Bạn đang ở đây

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 9/2020

(03.09.2020)

(Website HNDHY) - Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Đó là nội dung tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/9.

Theo đó, hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Về việc vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ…

Quy định mới về mức hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp

Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9.
Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau: 1. Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; 2. Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.

Bỏ tên “trạm thu giá” đường bộ

Có hiệu lực từ ngày 15/9, Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ đường bộ đặt tên cho nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ, thay cho trạm thu giá đường bộ.

Trước đó, năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 49/2016/ TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trong đó đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá. Cũng theo Thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.

Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí, số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh…

Theo CAND

Lượt xem: 4

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân