Bạn đang ở đây

"Khám phá" trang trại đà điểu tiền tỷ dưới chân núi Tản

(19.05.2016)

(Website HNDHY) - Dù sinh ra và lớn lên tại vùng chăn nuôi bò sữa lớn nhất nhì TP.Hà Nội, nhưng thay vì nuôi bò như các hộ ở trong xã, anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Tân Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã mạnh dạn tìm hướng đi mới và trở thành người đầu tiên đưa đà điểu về nuôi dưới chân núi Tản.

Từ thợ xây tới tỷ phú đà điểu

Dẫn khách tham quan từng khu chuồng trại, anh Trung cho biết, mấy năm trước anh rời quê lên thành phố kiếm sống bằng đủ thứ nghề như bốc vác, thợ xây. Công việc nào anh cũng làm rất chăm chỉ, thức khuya dậy sớm nhưng vẫn chỉ đủ tiền ăn, tiền thuê nhà trọ nên anh quyết định về quê để tìm hướng phát triển kinh tế mới.

Như bao hộ dân trong vùng, anh khởi nghiệp bằng nghề nuôi bò sữa. Ngày đó, anh gõ cửa ngân hàng vay vốn mua 4 con bò sữa về nuôi, dù có thu nhập khá hơn đi làm thợ xây nhưng lại phải bỏ nhiều tiền thuê nhân công nên tính ra lời lãi chẳng còn được là bao. 2 năm sau, anh Trung chuyển sang nuôi 100 lợn nái cộc đuôi. Thu nhập từ nuôi lợn cao hơn nuôi bò sữa, lại nhàn hơn nên anh rất tâm huyết, định bụng sẽ gắn bó lâu dài với nghề này.

 “Việc chăn nuôi lợn đang thuận lợi thì tôi gặp vấn đề trong khâu xử lý nước thải, khiến hàng xóm kêu ca phàn nàn. Tôi đang loay hoay chưa biết xử lý thế nào thì chợt nhớ hồi còn làm thợ xây, tôi tham gia thi công một số hạng mục của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội), tình cờ biết đến con đà điểu. Tôi đã nảy ra ý định nuôi thử và quyết định trở lại Trung tâm để tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, mua con giống về thử nghiệm” – anh Trung kể.

Đó là vào năm 2007, khi ấy nghề nuôi đà điểu ở Việt Nam còn rất mới. “Thấy tôi bỏ ra cả trăm triệu đồng mua 50 con giống đà điểu về nuôi, ai cũng cho rằng tôi quá liều lĩnh, người thân thì ra sức ngăn cản. Nhưng tôi nghĩ, bản thân mình là con nhà nông, quen thuộc ruộng vườn, chăm chỉ chịu khó nên tôi tự tin mình có thể chăn nuôi được” - anh Trung nói tiếp.

Khi bắt tay vào làm, anh Trung nhận thấy đà điểu rất dễ nuôi, lớn nhanh, ít gây ô nhiễm hơn so với nuôi lợn, bò. Thức ăn của đà điểu cũng dễ kiếm, chủ yếu là rau cỏ, cám, ngô, thóc. Vì vậy, chỉ cần một người là có thể chăm sóc được ít nhất 200 con đà điểu.

Những tưởng nghề chăn nuôi đà điểu cứ thế “hốt bạc”, thế nhưng 2 năm đầu anh Trung lỗ nặng vì thịt đà điểu không có chỗ tiêu thụ, bộ da của chúng rất giá trị, song anh cũng chưa tìm được mối thu mua. Không nản chí, anh Trung quyết định móc nối với các chủ nhà hàng, khu du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn để “mời” du khách tới tham quan trang trại và trực tiếp chứng kiến quy trình nuôi, chăm sóc, giết mổ đảm bảo an toàn. Thịt đà điểu được anh đóng gói trong túi nilon rồi hút chân không để bán trực tiếp cho khách. Theo anh Trung, đây chính là cách quảng cáo sản phẩm hiệu quả nhất. Khách được chứng kiến tận mắt quy trình từ chăn nuôi đến sản phẩm thịt, được anh tư vấn cách phân biệt thịt đà điểu thật với thịt đà điểu làm giả từ thịt gà đang được bán trôi nổi trên thị trường.

Anh Trung vui vẻ cho hay: “Lúc đầu khách hàng tới mua thịt chủ yếu là người quen, bạn bè đến mua ủng hộ, ăn thử. Thực tế cho thấy, thịt đà điểu tươi ngon, dễ chế biến thành nhiều món ăn nên mọi người truyền tai nhau tìm đến mua. Có thời điểm, cửa hàng của tôi không có đủ thịt để phục vụ khách”.

“Chuyên gia” về đà điểu

Nhờ luôn giữ chữ tín trong kinh doanh nên cửa hàng bán thịt đà điểu của anh Trung luôn đông khách, đà điểu nuôi tại trang trại nhà anh rồi các trang trại lân cận vẫn không đủ cung cấp, vì thế anh đã lặn lội vào tận miền Trung, miền Nam nhập đà điểu về thịt bán. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, anh còn tung ra sản phẩm giò đà điểu và được khách hàng đánh giá cao. Cứ như vậy, mỗi năm gia đình anh thu lãi tới 700 - 800 triệu đồng.

Anh Trung nhớ lại: “Ngày đó việc kinh doanh rất vất vả, tốn nhiều công sức, chi phí vận chuyển nên tôi quyết định nhân giống đà điểu để chủ động con giống cho trang trại, đồng thời cung cấp con giống cho bà con ở các khu vực lân cận nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định cho cửa hàng. Vậy là cuối năm 2009, tôi nhập con giống 1 ngày tuổi từ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi trong 2 tháng, tiêm phòng đầy đủ rồi mới cung ứng cho các trang trại mua về nuôi”.

Để giúp bà con hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, anh Trung còn chuyển giao kỹ thuật và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Anh Trung cho biết, bản năng giống đà điểu là 70% gia cầm và 30% gia súc. Khi đã đạt trọng lượng từ 30kg trở lên, khả năng chịu đựng với những tác động ngoại cảnh của chúng rất tốt.

Anh Trung cho hay: “Nếu nhận là chuyên gia nuôi đà điểu thì có vẻ hơi quá, nhưng sau nhiều năm gắn bó với con vật này, tôi hiểu rõ đặc tính sinh trưởng của chúng, cả kỹ thuật chăm đà điểu con được cho là rất khó, như cách giữ nhiệt độ chuẩn, cách cho ăn ra sao để đà điểu lớn lên khỏe mạnh, không bị vẹo chân. Một khi đà điểu bị vẹo chân thì coi như con đó phải thải loại. Chưa kể, nuôi đà điểu giống tỷ lệ rủi ro rất cao, có thể chết non vì chịu lạnh kém. Vì vậy tôi chỉ cung cấp giống cho bà con khi đà điểu đã đạt trọng lượng 10-15kg, hoàn toàn khỏe mạnh. Khi nào đến thời điểm xuất bán, bà con chỉ cần “alo” là tôi sẽ nhập hàng để đảm bảo đầu ra thuận lợi”.

 

Theo danviet

Lượt xem: 159

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân