Bạn đang ở đây

Nhiều dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát tốt

(17.06.2016)

(Webiste HNDHY) - Trong khoảng thời gian bị tác động mạnh của hạn hán từ đầu tháng 3/2016 đến nay, cả nước không xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm, LMLM và tai xanh ở lợn.

Tại hội nghị "Phát triển chăn nuôi trong điều kiện hạn hán" vừa diễn ra ở tỉnh Khánh Hòa, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong khoảng thời gian bị tác động mạnh của hạn hán từ đầu tháng 3/2016 đến nay, cả nước không xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm, LMLM và tai xanh ở lợn.

Riêng tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, một số các dịch bệnh thông thường như tụ huyết trùng lợn và tụ huyết trùng gia cầm với ổ dịch, số con mắc bệnh và chết đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, các bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò, bệnh phó thương hàn lợn, dịch tả lợn và E.coli lợn với số ổ dịch, số gia súc mắc bệnh và chết lại có dấu hiệu tăng nhẹ.

Theo ông Thành, hạn hán trước mắt sẽ tác động trực tiếp đến khan hiếm nguồn nước uống, thức ăn ngoài tự nhiên của động vật nuôi. Từ đó làm con vật cảm nắng suy kiệt giảm sức đề kháng với dịch bệnh của vật nuôi, gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và một số bệnh thông thường khác. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài dễ gây nên các bệnh dại trên chó, mèo hoặc có thể làm phát sinh thêm dịch bệnh mới.

Do đó, để chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới, Cục Thú y khuyến cáo một số giải pháp như sau: Trước mắt, các địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn, đặc biệt là kế hoạch tiêm phòng vacxin sớm để chủ động phòng bệnh.

Đồng thời, tăng cường vệ sinh khử trùng tiêu độc, dự phòng hóa chất để xử lý ổ dịch và các phương án cụ thể để chống dịch, bổ sung vào bản kế hoạch các phương án phòng ngừa và xử lý các sự cố trên đàn vật nuôi trong điều kiện nắng hạn kéo dài.

Ngoài ra, các ngành chức năng liên quan cần hướng dẫn người nuôi có phương án dự trữ thức ăn, nước uống, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, hướng dẫn biện pháp sơ cứu khi gia súc bị say nắng, cảm nóng, xử lý khi vật nuôi bị tiêu chảy, thông báo cho cơ quan chuyên môn thú y để được hỗ trợ kịp thời.

Về lâu dài TƯ và địa phương cần có quy hoạch vùng nuôi hợp lý đối với từng loại động vật cho phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.

 

Theo NNVN

Lượt xem: 1 lần xem

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân