Bạn đang ở đây

Lưu ý cần thiết khi dùng thuốc giảm tiết dịch vị

(03.05.2017)

(Website HNDHY) - Acid dịch vị là chất xúc tác quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày. Tuy nhiên, nếu dịch vị này tiết ra quá nhiều sẽ gây bệnh lý tại dạ dày với những biểu hiện khó chịu như buồn nôn, ợ nóng...

Acid dịch vị là chất xúc tác quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày. Tuy nhiên, nếu dịch vị này tiết ra quá nhiều sẽ gây bệnh lý tại dạ dày với những biểu hiện khó chịu như buồn nôn, ợ nóng... Ðể khắc phục tình trạng này, người bệnh thường được sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm tiết dịch vị. Ðây là loại thuốc được dùng nhiều nhất trên lâm sàng nhưng cần lưu ý một số vấn đề để thuốc đạt hiệu quả điều trị như mong muốn.

Loại thuốc ức chế bơm proton nào thường được dùng nhất?

Trên thị trường hiện nay có 5 loại thế hệ thuốc PPI được sử dụng, đó là:

Omeprazole có tác dụng ức chế đặc hiệu sự bài tiết axit của dạ dày do ức chế có hồi phục hệ enzym hydro - kali adenosin triphosphatase (còn gọi là bơm proton) ở tế bào viền của dạ dày. Ðạt tác dụng tối đa sau khi uống thuốc 4 ngày. Tỷ lệ liền các vết loét trong loét dạ dày sẽ đạt được từ 70-80% và tăng lên 85% nếu sử dụng trong 4 tuần. Tuy nhiên, các vết loét này có thể sẽ tái phái trở lại nếu như bệnh nhân chỉ dùng liều thuốc đơn độc.

Khi uống PPI phải uống cả viên thuốc và trước bữa ăn 30 phút.

Lansoprazole, sau 8 tuần sử dụng tỷ lệ liền sẹo loét dạ dày sẽ đạt được 89-92% và có thể tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter pylori khoảng 21-43% và làm liền sẹo do loét hành tá tràng khoảng 96%.

Pantoprazole có khả năng dung nạp tốt, có tác dụng làm liền sẹo nhanh, gần như khỏi hẳn (99%), giảm đau khá tốt (89%) và có ít tác dụng phụ.

Rapeprazole có tác dụng tương đối mạnh (mạnh hơn omeprazol từ 2-20 lần) và nhanh chóng kiểm soát acid cho kết quả ngay trong ngày đầu sử dụng thuốc (trong ngày đầu sử dụng tỷ lệ ức chế acid lên đến 88%).

Esomeprazole được đánh giá cao nhờ trong công thức của chúng có đồng phân quang học S không bị chuyển hóa bởi men cytochrom P450 trong gan, vì vậy, chúng có tác dụng kéo dài.

Sử dụng thuốc PPI cần chú ý gì?

Trong giai đoạn đầu dùng thuốc: Hầu hết sử dụng PPI là có hiệu quả nhưng vẫn có một số người ở giai đoạn đầu khi dùng thuốc có thể có đau đầu hoặc tiêu chảy, hoặc táo bón. Một số trường hợp dùng kéo dài có thể bị loãng xương, hậu quả là gãy xương

Thời gian dùng thuốc: Mỗi lần có kích thích về ăn uống, acid dịch vị sẽ tiết ra nhiều, vì vậy, không uống thuốc trong khi ăn mà nên uống PPI trước bữa ăn khoảng 30 phút để đưa đến tế bào viền khi nó tiết acid, các acid này sẽ biến các tiền thuốc (PPI là các loại tiền thuốc) thành thuốc và phát huy tác dụng.

Cần uống cả viên thuốc: Thuốc rất dễ tan trong môi trường acid, vì vậy cần uống nguyên viên (không chia nhỏ, không nghiền nát viên thuốc).

Tương tác thuốc: Khi sử dụng bất kỳ loại PPI nào, người bệnh không nên dùng cùng một lúc với thuốc an thần seduxen vì sẽ làm giảm chuyển hóa và đào thải thuốc ra ngoài. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không dùng cùng lúc các PPI với thuốc kháng viêm không steroid do PPI làm giảm tiết acid, đồng thời cũng làm giảm tạm thời chất bảo vệ dạ dày (gastrin) và các kháng viêm không steroid cũng giảm tiết các chất này nên dễ gây bệnh. Các PPI cũng thực sự có sự tương tác với thuốc chống tập kết tiểu cầu nên nếu người bệnh đang dùng các thuốc như aspirin, clopidogrel thì cần thông báo với bác sĩ điều trị để cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng.

Làm giảm hấp thu magie, canxi: PPI có thể làm giảm sự hấp thu magie, canxi hoặc làm gia tăng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nhất là loại vi khuẩn kỵ khí ở đường ruột C.difficil nếu dùng dài ngày gây bệnh lý như loãng xương, giảm magie máu... nên người bệnh cần tư vấn bác sĩ để có biện pháp bổ sung khi cần dùng thuốc kéo dài.

Liều dùng: Một điều quan trọng khác là PPI nên được dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể, không dùng kéo dài PPI, sau đó chỉ dùng PPI khi thật cần thiết nhưng phải giảm liều nên người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ để tránh tai biến đáng tiếc.

 

Theo SKĐS

Lượt xem: 1 lần xem

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân