Bạn đang ở đây

Khó khăn xử lý rác thải nông thôn ở Hưng Yên

(02.06.2016)

(Website HNDHY) - Thu gom và xử lý rác thải, cải thiện môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên hiện nay, khoảng 40% số rác thải sinh hoạt nông thôn tại Hưng Yên chưa được thu gom, vận chuyển, xử lý. Lượng rác thải này phần lớn được người dân đổ, đốt tràn lan ra nơi cộng cộng, ao hồ, sông ngòi, kênh mương, ven đường giao thông quanh nhà...

Gần 60% số rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý  

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, hiện nay, gần 60% lượng rác thải sinh hoạt nông thôn ở Hưng Yên được thu gom, vận chuyển, xử lý. Số rác thải này chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các bãi chôn lấp rác thải của thôn, xã; tại khu xử lý chất thải Đại Đồng (Văn Lâm) và một phần rác thải hữu cơ được xử lý tại các hộ gia đình. 

Toàn tỉnh hiện có hơn 400 thôn có bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải. Hơn 800 thôn, khu dân cư đã thành lập được tổ, đội vệ sinh môi trường thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình đến điểm tập kết rác thải, bãi chôn lấp rác thải của thôn, xã. 

Tại Hưng Yên, nguồn ngân sách phân bổ cho hoạt động bảo vệ môi trường khu vực nông thôn đã tăng gần gấp 4 lần trong năm 5 qua. Trong đó, năm 2016, Hưng Yên đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Nguồn kinh phí này dành cho các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý  rác thải ở khu xử lý chất thải tập trung Đại Đồng; xây dựng các bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, điểm tập kết rác thải; mua sắm hóa chất, chế phẩm vi sinh xử lý bãi rác, trang bị phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải; tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường.... 

Hiện nay, được đánh giá hiệu quả nhất trong thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tại Hưng Yên là mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Mô hình này đem lại lợi ích kép nhờ giảm thiểu được lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng. 

Ban đầu, mô hình được thí điểm thực hiện tại 100 hộ gia đình ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường (Kim Động). Đến nay, gần 22 nghìn hộ gia đình trong tỉnh đã tham gia thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ. Các hộ được hỗ trợ thùng xử lý rác thải, nắp hố rác, chế phẩm vi sinh xử lý rác. Theo tính toán của ngành chuyên môn, việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình sẽ giảm được khoảng 60% lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường. 

Ngoài ra, trong tỉnh có mô hình thu gom vận chuyển, xử lý rác thải dân sinh hàng ngày hoạt động khá hiệu quả được thực hiện trên tuyến đường dọc hai bên quốc lộ 5A và đường tỉnh 385 qua địa bàn 6 xã thuộc 2 huyện Văn Lâm, Yên Mỹ. Hiệu quả của mô hình là thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phát sinh hàng ngày, không để tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường...  

Cái khó vẫn… bó cái khôn 

Tuy nhiên, hiện nay việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Lê Đức Lành, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) cho biết: Khoảng 40% số rác thải sinh hoạt nông thôn trong tỉnh chưa được thu gom, vận chuyển, xử lý. Do vậy, vẫn xảy ra tình trạng xả, đốt rác bừa bãi nơi cộng cộng, ao hồ, sông ngòi, kênh mương, ven đường giao thông... 

Không khó để bắt gặp những bãi rác di động cạnh các con đường lớn. Rác thải sinh hoạt còn được người dân ở một số địa phương đóng thành bao ném xuống sông. Đường làng cũng trở thành những điểm tập kết rác thải sinh hoạt bất đắc dĩ, nhất là những đoạn đường thưa vắng người qua lại. Đó là hình ảnh dễ gặp ở nhiều vùng quê nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. 

Không những thế, hiện nay, chính các bãi rác thải sinh hoạt ở các thôn, xã đều hầu hết không bảo đảm vệ sinh môi trường, mới chủ yếu là bãi chứa rác thải. Tình trạng rác thải đổ xung quanh bãi chôn lấp, điểm tập kết, đốt rác thải và đổ trộm rác thải công nghiệp xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương. Ngoài ra, tần suất thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn còn thấp, trung bình hiện nay mới chỉ từ 1-2 lần/tuần, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ dù tại hộ gia đình ở một số địa phương dù được đánh giá hiệu quả nhưng chưa thu hút được sự quan tâm tham gia của đông đảo người dân. Năm 2015, sau 3 năm triển khai, tỷ lệ hộ dân trong tỉnh tham gia mô hình chưa đạt 10%...

Đến nay, hầu hết các xã thị trấn trong tỉnh chưa thành lập được hợp tác xã, doanh nghiệp làm về dịch vụ vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn mà mới chỉ dừng lại ở mô hình tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản hoặc hoạt động không thường xuyên, không ổn định do được hình thành tự phát bởi người dân trong thôn tự cử ra hoặc do các đoàn thể đứng ra thực hiện.

Hơn nữa, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là chôn lấp, gây tốn kém quỹ đất, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiêm môi trường đất, nước mặt, nước ngầm nặng hơn. Trong khi đó, các dự án khu xử lý chất thải ở xã Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ), khu xử lý chất thải ở xã Vũ Xá (Kim Động) còn chậm triển khai…   

Bên cạnh đó, nguồn vốn nhà nước đầu tư cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu thực tế. Trong khi đó thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động này. Kinh phí hoạt động của tổ, đội vệ sinh môi trường chủ yếu từ nguồn thu phí vệ sinh môi trường, tiền công trả cho lao động còn thấp, lại không ổn định, người lao động không được hưởng các chế độ về BHXH, BHYT nên chưa khuyến khích họ gắn bó với công việc. 

 

Để bảo vệ môi trường nông thôn, các ngành hữu quan của tỉnh còn rất nhiều việc phải làm, trước hết là khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn hiện nay, đồng thời nhân rộng những mô hình tốt trong việc thu gom và xử lý rác thải…

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 23

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân