Bạn đang ở đây

Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

(26.06.2018)

(Website HNDHY) - Họ xuất thân từ khu vực nông thôn, bằng bàn tay, khối óc và ý chí dám nghĩ dám làm, không ngừng học hỏi vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và tham gia thực hiện tốt hoạt động xã hội, trong đó phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội nông dân phát động là một trong những động lực.

Anh Ngô ĐứcThắng sinh năm 1973 trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động). Trăn trở thoát nghèo, năm 2002 anh quyết tâm phát triển kinh tế theo hướng tích tụ ruộng đất và xây dựng mô hình kinh tế trang trại (Nuôi vịt, cá, trồng cây). Được sự cho phép, tạo điều kiện của cấp có thẩm quyền, hiện nay quy mô sản xuất của gia đình anh Thắng có diện tích khoảng  21 mẫu, được quy hoạch nuôi vịt, cá và trồng cây ăn quả các loại, năm 2017 đem lại nguồn thu khoảng 5 tỷ đồng (Đã trừ chi phí); tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên; mỗi năm gia đình anh giúp đỡ 40 hộ nghèo, hộ khó khăn về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, đầu tư con giống cho 12 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó năm 2016 có 5 hộ được giúp đã thoát nghèo. Ngoài ra, anh Thắng còn tích cực hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật và nhận bao tiêu sản phẩm trứng, vịt giống cho 30 hộ chăn nuôi trong xã. Năm 2010, Hội trang trại xã Phạm Ngũ lão được thành lập (Nay là Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão), với vai trò là chi hội trưởng, anh Thắng thường xuyên giúp đỡ 30 hội viên trong chi hội về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho họ, giúp nhau cùng làm giàu... Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền gia đình anh Thắng được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, vinh dự lớn nhất là năm 2017, anh được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Cũng sinh ra từ làng, nhưng anh Phạm Thành Lợi, sinh năm 1987, ở thôn Phúc Miếu, xã Hòa Phong (Mỹ Hào) lại lựa chọn con đường phát triển kinh tế gia đình bằng nghề mộc và nuôi thả cá. Anh cho biết, tự lập nghiệp sau khi xây dựng gia đình, tư liệu sản xuất chỉ là trên 1,2 nghìn mét vuông đất trồng lúa và 3,6 nghìn mét vuông ao thả cá. Trăn trở tìm hướng làm giàu, anh đã theo học nghề mộc, sau 1 năm đã thông thạo đục chạm con giống, cây cảnh, sau đó nhận gia công cho các chủ xưởng trong xã để tích lũy vốn, kinh nghiệm. Tham gia sinh hoạt Hội nông dân, anh được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; Quỹ Hỗ trợ nông dân, cùng với nguồn vốn gia đình tích lũy được, anh mở xưởng, đầu tư máy móc công nghiệp, mua gỗ, thuê công nhân làm việc (chủ yếu là hội viên nông dân); tu sửa ao, mua cá giống có chất lượng về nuôi. Vừa làm vừa tích lũy, tái đầu tư, từng bước mở rộng quy mô, thu hút lao động, đến năm 2016 gia đình anh duy trì quy mô nhà xưởng khoảng 100m2, sử dụng gần 20 lao động thường xuyên mới mức thu nhập bình quân từ 7 - 15 triệu đồng/người (tùy vị trí công việc); mô hình cho thu lãi 620 triệu đồng và đào tạo nghề cho 20 lao động, giúp đỡ 12 hộ nghèo về vốn, kỹ thuật... Kinh tế phát triển, gia đình anh Lợi luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương như: Tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; đóng góp các loại quỹ; tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó... với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng. Ngoài ra gia đình anh còn nhận bảo trợ 2 người già cô đơn không nơi nương tựa ở địa phương với mức bảo trợ 200 nghìn đồng/người/tháng. Mới đây, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và các ngành chức năng, Hợp tác xã mộc mỹ nghệ Hòa Thuận ra đời, anh Phạm Thành lợi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hợp tác xã. Đây là điều kiện tốt để anh tiếp tục phấn đấu vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Với những thành tích đạt được, từ năm 2008 gia đình anh Lợi luôn được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt, năm 2017, anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Đó chỉ là 2 gương mặt tiêu biểu trong số rất nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh. Đồng hành với những thành công đó không thể không nói đến vai trò của các cấp hội nông dân trong tỉnh. Việc tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành động lực, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong nông dân, khuyến khích được nhiều hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, vươn lên làm giàu chính đáng. Giai đoạn 2012-2016, bình quân hàng năm toàn tỉnh có trên 84 nghìn hộ đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có hàng chục nghìn hộ đạt danh hiệu; mỗi năm có trên 1,3 nghìn đến gần 2 nghìn hộ nghèo vượt khó. Trong 5 năm (2012 - 2016) các cấp hội và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp gần 9 nghìn hộ nông dân thoát nghèo với số tiền 5,5 tỷ đồng không tính lãi, cùng hàng chục nghìn cây, con giống các loại và nhiều ngày công lao động.  Giai đoạn 2017-2021, các cấp Hội nông dân xác định tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đóng góp thiết thực vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Thực hiện mục tiêu đó, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào để thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Hội nông dân các cấp tích cực tuyên truyền vận động nông dân tham gia dồn thửa đổi ruộng; phát triển mô hình kinh tế hợp tác, đề cao mối liên kết giữa các hộ sản xuất; tiếp tục tham mưu với cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho nông dân về cơ chế, chính sách, tiếp cận KHKT, nguồn vốn; gắn phong trào với việc đẩy mạnh công tác củng cố, xây dựng tổ chức hội nông dân ngày càng vững mạnh...

Đức Hùng

Lượt xem: 29

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân