Bạn đang ở đây

Những cử nhân, thạc sỹ bỏ bằng cấp, về quê…làm nông

(23.06.2015)

(Wbsite HNDHY) - Nhiều người chấp nhận từ bỏ mức lương “khủng”, từ bỏ những công việc an nhàn, từ bỏ chốn phồn hoa đô thị để về quê viết tiếp giấc mơ của mình, viết tiếp những trang ký ức của tuổi thơ với cái nghề chân lấm tay bùn, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"…

Tốt nghiệp đại học về nuôi lợn

Tốt nghiệp cử nhân Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), đang nhận lương “khủng” ở Hà Nội nhưng Nguyễn Văn Hịu (sinh năm 1984, thôn Nhiễm Dương, xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành, Bắc Ninh) quyết định bỏ việc về xây dựng trang trại ở quê, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Từ bỏ đô thị phồn hoa, 3 năm sau ngày tốt nghiệp cử nhân, chàng trai đất Kinh Bắc về đấu thầu khu trang trại của một người cùng quê rồi bỏ vốn xây dựng một khu chăn nuôi trong sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình, bạn bè.
Bỏ ngoài tai tất cả, anh Hịu lao vào làm việc. Trên diện tích gần 2 ha trước đây hầu như bỏ không, anh Hịu cải tạo lại thành khu chăn nuôi lợn với quy mô hiện đại, 2 chiếc ao trong khu đất này được xây dựng khoa học, hợp lý và bắt đầu nghiệp làm… nông dân. Chàng cử nhân kinh tế ngày nào đã trở thành một nông dân chính hiệu với thu nhập hàng tỷ đồng/năm và nhận được sự thán phục, đồng cảm, trân trọng của bạn bè và những người thân trong gia đình.

Thạc sĩ mê mắm ruốc và duyên nợ với quê nhà

Tuổi thơ được nuôi lớn từ chiếc thuyền nan lam lũ của người cha ngày ngày cần mẫn với nghề chài lưới trên sông Thạch Hãn, Đào Thị Hằng (thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị) đã nỗ lực giành được tấm bằng thạc sĩ tại Đại học Adelaide (Úc). Tiếp tục nhận được học bổng tiến sĩ nhưng giấc mơ “mắm ruốc” từ thuở ấu thơ đã níu kéo Hằng trở về quê, cùng bà con xây dựng thương hiệu mắm ruốc Thuyền Nan...

Hằng nhớ lại quãng thời gian trăn trở giữa việc ở lại tiếp tục làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ hay trở về quê hương. Trong lần trao đổi về cách thức để giúp đỡ nhiều người dân Quảng Trị, Hằng đặc biệt tâm huyết và hứng thú với ý tưởng khôi phục lại nghề mắm truyền thống và quyết định trở về để thực hiện dự định này. Hương vị ngọt ngào của kí ức chính là một trong những động lực để Hằng theo đuổi dự án này...

Đầu năm 2013, ngay sau khi trở về Việt Nam, Hằng dành 5 tháng lặn lội khắp các làng chài từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phan Thiết, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... để tìm hiểu, thu thập tư liệu và học hỏi kinh nghiệm của người dân bản địa trong việc làm mắm ruốc và nước mắm, với tất cả 20 loại mắm khác nhau.

Hai mươi tám tuổi, Hằng đã tích lũy được cho mình rất nhiều kiến thức bổ ích trong cuộc sống và tự nhận rằng, niềm đam mê với mắm ruốc đã thay đổi cuộc đời mình.

Chàng trai tật nguyền làm ông chủ vườn ươm

Sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Kim Việt (24 tuổi) - một thanh niên tật nguyền - đã từ bỏ những lời mời hấp dẫn mà về quê xin đất vườn của cha mẹ để xây dựng một vườn ươm cây chất lượng. Sau vài năm, Việt đã trở thành ông chủ vườn ươm cây giống với diện tích trên 5.000m² đủ chủng loại, từ cây ăn quả đến cây lâm nghiệp, cây dược liệu... 

Gia cảnh ngặt nghèo nhưng nhờ những nỗ lực học tập, Việt tốt nghiệp một lúc hai bằng đại học (nông - lâm ngư và công nghệ thông tin). Ngoài ra, Việt còn tiếp tục bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về khoa học cây trồng.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Việt từ bỏ lời mời lương hấp dẫn vào Ðồng Nai làm việc để về nhà viết giấc mơ trên mảnh vườn hoang hóa của bố mẹ. Khi ở giảng đường, Việt từng tham gia đề tài nghiên cứu kỹ thuật tạo trầm cho cây trầm hương và được thầy cô đánh giá rất cao. Nhưng khi về quê để thực hiện “giấc mơ” Việt gặp rất nhiều khó khăn.

Ðể trở thành ông chủ vườn ươm cây, ngày đầu Việt đi sửa máy tính, làm thuê dành dụm tiền mua hạt giống cây về ươm. Hay để đưa được những giống cây về bán cho bà con trồng hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, Việt phải nhờ người vay mượn tiền để vào Nam hay ra Bắc ăn ngủ hàng tháng trời để nắm được đặc tính và phương pháp ghép cây.

“Nhờ kiến thức đã học, mình muốn về quê áp dụng nghiên cứu khoa học xây dựng một vườn ươm giống cây chất lượng với đủ loại cây. Tất cả chỉ mong muốn giúp đỡ bố mẹ, giúp bà con nông dân nâng cao đời sống” - Việt chia sẻ.

Cử nhân bỏ 2 bằng đại học để làm… nông dân 

Tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch, Luật, nhưng anh Phan Xuân Quyền (Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại gắn cái nghiệp của mình với cây nấm. Bén duyên với nấm từ khi đang đi học, năm 2002, tốt nghiệp khoa Quản trị du lịch, ĐH Duy Tân, anh Quyền mở cơ sở nuôi trồng nấm nhỏ. Thời điểm này, nghề trồng nấm hoàn toàn xa lạ với người dân Đà Nẵng. Anh Quyền nghiên cứu trong sách vở, rồi ngược xuôi các tỉnh thành phía Nam học hỏi.

Toàn bộ phương pháp sản xuất nấm được anh tích lũy, viết thành tập sách riêng. Nhiều sinh viên, người dân học hỏi kỹ thuật, phương pháp trồng nấm, anh đều cởi mở truyền đạt. Theo anh Quyền, trồng nấm không quá khó, nếu chuyên tâm, đam mê thì có thể đạt được năng suất tốt. Trung bình mỗi tháng, cơ sở nấm của anh thu hoạch hàng chục tấn nấm, với số tiền 40 - 50 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động trên địa bàn. 

Không dừng lại, anh Quyền mày mò "chiết suất" một số sản phẩm mới từ nấm: nước mắm - nấm, mắm nêm - nấm, chế biến 7 món ăn đặc sản khác nhau từ nấm. "Món chay bây giờ rất phổ biến, nếu mở một nhà hàng chuyên về các món nấm sẽ tạo sức hút lớn", anh Quyền nói.

 

Theo danviet

Lượt xem: 85

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân