Bạn đang ở đây

Làm hàng rào nilon bẫy chuột

(29.05.2017)

(Website HNDHY) - Mô hình được nông dân ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành – An Giang thí nghiệm với chiều dài hơn 2.000m với hơn 30 hộ tham gia...

Tình trạng chuột cắn phá lúa gây thiệt hại về giống, công cấy dặm cho nông dân trồng lúa. Nhiều nông dân dùng thuốc bẫy chuột làm ô nhiễm môi trường, dùng bẫy rập nhưng vẫn không diệt được chúng. Vì thế họ đã “xây rào” kết hợp đặt lợp chuột để bảo vệ mùa màng.

Mô hình được nông dân ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành – An Giang thí nghiệm với chiều dài hơn 2.000m với hơn 30 hộ tham gia. Ban đầu, chính quyền địa phương xã đã tích cực vận động nhân dân trong khu vực để thực hiện với mục đích hạn chế chuột tấn công cắn phá, nâng cao nhận thức của người dân không sử dụng xung điện diệt chuột gây nguy hiểm khó lường.

Ông Trần Tự Do – Trưởng ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh cho biết, mô hình đã áp dụng được 2 mùa vụ và nông dân đã phòng được chuột tấn công rất hiệu quả, đồng thời, mô hình hàng rào kết hợp bẫy chuột còn mang đặc tính an toàn dễ áp dụng. Những vụ tiếp theo sẽ tiếp tục vận động nhân dân trong khu vực áp dụng thực hiện.

Để minh chứng cho những gì mình nói, ông Trần Tự Do đã đi đến trực tiếp gặp những lão nông có kinh nghiệm trong việc ứng dụng mô hình “hàng rào bẫy chuột”.

Mô hình được thiết kế với cách thức khá đơn giản, nông dân chỉ đầu tư nilon khoảng 50.000 đồng/công lúa (1 công = 1.000m2). Nilon được bao quanh ruộng lúa khi bắt đầu xuống giống, chiều cao từ 0,6 – 0,8m; khoảng 1 – 2m sẽ cặm thanh tre để nilon đứng vững tạo thành “hàng rào” cách ruộng từ 10 – 20cm và khoảng 50 – 100m lại bố trí lợp để bẫy bắt chuột, rắn, ếch kiếm thêm thu nhập. Với việc làm như thế đã giúp nông dân giảm chi phí cấy dặm, giống gieo sạ do chuột cắn phá, lúa cho năng suất cao.

Ông Phạm Văn Lộc ở xã Vĩnh Hanh cho biết: Bắt đầu sử dụng hàng rào ngăn chuột đạt 70 – 80% việc chuột và cắn phá lúa, từ đó giảm được công cấy giống gieo sạ. Gia đình có hơn 4ha lúa nên chi phí đầu tư không nhiều lại có thể giảm được chi phí chuột tấn công sẽ mang lại hiệu quả trong sản xuất. Bình quân mỗi nhân công cấy dặm tốn chi phí hơn 100.000 đồng/người, mỗi vụ có thể giảm chi phí cấy hơn vài triệu đồng nếu ứng dụng mô hình.

Tổng chi phí cho toàn mô mình chưa đến 3 triệu đồng nên mỗi nông dẫn chỉ tốn chưa đến 100.000 đồng nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, sau khi sử dụng 2 – 3 vụ thì nông dân thay hàng rào nilon một lần. Bên cạnh đó, nhiều nông dân sử dụng “lợp” bắt cá để bắt chuột, rắn, ếch… Lão nông Nguyễn Văn Nghe ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh chia sẻ, thấy mô hình có lúc bị chuột tấn công vào nên nhiều nông dân nơi đây bày cách đặt lợp dùng lúa để dẫn dụ chuột vào, cứ 50 – 60m thì bố trí 1 cái lợp và toàn tuyến đặt hơn 20 lợp và mỗi ngày bắt được 3 – 4kg chuột, rắn, rắn mối, ếch… Ban đầu thì chia nhau để làm mồi nhậu, sau này thấy nhiều nên bán cho thương lái mỗi ngày kiếm được gần 100.000 đồng.

Lượng mưa ít và các ruộng lúa không thường xuyên xả lũ nên tình hình chuột tấn công cắn phá mùa màng của nông dân, gây thiệt hại về số lượng và chất lượng sản phẩm nông sản ngày một nhiều hơn. Mặc khác, còn không ít người đã sử dụng bẫy điện để bắt chuột tiềm ẩn nguy cơ chết người rất cao. Mô hình “hàng rào kết hợp bẫy chuột” đã phát huy hiệu quả trong việc phòng ngừa chuột tấn công phá hoại mùa màng, nâng cao nhận thức giúp nông dân không sử dụng xung điện để diệt chuột, hành động này đã gây bức xúc trong dư luật xã hội và đe dọa đến tính mạng con người.

Ông Nguyễn Thanh Sang – Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Châu Thành cho biết, mô hình tuy không mới nhưng đã phát huy tác dụng là phòng ngừa chuột cắn phá mùa màng, thân thiện với môi trường, tránh để nông dân sử dụng bẫy điện bắt chuột. Vụ vừa qua nông dân xã Vĩnh Hanh đã được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh hỗ trợ 100% chi phí để thực hiện và thời gian tới Trạm sẽ tiếp tục vận động nhân dân trên địa bàn huyện cùng áp dụng và nhân rộng mô hình hàng rào bẫy chuột.

 

Theo NNVN

Lượt xem: 4

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân