Bạn đang ở đây

Kỹ nghệ nuôi cá giòn trên sông Hồng

(25.04.2016)

(Website HNDHY) - Ai đã từng được thưởng thức món cá trắm giòn, cá chép giòn ắt hẳn sẽ không thể quên hương vị thơm ngon đặc biệt ấy.

Thứ đặc sản mới lạ được một số người nuôi cá thâm canh trong ao hồ trên địa bàn tỉnh thử nghiệm đã vài năm nay, nhưng mới chỉ dừng lại ở số lượng ít, chất lượng cá và giá trị sản phẩm chưa như ý. Cho đến khi những người nuôi cá lồng trên sông bắt tay vào “kỹ nghệ hóa giòn cho cá’’, lúc này cá giòn mới thực sự là sản phẩm hàng hóa đạt hiệu quả cao nhất.

Chúng tôi có mặt bên bờ sông Hồng thuộc địa phận xã Mai Động (Kim Động). Chiếc xuồng nhỏ của chủ cá lồng bè rẽ sóng băng băng, khi còn đang choáng ngợp giữa dòng sông mát trong đầy gió, đã có thể nhìn thấy xa xa, nơi làng đảo Vân Nghệ là những dãy lồng nuôi cá dập dềnh trên sóng nước.

Trong khi phải cố bấu víu tìm cho mình một chỗ đứng chắc chắn trên hàng chục chiếc lồng bằng tuýp sắt đang nổi trên mặt sông sâu, chúng tôi bất ngờ chứng kiến người lao động ở đây chân trần đi thoăn thoắt trên thành lồng, mặc cho nhịp sóng chao đảo không ngừng. Mỗi bước đi, những nắm thức ăn cho cá được ném xuống rào rào như mưa. Và kìa, không phải cám công nghiệp, không phải cỏ, mà là những hạt đậu vàng óng, tỏa mùi hương nhẹ nhẹ lan trong gió. Nỗi e sợ sông nước bất chợt biến mất trong chúng tôi khi một chiếc vợt khoắng xuống lồng tìm kiếm, tiếng quẫy đuôi của cá nghe tùm, tùm.

Không thể bỏ lỡ, đeo máy ảnh vào cổ, bỏ giầy dép lại, sắn quần dò dẫm trên những tuýp sắt trơn trượt, bấm chân vào những mấu dây thừng, sau một hồi nỗ lực để không bị ngã nhào xuống sông, chúng tôi đã được chạm tay vào chú cá giòn còn sống, tươi nguyên. Kích thước cá vừa phải, nhưng khi cầm lại rắn chắc ngoài sức tưởng tượng, vảy cá xám màu chứ không sáng như cá nuôi thông thường, từng thớ thịt cuồn cuộn theo nhịp thở và chỉ một cái quẫy đuôi, con cá “tráng sỹ” ấy đã dễ dàng vuột khỏi vòng tay lóng ngóng của tôi để lao mình trở lại xuống nước.

Tiếng cười hồn hậu của những người lao động nơi lồng bè hòa với tiếng gió phần phật đầu sóng bên chiếc chiếu đơn sơ trải giữa lòng thuyền đã đưa tôi vào câu chuyện nuôi cá có một không hai. 

Anh Nguyễn Văn Ngói, chủ của gần 30 lồng bè nuôi cá trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Mai Động không giấu niềm tự hào và hứng khởi: “Đi tham quan những lồng bè nuôi cá của bạn bè, người thân ở các nơi, thấy mê quá, nhất là con cá giòn. Chính việc hóa giòn cá đã thôi thúc tôi bỏ hết những công việc thời vụ đang làm để chuyển sang nuôi cá lồng trên sông. Hiện nay tôi đang nuôi 29 lồng cá các loại, trong đó 5 lồng cá giòn, mỗi lồng trên 1 nghìn con cả trắm và chép. Quả thật công phu từ A đến Z, phải làm lồng nuôi cá đúng kỹ thuật, phải chọn cá phù hợp để nuôi hóa giòn, phải chọn thức ăn chuẩn cho cá, cho cá ăn và chăm cá đúng cách trong 6 tháng mới có thể hóa giòn”.

Chúng tôi đã từng được thăm những dãy lồng bè tre của người nuôi cá ở một số xã trên địa bàn tỉnh, nhưng ở đây là lồng bằng tuýp sắt, xung quanh đan lưới, mỗi chiếc chừng trên 100m3, trị giá 22 triệu đồng/chiếc. Người nuôi phải lựa chọn để đặt lồng bè nơi nước sâu, lưu lượng dòng chảy phù hợp, thoáng sạch. Có môi trường lý tưởng rồi hãy nghĩ đến nuôi cá giòn. Bởi theo anh Ngói, môi trường nước quyết định sức khỏe, sự tăng trưởng của cá. Không quản ngại vất vả, anh đi khắp các ao, đầm, chọn từng lứa cá để nuôi hóa giòn. Đâu có đơn giản là cá trắm, cá chép nào cũng thả xuống mà nuôi. Đó phải là những con cá to từ 1,5 – 2kg, khỏe mạnh, chất lượng tốt.

Đặc biệt việc hóa giòn chỉ thực hiện được với cá trắm và cá chép, đối với những loại cá khác dù có nuôi chế độ y như vậy vẫn không thể hóa giòn. Khi đưa cá xuống lồng rồi, phải để cá làm quen với môi trường nước trong một khoảng thời gian nhất định và không thả bất cứ loại thức ăn nào xuống, cá phải được thích nghi dần với việc thay đổi hoàn toàn thức ăn, để bước vào một giai đoạn hóa giòn.

Cho chúng tôi xem một rá đựng thức ăn cho cá, anh Ngói cười: “Đây chính là đầu vào để cá hóa giòn, không thể là thứ nào khác được, chỉ có thể là đậu tằm này thôi. Từ khi vào lồng đến lúc xuất bán, 6 tháng liên tục, cá chỉ được ăn loại đậu này và uống nước sông!”.

Đậu tằm, theo như tìm hiểu của chúng tôi trong các tài liệu chuyên ngành, loại đậu này không có gì lạ, giống như các loại đậu đỗ khác trong ngành thực phẩm và chăn nuôi, được trồng phổ biến ở các nước có khí hậu lạnh. Ở nước ta loại đậu này cũng đang được trồng ở một số tỉnh như: Lâm Đồng, Sơn La, Lào Cai… nhưng diện tích còn hạn chế.

Người nuôi cá có thể đặt mua của nhiều cơ sở trong cả nước với giá từ 18 – 20 nghìn đồng/kg. Hạt đậu tằm to hơn hạt đậu tương một chút, màu hanh vàng, vỏ nhẵn mịn, rắn chắc. Khi sử dụng làm thức ăn cho cá, đậu phải được ngâm nước từ 24 – 36 tiếng với một chút muối cho mềm, nở ra. Đây là nguồn thức ăn thiên nhiên tinh sạch và giàu dinh dưỡng. Chính thức ăn này đã làm biến mất mỡ thừa ở cá, khiến mỗi thớ thịt săn chắc, rồi dần dần hóa giòn sần sật, làm nức lòng bất cứ thực khách nào.

Nước sông, đậu tằm, ăn chay và sống trong một môi trường trong sạch đã tạo ra những con cá giòn độc đáo. Nhưng như thế chưa hết và chưa đủ.

Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ đi lòng vòng thăm từng lồng cá, chúng tôi mới hiểu hết cái công phu của nghề. Say cá lồng bè, say cá giòn, người nuôi cá trên sông có khi nhiều ngày không đặt chân lên bờ. Để tăng sức đề kháng cho cá, người nuôi đã tìm ra một loại thuốc tự nhiên vô cùng công hiệu: Tỏi!. Hóa ra không chỉ ăn đậu, ăn chay, cá còn được ăn tỏi, mà ăn thường xuyên hàng tuần. Tỏi băm với kích cỡ phù hợp, trộn lẫn với đậu rồi cho cá ăn. Đầu tiên ăn ít để cá quen mùi, sau mới tăng dần để đạt liều lượng phù hợp. Không còn những bệnh trên mang, vảy, mắt như trước, cá ăn khỏe hơn, tiêu hóa tốt hơn, tránh được những bệnh do vi khuẩn, vi rút, nấm.

Bí quyết để có những con cá “tráng sỹ” quả đáng để áp dụng cho nhiều loại hình chăn nuôi, sản xuất thực phẩm an toàn giữa thời buổi chất cấm tràn lan như hiện nay. Thử tưởng tượng, cá giòn tươi roi rói thái từng lát, thả vào nồi lẩu sôi sùng sục lâu đến mấy khi vớt lên vẫn nguyên miếng săn chắc, khi thưởng thức thấy giòn sần sật như không phải cá, vị ngọt tự nhiên, không cần gia vị hương liệu vẫn khiến vị giác say mê!.

Cách đấy một khúc sông là dãy lồng bè của anh Nguyễn Văn Nhiễm, cũng đang có những lồng cá giòn trứ danh trong vùng. Lứa cá vừa rồi anh đã xuất được cá giòn với giá 150 nghìn đồng/kg, chất lượng cao và độ giòn như ý, mỗi con trên 3 kg. Tính ra, trừ chi phí mỗi tấn cá giòn có thể thu lãi từ 35 – 45 triệu đồng, tùy lứa và tùy thời điểm bán. Nuôi cá giòn cho lãi trên 30% so với cá thương phẩm thông thường. Khi biết có người nuôi cá giòn, thương lái khắp nơi săn đón, trông chờ món hàng ẩm thực được nhiều người ưa chuộng, người nuôi cá không phải lo lắng về đầu ra. Các hộ dân nuôi cá lồng ở các tuyến sông khác như: Thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Văn Giang cũng đang học hỏi để nắm bắt kỹ nghệ hóa giòn cho cá.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Kỹ thuật nuôi cá trắm giòn, chép giòn đã được thực hiện nhiều năm nay ở các tỉnh, thành phố phát triển thâm canh thủy sản nước ngọt trong cả nước, đem lại giá trị kinh tế cao và đem đến cho người tiêu dùng thực phẩm chất lượng, an toàn. Người nuôi cá giòn cần trang bị tốt về kỹ thuật, tham quan các mô hình đã thành công, có kiến thức chăm sóc cá tốt trước khi triển khai nuôi thâm canh. Mặt khác cần hình thành sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm giá trị, đầu ra ổn định cho sản phẩm”. 

Mong rằng “kỹ nghệ nuôi cá giòn” sẽ được người nuôi cá tỉnh nhà nắm bắt, học hỏi để mỗi khúc sông, mỗi ao nuôi sẽ có thêm cá trắm giòn, cá chép giòn, để mọi người được thưởng thức thứ đặc sản từ sông nước quê hương.

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 4

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân