước tính khoảng 700 năm khiến không gian ngôi đền càng thêm huyền bí, linh thiêng.

Đi thêm chút nữa, du khách đến đền Thiên Hậu, Võ Miếu, chùa Phố do người Hoa xây dựng, mang đậm dấu ấn kiến trúc, điêu khắc Trung Hoa. 

Xuôi về phía nam là Phố Hiến cổ với cụm di tích đình - chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội, vốn rất thu hút khách du lịch. Tại đây còn lưu giữ nhiều tượng và hiện vật quý. Trước sân chùa có hai tấm bia đá dựng năm 1625 và 1709 ghi lại tư liệu về quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến. Bên cạnh đó là cây nhãn Tổ có tuổi khoảng 400 năm, biểu tượng cho giống nhãn lồng đặc sản của đất Hưng Yên, giống nhãn quí khiến nhà sử học Lê Quí Đôn từng thốt lên: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.

Ngoài ra, du khách còn được khám phá nhiều di tích liên quan đến đời sống sinh hoạt của người Phố Hiến xưa như: chợ, giếng, khu mộ cổ người nước ngoài và nhiều di vật quý, ẩn chứa các dấu tích lịch sử, văn hóa...

Dịp này về Phố Hiến, giữa các chặng đường khám phá di tích, du khách được mãn nhãn ngắm những vườn hoa nhãn bạt ngàn đang bung nở và thư thái tâm hồn với mùi hương hoa nhãn mộc mạc, dịu dàng mà rất đỗi đằm thắm. 

Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác thú vị khi vào tận vườn nhãn quan sát hàng vạn chú ong thợ nhỏ bé đang tíu tít, say mê làm ra những giọt mật ong hoa nhãn sóng sánh màu hổ phách. Các nhà khoa học tính rằng, muốn chế 100g mật, con ong thợ phải phải đến thăm viếng 1 triệu bông hoa, với 12.000 – 15.000 chuyến vận chuyển mật hoa. Từ dòng mật của những đàn ong cần cù ấy, mỗi năm Hưng Yên gom về trên 100 tấn mật ong, phục vụ trong nước và xuất khẩu. Và chỉ với 70 – 120 nghìn đồng, du khách đã sở hữu 1kg đặc sản mật ong hoa nhãn chính hiệu, ngoài ra còn có sữa ong chúa, phấn hoa... là những sản phẩm của con ong vốn rất được ưa chuộng để bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. 

Về khám phá khu di tích đặc biệt Phố Hiến vào dịp này, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức đặc sản “thời trân” nổi tiếng của Hưng Yên, mỗi năm chỉ có một độ, ấy là cá mòi. Giống cá này được nhiều người sành ăn gọi là “cá hồi Hưng Yên”. Người ta giải thích, sở dĩ có cái tên ấy là vì cá mòi có “đồng hồ sinh học” giống cá hồi Châu Âu!? Giống như cá hồi, cá mòi đẻ trứng ở sông, trứng trôi ra cửa biển rồi mới nở thành cá con và sống ở biển. Khi tháng 3 hoa gạo nở đỏ, cá mòi trưởng thành lại rủ nhau tấp nập bơi ngược về sông để chào đón một thế hệ mới…

Cùng với Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, cảnh vật, con người Phố Hiến với những nét đặc trưng riêng có luôn mang lại sự thanh bình, yên tĩnh níu chân du khách ở lại, rồi trở lại lần hai…

 

Theo hungyentv

Lượt xem: 6

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân