Bạn đang ở đây

Những mô hình nông nghiệp hiệu quả ở Hưng Yên

(13.02.2017)

(Website HNDHY) - Những năm qua, ngành nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên đã có những chuyển động tích cực, theo hướng chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn còn nhiều bất cập, cần sớm được điều chỉnh, tháo gỡ.

Năng động theo thị trường

Trong tiết xuân ấm áp đầu năm Ðinh Dậu, chúng tôi trò chuyện với anh Trần Nguyên Tháp, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hưng Yên, anh Tháp phấn khởi cho biết: Nông nghiệp ở tỉnh đang chuyển động tích cực, theo hướng "chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm".

Ðưa chúng tôi đến cánh đồng rộng 20 ha của thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, anh Tháp giới thiệu: Cánh đồng này được quy hoạch trồng rau an toàn, cung cấp rau sạch cho thành phố Hưng Yên; bên cạnh là khu nhà lưới của Công ty cổ phần rau củ quả Việt - Nhật. Công ty trồng rau, củ trong nhà lưới theo quy trình VietGAP rất nghiêm ngặt, được theo dõi, ghi chép tỉ mỉ hằng ngày; phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, phân vi sinh; công tác phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới theo công nghệ nhỏ giọt, tự động... sản phẩm được sơ chế, đóng gói, gắn nhãn mác, tem xuất xứ hàng hóa.

Vào khu nhà lưới của Công ty cổ phần rau củ quả Việt - Nhật, anh Trần Bá Cẩn, kỹ sư nông nghiệp đưa chúng tôi đi thăm các lô sản xuất cây giống, lô trồng rau, củ, quả, khu sơ chế, đóng gói..., anh tâm sự: Nhu cầu thực phẩm sạch hiện nay rất lớn, các nhà hàng, khách sạn, siêu thị nhập rất nhiều rau, củ và thực phẩm từ nước ngoài về, trong khi đó có nhiều loại có thể sản xuất ngay tại quê mình, tại sao mình lại không làm? Xác định đây chính là cơ hội làm giàu, sau nhiều đêm suy tính, anh cùng một số anh em hùn vốn thành lập công ty sản xuất rau sạch. Khi đi vào hoạt động, được sự hỗ trợ của thành phố Hưng Yên, công ty thuê hơn 1 ha đất và xây dựng 10 nghìn m2 nhà lưới, sản xuất theo quy trình công nghệ cao. Sau gần một năm, công ty đã sản xuất 22 loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn chất lượng và được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản phẩm rau, củ, quả của công ty sản xuất đạt chất lượng, sản lượng ổn định, có uy tín, được nhiều nhà hàng, siêu thị ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ðến huyện Yên Mỹ, chúng tôi thăm trang trại chăn nuôi của gia đình anh Ðỗ Văn Chuyên, thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ. Ðây là mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín khá hiệu quả. Anh Chuyên cho biết: Ưu điểm của chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến là giúp chủ trang trại kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra, phát hiện, loại bỏ kịp thời các nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) trong chuỗi sản xuất; giảm khâu trung gian, cung ứng trực tiếp thành phẩm cho cửa hàng thực phẩm sạch, người tiêu dùng với giá bán ổn định, tạo uy tín cho trang trại, nhà phân phối, mang lại lợi nhuận cao hơn chăn nuôi thông thường từ 30% đến 40%. Trang trại thực hành chăn nuôi tốt (GAHP), khâu đầu tiên, phải bảo đảm thức ăn an toàn. Ðối với lợn con, cho ăn toàn bộ cám hỗn hợp và tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thú y, có ghi chép đầy đủ; khi lợn từ ba tháng tuổi trở lên chuyển sang ăn thức ăn hữu cơ tự phối trộn, gồm ngô, cám mạch, đỗ tương. Khi lợn đạt đủ trọng lượng xuất chuồng được chuyển đến lò mổ thiết kế theo tiêu chuẩn Lifsap, sản phẩm thịt được đóng gói, dán nhãn mác chuyển đến chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, hoặc được chế biến thành giò, chả theo đơn đặt hàng.

Huyện Khoái Châu, nơi có diện tích canh tác lớn nhất tỉnh Hưng Yên, nông dân đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, dựa trên thế mạnh từng vùng. Anh Phạm Năng Thành - người đi tiên phong đưa cây chuối tiêu hồng về vùng đất bãi, cho biết: Trước kia, vùng đất bãi chỉ trồng ngô, đỗ, lạc... thu nhập rất thấp, cuộc sống người dân khó khăn; tôi nghĩ, muốn cải thiện cuộc sống phải trồng cây thị trường cần. Lúc đầu, đưa cây cam Vinh về trồng, thất bại; không nản, tôi tiếp tục đưa cây chuối tiêu hồng về trồng, đến nay đã hơn mười năm, chuối tiêu hồng phát triển tốt, có thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài nước, cho thu nhập cao. Với gần 30 ha chuối tiêu hồng trồng theo quy trình VietGAP, mỗi năm anh Thành thu nhập gần chục tỷ đồng. Cây chuối tiêu hồng nay đã trở thành cây trồng chủ lực của các xã vùng đất bãi ven sông ở huyện Khoái Châu.

Tháo gỡ các trở ngại

Sự thành công của những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hiệu quả cao ở Hưng Yên đã có tác động lan tỏa, tạo nên phong trào sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường; hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, mô hình trang trại, gia trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… sản xuất một số loại nông sản có quy mô tương đối lớn, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ, chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp. Trong giai đoạn 2013-2015, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tỉnh Hưng Yên bình quân đạt 2,2%/năm; năm 2016 đạt 2,56%. Ðến nay, nông dân tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, thủy sản cho hiệu quả cao gấp từ ba đến năm lần cấy lúa; có hơn 3.000 ha cánh đồng mẫu lớn, gần 10 nghìn ha cây ăn quả các loại, hơn 760 trang trại... góp phần nâng giá trị thu nhập bình quân một héc-ta đạt 150 triệu đồng/năm, cơ cấu nông nghiệp chuyển đổi theo hướng tích cực, chăn nuôi - thủy sản chiếm tỷ trọng ngày càng cao, với hơn 54% trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện nay đã nảy sinh một số vấn đề, gây trở ngại cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo kỹ sư nông nghiệp Trần Bá Cẩn, Công ty cổ phần rau củ quả Việt - Nhật muốn mở rộng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lên năm héc-ta, kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình khép kín, nhưng lại gặp khó khăn về việc thuê đất, bởi một số hộ nông dân chưa mặn mà với việc cho thuê, mặc dù công ty đã trả giá khá cao. Còn việc liên kết trong sản xuất rau sạch, tuy thuận lợi về đất đai, nhưng khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm của những hộ liên kết, hơn nữa mối liên kết thường lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ.

Chủ tịch Hội chăn nuôi, kinh doanh gà Ðông Tảo (huyện Khoái Châu) Lê Quang Thắng phàn nàn, Hội đã xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà Ðông Tảo, nhưng một số hội viên vì lợi ích riêng, chưa tự giác thực hiện chăn nuôi theo quy trình; công tác kiểm tra, giám sát của Hội chưa thực hiện tốt... đã ảnh hưởng chung đến chất lượng con giống, thịt thương phẩm, thương hiệu gà Ðông Tảo...

Trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Phú chia sẻ: Trong quá trình chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn nhiều vấn đề bất cập, cần được điều chỉnh, tháo gỡ. Do vậy, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất như: Chính sách dồn thửa đổi ruộng, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, cho thuê đất; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi - thủy sản; xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư, đưa công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Sở cũng phối hợp nhiều địa phương triển khai hiệu quả các chương trình, dự án: Phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm; phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học theo hướng VietGAP; cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - Lifsap; thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ, cây con giống, nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất cho nông dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất các ngành nghề nông thôn, quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch thủy lợi. Trên cơ sở đó, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh cây, con có chất lượng, hiệu quả, phù hợp điều kiện sinh thái từng vùng; phát triển mạnh những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức cạnh tranh cao. Tăng cường xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh. Tiếp tục tổ chức lại sản xuất, xây dựng, đổi mới hoạt động hợp tác xã, liên kết trong sản xuất nông nghiệp... Qua đó, từng bước khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho nền nông nghiệp Hưng Yên bước vào giai đoạn phát triển mới, theo hướng công nghiệp, hiện đại, bền vững.

 

Theo Báo Nhân dân

Lượt xem: 13

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân