Bạn đang ở đây

Những nhân chứng một thời ở La Tiến

(19.12.2016)

(Website HNDHY) - Thời gian đã qua hơn 60 năm nhưng ký ức về những ngày tháng bị thực dân Pháp chiếm đóng, càn quét, khủng bố và giết hại người dân ở bốt La Tiến (xã Nguyên Hòa, Phù Cừ) vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ của thế hệ kiên trung tham gia kháng chiến và phục vụ kháng chiến đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Quá khứ đau thương mà anh dũng của quân dân xã Nguyên Hòa nói riêng, Hưng Yên nói chung được tái hiện lại qua lời kể của các nhân chứng cho chúng ta hiểu thêm về lịch sử giữ nước của các thế hệ cha anh.

Dưới gốc đa La Tiến - nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp của hơn 60 năm về trước, ông Đặng Đình Tuy, 84 tuổi ở thôn La Tiến, cán bộ tiền khởi nghĩa kể lại cho tôi nghe câu chuyện lịch sử từng diễn ra nơi đây: Một buổi chiều cuối năm 1949, từng tốp quân Pháp đi canô trên dòng sông Luộc đổ bộ về bến La Tiến. Vừa đặt chân lên bờ chúng đã bắn chết một người dân vô tội ngay tại dốc đê. Sau đó chúng chiếm đóng xây bốt ngay tại vị trí gốc đa và lập tề trong vùng, chúng bắt nhiều người dân đi phu xây bốt, làm đường, phục dịch. Bản thân ông Tuy cũng từng bị chúng bắt đi phu xây bốt và làm tạp dịch cho chúng. Ngay từ buổi đầu chiếm đóng bốt La Tiến, địch đã khủng bố vô cùng tàn bạo. Người tàn tật không kịp chạy tản cư, chúng bắn giết ném xuống sông Luộc, những dân quân, du kích không may sa vào tay địch, chúng đưa về bốt tra tấn bằng những cực hình hết sức dã man rồi giết hại thả sông. Đặc biệt, trong những năm 1952-1953 là thời kỳ “khủng bố trắng” ác liệt nhất. Lính Pháp thực hiện nhiều đợt càn quét, thực hiện chính sách khủng bố "Tam quang" (giết sạch, đốt sạch, phá sạch). Và cũng chính thời gian này, bốt La Tiến chứng kiến biết bao người con kiên trung của quê hương phải đổ máu. Mỗi khi chúng bắt được những chiến sỹ cách mạng, chúng treo lên cây đa La Tiến rồi bắt người dân vây quanh chứng kiến cách chúng tra tấn để uy hiếp tinh thần, sau đó chúng thủ tiêu.

Trong tâm khảm của vợ chồng ông Đặng Lâm Thao và bà Phạm Thị Luyến ở thôn Thị Trung (xã Nguyên Hòa) thì những ngày tháng giặc Pháp chiếm đóng xây bốt dựng tề ở La Tiến là thời kỳ đen tối, hãi hùng nhất trong cuộc đời ông bà. Ông Thao nhớ lại: Ngay từ buổi đầu chiếm đóng bốt, địch đã khủng bố vô cùng tàn bạo. Chúng vào làng phá dỡ đình, chùa, miếu, trường học... Đi đến đâu, địch cũng bắn giết, hãm hại dân lành, đốt phá nhà cửa, hòng khuất phục ý chí và tinh thần của nhân dân ta. Không chỉ cán bộ cách mạng mà cả dân thường cũng bị giết hại. Ông Thao có 1 chị gái, 1 người cháu gái, còn bà Luyến có 2 người em đã bị thực dân Pháp giết hại khi đang làm trên cánh đồng, hay như nhà bà Chử, ông Du trong làng cũng có 4 – 5 người bị giết hại, có nhiều gia đình bị chúng giết hại cả nhà…

Mặc dù bị uy hiếp là vậy, song quân dân La Tiến đã không khiếp đảm, không ai đi lính cho Pháp, không ai chỉ điểm, khai báo cán bộ cách mạng đang hoạt động tại địa phương. Trong vòng vây của địch, bất chấp những khẩu đại liên vang suốt ngày đêm, du kích vẫn tích cực hoạt động. Ngay trong thôn La Tiến, nhân dân và du kích đã xây dựng được 3 hầm bí mật trong nhà dân để cán bộ, chiến sỹ họp bàn tìm cách tiêu diệt địch.

Thượng tá Phạm Quang Minh, nguyên Chánh Văn phòng Quân khu 3 kể lại: Được nhân dân bảo vệ và che chở, bộ đội ta đã trinh sát tình hình của địch, đêm đến, chiến sỹ ta bí mật cắt hàng thép gai bò vào bốt khóa mìn, đo đạc để lập phương án tác chiến. Đêm ngày 30 rạng sáng ngày 31.1.1954, qua một thời gian dài bao vây, trinh sát và làm công tác địch vận, Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính huyện Phù Cừ đã quyết tâm chỉ đạo phối hợp các lực lượng: Bộ đội chủ lực, dân quân du kích và công tác địch vận để tiến hành đánh bốt La Tiến. Lúc bấy giờ ông Minh là chiến sỹ Đại đội 24 của huyện Phù Cừ, trực tiếp tham gia trận đánh bốt La Tiến. Chỉ  chưa đầy 30 phút, bộ đội ta đã diệt và bắt sống 150 tên, thu nhiều vũ khí của địch, tiêu diệt hoàn toàn bốt La Tiến trong niềm vui mừng phấn khởi của quân và dân ta. Sau chiến thắng giải phóng bốt La Tiến, ông Tuy, ông Thạo, ông Minh và hàng trăm người con của quê hương Nguyên Hoà nói riêng, huyện Phù Cừ nói chung tiếp tục tham gia tòng quân, dân quân hoả tuyến chi viện cho các mặt trận: Điện Biên Phủ, chiến trường miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất non sông. 

Qúa khứ đã khép lại, xã Nguyên Hòa hôm nay với một diện mạo nông thôn mới đã hiện hữu với những công trình trường lớp, nhà văn hóa, trạm y tế khang trang, đường giao thông thôn xóm được trải bê tông sạch đẹp, truyền thống hiếu học được phát huy. Cả xã có trên 10 tiến sỹ và hàng trăm cử nhân nhân đang sống, làm việc và công hiến trí tuệ xây dựng đất nước. Nhưng dù ở nơi đâu, những người con xã Nguyên Hòa nói riêng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên nói chung vẫn ghi lòng tạc dạ, tri ân những người đã hy sinh xương máu để giành lại nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong không khí vui tươi, phấn khởi kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên tổ chức nhiều hoạt động ngay tại Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm cây đa và Đền La Tiến như dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; giao lưu nhân chứng lịch sử, thăm hỏi, tặng quà những gia đình chính sách… 

 

Theo baohungyen

Lượt xem: 5

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân