Bạn đang ở đây

Nâng cao năng lực cạnh tranh giúp nông dân hội nhập TPP

(13.05.2016)

(Website HNDHY) - Sáng nay (12/5) tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình hợp tác trung hạn giữa Trung ương Hội NDVN với Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IPAD).

Đồng chí Lều Vũ  Điều, Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội NDVN chủ trì hội thảo với sự tham gia của hơn 150 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, hội viên, nông dân trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản của một số tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều nhấn mạnh: “Việc tổ chức hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác động của TPP, đồng thời đề xuất các giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vững vàng khi hội nhập TPP”.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, hầu hết các ý kiến đều nhận định, khi tham gia TPP, nông nghiệp, nông dân Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó việc hạn chế năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp là 1 trong những thách thức lớn nhất. Tiến sĩ Đặng Kim Khôi – Viện Nghiên cứu Chính sách và chiến lược Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng: Quy mô sản xuất nhỏ phổ biến, năng suất lao động thấp cộng với đầu tư tư nhân cho nông nghiệp hạn chế là những trở ngại dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị dài, không kiểm soát được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm làm cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Tiến sĩ Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại Bộ Công thương chia sẻ: “Hiện nay có tới 60% dân số Việt Nam phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng đa phần người nông dân, vốn là đối tượng dễ bị “tổn thương” trong quá trình hội nhập vẫn chưa được trang bị nhiều kiến thức. Điều này dẫn tới năng lực cạnh tranh của một số mặt hàng trong lĩnh vực này vẫn còn yếu, điển hình là các nhóm nông sản. Gia nhập TPP, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội được xuất sang nhiều nước nhưng bên cạnh đó, nông sản các nước khác cũng sẽ được nhập khẩu ồ ạt hơn. Việc không được chuẩn bị kỹ để “hội nhập” sẽ khiến sản phẩm nội địa có thể bị thua ngay trên sân nhà”.

Ông Hoàng Trọng Thủy - Nguyên Tổng Biên tập tạp chí Nông thôn mới cho biết, hiện nay 87% nông dân không biết rõ về biến động giá cả thị trường nông sản, vì vậy, việc thiếu thông tin cộng với trình độ, kỹ năng sản xuất thấp, nông dân Việt Nam có tỷ lệ chưa qua đào tạo cao, rất ít nông dân có năng lực liên kết, tham gia các chuỗi giá trị nông sản…

Ông Hồ Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho rằng, khi hội nhập quốc tế, nông dân Việt Nam dường như chưa xác định được phương hướng, bước đi, chưa bắt kịp với tiến trình hội nhập, tiếp cận thông tin chậm và yếu. Ngoài ra, thực tế nông dân hiện nay vẫn sản xuất theo kiểu “Cha truyền con nối”, mỗi hộ sản xuất tự phát theo “hội chứng đám đông hay theo “tín hiệu thị trường” của thương lái. Vi vậy, hiện nay hầu như các mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận những giải pháp nhằm đưa nền nông nghiệp Việt Nam cất cánh trong giai đoạn chuyển đổi, giúp người nông dân hội nhập thành công TPP. Theo bà  Phạm Hồng Hạnh, trưởng phòng Hội nhập và đầu tư, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông, lâm, thủy, sản và Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đại diện cho các hộ nông dân trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, ông Phạm Phú Cường, nông dân nuôi cá tra, tỉnh An Giang chia sẻ: Nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình tín dụng chính sách cần tăng cả về hạn mức và thời gian vay nhằm giúp nông dân chủ động thời gian sử dụng vốn, đặc biệt đủ chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, cải tạo ao hầm, ứng dụng công nghệ chăn nuôi mở rộng diện tích, giúp tăng sản lượng, tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận.

Ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nhận định: Lợi thế của Hội Nông dân là tổ chức Hội được triển khai đến tận thôn, ấp, xóm. Chính vì thế, với cơ cấu tổ chức này, Hội hoàn toàn có thể tổ chức tư vấn, giám sát, đánh giá việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển ở địa phương. Để làm được điều này, Hội Nông dân cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội liên quan đến những kỹ năng trên.

Tiến sĩ Đặng Kim Khôi đưa ra ba nhóm giải pháp đặc biệt, trong đó chú trọng việc thúc đẩy các hoạt động mở rộng thương mại, xúc tiến đầu tư giữa nhà đầu tư TPP với Việt Nam, giữa nhà đầu tư Việt Nam với các nước TPP để tìm kiếm các cơ hội hợp tác mà TPP mang lại. Đồng thời rà soát kỹ các ngành hàng dễ bị tổn thương, đánh giá về mức độ ưu tiên, chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp người sản xuất.

Đại diện cho các doanh nghiệp, Ông Lê Hoàng Vinh, Công ty sữa Ba Vì, một doanh nghiệp có nhiều năm liên kết với nông dân chia sẻ: Nông dân trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay vẫn chưa mua được nguồn thức ăn chăn nuôi với mức giá ưu đãi. Hầu hết nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện nay vẫn phải nhập khẩu và bị áp mức giá khá cao so với giá trị thực. Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì thế các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần tập trung tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp, thiết thực nhất cho người chăn nuôi, doanh nghiệp cũng như ngành chăn nuôi Việt Nam.

Với mục tiêu càng xuất khẩu nhiều, càng hội nhập thành công, nông dân ở mỗi xã, huyện cần chọn 1-3 sản phẩm có thế mạnh để tập trung sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu. Nên áp dụng theo công thức 1.2.3 mà nông dân Nhật Bản đã thành công, đó là: Một nông sản chủ lực chế biến thành 2 sản phẩm hàng hóa chủ công bán ra 3 thị trường ( địa phương, trong nước, xuất khẩu) - chia sẻ của ông Hoàng Trọng Thủy.

 

Theo hoinongdanvietnam

Lượt xem: 14

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân