Bạn đang ở đây

Người nông dân với cây cầu tình nghĩa

(09.09.2015)

(Website HNDHY) - Tới xã Chính Công, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) nhắc tới anh Trần Tiến ở khu 4 thì ai cũng biết vì anh vừa được nhận Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tại hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến năm 2015.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn xong anh đã tự nguyện xây dựng được chiếc cầu tình nghĩa, biến ước muốn của bao thế hệ bà con trong thôn xóm thành hiện thực. Chiếc cầu mà chúng tôi muốn nhắc tới chính là “Cầu rắn” bắc qua Ngòi Cái nối liền 3 xã Chính Công – Yên Kỳ và Hương Xạ huyện Hạ Hòa được làm nên từ bao mồ hôi, công sức của người nông dân Trần Tiến và bà con nơi đây.

 Sinh năm 1971, trong một gia đình nông dân nghèo tại khu 4 xã Chính Công, huyện Hạ Hòa, cuộc sống của gia đình rất khó khăn, đất ruộng ít, để trang trải cho cuộc sống hàng ngày và nuôi 2 con ăn học, chị vợ anh phải làm thuê, mượn ruộng trả lúa cho người dân quanh vùng, còn bản thân anh Tiến thường đi phụ xây dựng khắp nơi. Anh cho biết: “Có ngày kiếm được 100.000 đồng, có ngày cũng không được đồng nào. Tuy cuộc sống còn thiếu thốn xong anh chính là người khởi xướng, đi quên góp tiền, và ngày công của người dân để xây dựng nên chiếc cầu đầy tâm huyết, giúp người dân đi lại thuận lợi, nhất là để các em học trò ở vùng đất bán sơn địa này đến trường bớt gian nan”. Khi được hỏi về động lực nào giúp anh quyết tâm xây cầu trước khi xây nhà ở, anh Trần Tiến vui vẻ cho biết: “Trước kia đây là chiếc cầu được làm bằng 2 cây tre. Trẻ em đi học hay bị ngã,  cứ mưa rào là cầu tre lại trôi mất, một năm làm đến 3 lần. Vì vậy gia đình tôi quyết tâm xây dựng chiếc cầu, bà con dân làng rất phấn khởi”.

Là một người dân trực tiếp giúp đỡ anh Tiến bằng ngày công lao động, bà Nguyễn Thị Kén ở khu 6 xã Hương Xạ cũng là một trong rất nhiều người dân được hưởng lợi từ việc xây dựng cầu của gia đình anh Tiến. Bà hồ hởi nói: “Khi chưa có cây cầu là chỉ có 2 cây bạch đàn cháo đầu từ bên kia sang bên này. Từ ngày làm được chiếc cầu chúng tôi đi lại cảm thấy thoải mái, dễ dàng. Xe chở gỗ vào tận đồi, xe trở lúa vào tận bờ ruộng, xe vò vào tận sân dễ dàng. Chúng tôi cảm ơn gia đình nhà cô chú Tiến Tình đã tự làm được chiếc cầu, chúng tôi rất phấn khởi”.

Do nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp, người dân nơi đây còn rất khó khăn nên sau nhiều tháng vận động anh em họ hàng, bà con thôn xóm chỉ được hơn 15 triệu đồng, anh Tiến đã bán một con bò cộng với số tiền tích cóp của hai vợ chồng được hơn 30 triệu đồng; còn lại được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương anh đã vay ngân hàng hơn 40 triệu đồng.  Vậy là đủ để xây cây cầu khang trang, vững chắc. Anh Tiến nói: “ Chiếc cầu này tôi làm có chiều dài 24m, rộng 2,5 m, dầy 13 cm, trị giá tiền mặt khoảng 80 triệu đồng. Tính cả anh em hàng xóm hỗ trợ ngày công chưa tính, tổng trị giá cũng hơn 100 triệu đồng”.

Chỉ sau 20 ngày thi công chiếc cầu mang tên “ Cầu Rắn” nối nhịp bờ vui đã được khánh thành trong niềm vui sướng của mọi người dân nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Tám – trưởng khu dân cư số 4 xã Chính Công vui mừng chia sẻ: “ Ông bà Tiến Tình khắc phục khó khăn vay mượn tiền ngân hàng để cố gắng làm được cây cầu. Trong khu 4, khu 5 và các xã Hương Xạ, Yên Kỳ tất cả mọi người đều rất phấn khởi người thì ủng hộ ngày công, người thì ủng hộ bằng tiền vài ba chục, người hai chục. Chúng tôi  động viên anh chị cố gắng khắc phục khó khăn, vay mượn công nợ trả dần”.

Ở  một xã còn nhiều khó khăn như Chính Công, cái quý nhất có lẽ là một cây cầu vững chắc bắc qua “Ngòi Cái” này để bà con đi lại thuận tiện, trẻ em đi học không còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Ngắm cây cầu đứng hiên ngang không sợ mưa gió, lũ lụt, không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài mà còn mang nặng tình nghĩa của một người nông dân.

 

Theo hoinongdan.org.vn

Lượt xem: 9

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân