Bạn đang ở đây

Những sự kiện nổi bật năm 2019

(06.01.2020)

1. Đồng chí Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và khánh thành tu bổ, tôn tạo đền thờ người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám 

Sáng ngày 14.2.2019 đồng chí Thào Xuân Sùng - UVBCH Trung Ương Đảng, chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã dự lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và khánh thành tu bổ, tôn tạo đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ. Cùng dự có các đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Phóng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và các đồng chí lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.

Việc tu bổ, tôn tạo Đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám để xứng đáng với công lao và tầm vóc của danh nhân là phù hợp với ý Đảng, lòng dân. Theo đó, Đền thờ Hoàng Hoa Thám được xây dựng trên khuôn viên rộng 3.606,5 m2 với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Đây là công trình mang hình thức kiến trúc truyền thống. Đền thờ chính có diện tích 136,3 m2, kết cấu kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian Tiền tế và hậu cung. Nền lát gạch bát, cửa bức bàn, mái lợp ngói mũi hài, các hiện vật, con giống trên mái đắp vữa xi măng, lõi thép, kết cấu móng, tường xây gạch, hệ kết cấu mái bằng gỗ lim. Hai nhà tả vu, hữu vu kiến trúc hình chữ Nhất (-) với 3 gian, 4 hàng chân cột, bố trí 2 bên tả, hữu đền chính, diện tích mỗi bên 70 m2. Nghi môn gồm 3 cổng, 1 cổng chính và 2 cổng phụ theo kiến trúc truyền thống. Ngoài ra còn có 1 loạt các công trình kiến trúc phụ trợ được thiết kế đồng bộ, hòa hợp với không gian, cảnh quan vùng đồng bằng bắc bộ.

Tại lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và khánh thành tu bổ, tôn tạo đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã cúng tiến 1 quả chuông đồng nặng 300kg. Sau lễ cắt băng khánh thành, đồng chí Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã cùng với các đồng chí Lãnh đạo tỉnh đã tiến hành dâng hương tưởng nhớ đến người anh hùng áo vải và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên đền thờ.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị - văn hóa vô cùng to lớn và sâu sắc. Đồng thời, nơi đây cũng là 1 địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng và lòng tự tôn dân tộc cho các thế hệ người dân trong và ngoài tỉnh nói chung và giai cấp nông dân Việt Nam nói riêng.

2. Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã làm việc với Hội Nông dân tỉnh về kết quả 3 năm thực hiện Đề án số 24 - ĐA/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Xây dựng chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp”

Ngày 23.4.2019, Đoàn Khảo sát Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Lương Quốc Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã làm việc với Hội Nông dân tỉnh về kết quả 3 năm thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Xây dựng chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp”; thực trạng giải pháp sinh hoạt cơ sở Hội tại cơ sở. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Vân Anh - UVBTV, Chủ nhiệm UBKT Trung ương Hội, đồng chí Mai Bắc Mỹ - UVBTV, Phó ban phụ trách Ban Hợp tác quốc tế Trung ương Hội; Về phía tỉnh Hưng Yên có đồng chí Trần Thị Tuyết Hương - UVBTV Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 10 huyện, thị, thành Hội và 159 cơ sở Hội/161 xã, phường, thị trấn với 206.954 hội viên nông dân đang sinh hoạt tại 953 chi hội, 1.632 tổ hội. Thực hiện Đề án số 24, Hưng Yên là một trong 10 tỉnh, thành phố được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn là điểm mô hình. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân tỉnh cũng đã chọn những cơ sở Hội có đủ điều kiện để thành lập các chi hội và tổ hội làm điểm và tiến hành rút kinh nghiệm để nhân rộng trong toàn tỉnh. Việc phát triển các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển có hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân, giữ vững quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…Việc thành lập chi hội, tổ hội nghề nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Đây là tiền đề quan trọng để các cấp Hội tổ chức tư vấn, hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Chất lượng cán bộ Hội từng bước được nâng lên, công tác tham mưu, đề xuất của các cấp Hội ngày càng có chất lượng hơn; các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, khai thác các nguồn lực của Hội được tăng cường đã tạo điều kiện cho tổ chức Hội thực hiện các hoạt động. Tổ chức Hội ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm hiện tại, Thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW, toàn tỉnh thành lập mới 11 chi  hội nghề nghiệp với 414 thành viên tham gia, trong đó chi hội nhiều thành viên nhất 95 hội viên, chi hội ít thành viên nhất 15 hội viên và 41 tổ hội nghề nghiệp với 1.125 thành viên tham gia, trong đó tổ hội nhiều thành viên nhất 95 hội viên, tổ hội ít thành viên nhất 5 hội viên. Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập tập trung chủ yếu ở các ngành nghề: Trồng cây ăn quả, cây có múi, trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu, nghề mộc, nuôi cá, chế biến dược liệu, trồng rau an toàn, nghề mộc, làm hương. Nâng tổng số chi hội trong toàn tỉnh hiện nay lên  20 chi hội, 42 tổ hội, trong đó có một số chi hội, tổ hội hoạt động rất hiệu quả như: Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động đã phát triển thành Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp năm 2018; Chi hội trồng cây ăn quả xã Đồng Thanh, huyện Kim Động phát triển thành Hợp tác xã rau, củ quả năm 2018; Tổ hội đồ gỗ mỹ nghệ xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào phát triển thành Hợp tác xã mỹ nghệ Hòa Thuận và Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tùng Lâm; Tổ hội trồng cam xã Tam Đa, huyện Phù Cừ phát triển thành Hợp tác xã nông nghiệp năm 2018; …Các cấp Hội hướng dẫn xây dựng mới các mô hình kinh tế có hiệu quả như: Mô hình trồng hoa chất lượng cao tại xã Xuân Quan của Hợp tác xã Hoa cây cảnh xã Xuân Quan; mô hình sản xuất cây giống xã Đông Ninh, mô hình trồng bưởi xã Tân Dân huyện Khoái Châu; Mô hình cánh đồng mẫu 25 ha gieo cấy lúa BT7 xã Đoàn Đào và mô hình liên kết sản xuất giống lúa các xã Đình Cao, Minh Tân, Tống Phan huyện Phù Cừ; mô hình trồng cam canh xã Việt Cường huyện Yên Mỹ, mô hình máy cày, máy gặt, máy cấy xã HồTùng Mậu huyện Ân Thi…Đến nay các cấp Hội đã tư vấn, hướng dẫn thành lập 38 HTX theo luật HTX mới năm 2012, thành lập 19 tổ hợp tác; tiêu biểu là HTX Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, HTX Nhãn chín muộn Miền Thiết, HTX chanh tứ quý (huyện Khoái Châu), HTX sản xuất và tiêu thụ cam Quảng Châu (TPHY), HTX Rau củ quả và DVNN Vượng Phát (Yên Mỹ), HTX Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Toàn Thắng (Văn Lâm), HTX cây ăn quả xã Đồng Thanh (Kim Động)…

Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội đã ghi nhận và đánh giá cao sự tham mưu triển khai tích cực, chất lượng hiệu quả thực hiện Đề án 24, kết quả trên đã khẳng định được vai trò, vị thế của Hội, giúp nông dân nâng cao thu nhập, phát triển đời sống, góp phần tích cực, hiệu quả cho việc phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều cố gắng trong phát triển hội viên, quản lý hội viên, sinh hoạt chi tổ hội, phát triển quỹ hội, hội phí. Thời gian tới, đồng chí đề nghị Hưng Yên làm tốt công tác tuyên tuyền, làm cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao từ nhận thức đến hành động để tiếp tục thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chi tổ hội nghề nghiệp, tháo gỡ, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện. Quan tâm tuyên truyền vận động phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hội viên, chú trọng đến việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn tuyên truyền với xây dựng mô hình, với tổ chức các hoạt động dịch vụ tư vấn hỗ trợ nông dân, với hoạt động xây dựng, củng cố tổ chức Hội. Và đặc biệt là phải có kế hoạch định hướng nội dung sinh hoạt chi hội cho cơ sở...

Tại Hội nghị Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đồng thời khẳng định, trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp để góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng trang trại, gia trại theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương hội. Vì vậy mong muốn trong thời gian tới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các chi, tổ hội nghề nghiệp, cũng như tổ chức Hội nông dân các cấp, các hội viên nông dân trong tỉnh phát triển vững mạnh.

Trước đó, ngày 22.4.2019 đoàn đã đi khảo sát thực tế tại 12 tổ hội nghề nghiệp xã Xuân Quan huyện Văn Giang và chi hội nghề nghiệp xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động.

3. Tôn vinh 89 nông dân tiêu biểu

Sáng ngày 4.10.2019 Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Hội Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới và biểu dương hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo vượt khó, với sự tham gia của 89 nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Thị tuyết Hương - UVBTV Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

10 năm qua, Các cấp Hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được 1.669 lớp cho 133.043 lượt người dự, phát hành 2.942 cuốn tài liệu, sổ tay tuyên truyền về nông thôn mới; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin truyền thông được 840 chuyên mục; qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức lồng ghép qua 898 hội nghị tuyên truyền.Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 250 buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng nông thôn mới cho 18.000 hội viên nông dân và 21 lớp tập huấn cho trên 1.700 hội viên nông dân về chủ trương tiếp tục dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2013 - 2015 theo tinh thần Chỉ thị số 21của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên. Làm 20 pano tuyên truyền 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đặt tại 20 xã điểm trị giá trên 20 triệu đồng; Phát hành 18 kỳ Bản tin Công tác Hội với số lượng là 1.700 cuốn/kỳ, bình quân có trên 123.000 hộ nông dân đăng ký hộ SXKD giỏi các cấp và cuối năm bình xét có trên 91.000 hộ đạt. Để giúp các hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, các hộ nông dân đã giúp nhau 5,7 tỷ đồng, 25.947 ngày công lao động, hỗ trợ cây con giống trị giá trên 7 tỷ đồng; giúp đỡ 6.886 hộ thoát nghèo. Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tự nguyện đóng góp trên 181.389 triệu đồng, hiến 19.123m2 đất, tham gia 17.410 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới; thâm gia làm mới 381,3 km đường giao thông, sửa chữa 90,47 km kênh mương. Xây dựng được 98 chi hội 3 không; đảm nhiệm trồng, chăm sóc 35,45 km đường hoa. Phối hợp tổ chức 135 lớp tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho 9.450 lượt hội viên, xây dựng 219 mô hình về nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn, 1.976 công trình nước sạch, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; đã có 997 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường được Hội Nông dân chỉ đạo và tổ chức thực hiện, 436 tổ vệ sinh môi trường tự quản của Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả. Tổ chức 253 lớp tuyên truyền về an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm với 17.710 lượt nông dân tham dự. Vận động nông dân hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, có 174.153 hộ đạt gia đình nông dân văn hóa, đạt 91,5%.

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và 10 cá nhân tiêu biểu là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ, hỗ trợ nông dân nghèo khó khăn; Hội Nông dân tỉnh đã tôn vinh 89 nông dân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh  doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo vượt khó và phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hoàng Hằng

4. Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thành lập chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp và tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Ngày 10.6, Tại Hội trường Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thành lập chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp và tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 24-ĐA/HNDTW (Đề án 24) ngày 23.6.2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp. 

Dự hội thảo có đồng chí Phạm Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đồng chí Trần Thị Tuyết Hương - UVBTV Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 206.954 hội viên nông dân đang sinh hoạt tại 952 chi hội, 1.632 tổ hội. Thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW, toàn tỉnh thành lập mới 12chi  hội nghề nghiệp với 556 thành viên tham gia, trong đó chi hội nhiều thành viên nhất 95 hội viên, chi hội ít thành viên nhất 15 hội viên và41 tổ hội nghề nghiệp với 1.125 thành viên tham gia, trong đó tổ hội nhiều thành viên nhất 95 hội viên, tổ hội ít thành viên nhất 5 hội viên.

Tại hội thảo, đã có 7 ý kiến tham luận, trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, các đại biểu dự hội thảo đã đề xuất một số giải pháp để thời gian tới đạt được hiệu quả hơn nữa trong thực hiện Đề án 24; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội nông dân; đa dạng hóa các mô hình để tập hợp, thu hút nông dân tham gia tổ chức hội; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở hội thành lập chi hội, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với từng địa phương, đơn vị; tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các chi hội, tổ hội nghề nghiệp; tổ chức chuyển giao KHKT, đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp với các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo thuận lợi tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ mọi mặt về nguồn lực, KHKT, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để chi hội, tổ hội nghề nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh về thực hiện Đề án 24 về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp, 

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo tiền đề thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn xây dựng mô hình với tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thi đua lao động sản xuất, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hội viên…

5. Hội nghị nghiên cứu, quan triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023

Chiều ngày 10.6, tại hội trường Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quan triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 cho các đại biểu là UVBCH, cán bộ cơ quan Hội Nông dân tỉnh, các đồng chí là Chủ tịch HND cơ sở trong toàn tỉnh.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự và trực tiếp truyền đạt tại hội nghị.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị các đại biểu được nghiên cứu 4 chuyên đề: Xây dựng tổ chức hội và giai cấp nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; Hội Nông dân Việt nam tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; vận động nông dân phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. 

Đây là dịp để cán bộ hội nâng cao phương pháp luận và kỹ năng công tác về vận động quần chúng, hiểu đúng những nhiệm vụ và yêu cầu mà Đại hội VII đã đề ra. Trên cơ sở đó củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, quan điểm, nắm chắc các phương pháp trong quá trình công tác để triển khai tốt công tác Hội và phong trào nông dân tại địa phương, đơn vị mình.

Hoàng Hằng

6. Hội thi nông dân tìm hiểu pháp luật và an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.

Ngày 22.10, tại trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, Hội Nông dân tỉnhHưng Yên đã tổ chức Hội thi nông dân tìm hiểu pháp luật và an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Dự khai mạc hội thi có đồng chí Phạm Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đồng chíTrần Thị Tuyết Hương - UVBTV TW Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh Ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Tham gia hội thi năm nay có 150 thí sinh thuộc 10 đội tuyển đến từ Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố. Các đội trải qua 4 phần thi, gồm: Chào hỏi, giới thiệu về đội tuyển; trả lời các câu hỏi về pháp luật; trình diễn tiểu phẩm và phần thi năng khiếu với nội dung liên quan đến Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Bộ luật Dân sự; Luật Giao thông đường bộ; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật An toàn thực phẩm; Luật Bảo vệ môi trường...và các quy định về xây dựng nông thôn mới. 

Hội thi đã diễn ra trong không khí sôi nổi, hấp dẫn. Các nội dung quy định trong các bộ Luật tưởng như khô khan đó đã trở thành những minh họa, dẫn chứng rất sinh động, cụ thể. Các diễn viên không chuyên đã khéo léo chuyển tải một cách mềm mại, sinh động qua từng câu chuyện, giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ hơn, góp phần đưa pháp luật đến gần với đời sống. Từ đó, giúp hôi viên nông dân nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý tình huống phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Trong phần thi “Chào hỏi”, 10 đội thi đã mang đến 10 bức tranh quê hương sinh động và đa sắc màu, làm nổi bật  được thế mạnh của địa phương; và một vài điểm nhấn trong  công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương; Phần thi kiến thức, các đội lên sân khấu theo thứ tự bốc thăm trả lời câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra với nội dung xoay quanh các bộ luật, đặc biệt là luật an toàn giao thông đường bộ. Ở phần thi “Năng khiếu”, tiểu phẩm, các đội thể hiện kỹ năng tuyên truyền bằng hình thức dân ca, hò vè hoặc kịch nói…các thí sinh tham gia đã hóa thân vào nhân vật, mang đến cho khán giả những tiểu phẩm hay, đa dạng, phong phú là những tình huống thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Những tiểu phẩm tự biên tự diễn với nội dung vừa hài hước, vừa sâu sắc, những tình tiết diễn ra đầy kịch tính, về việc chấp hành và thực thi pháp luật. Qua đây, các thí sinh đãcùng nhau chia sẻ kỹ năng sống; đưa ra thực trạng, đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông ngay tại địa phương… Hội thi giúp hội viên và người dân trong tỉnh nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, xây dựng ý thức văn hóa giao thông nói riêng và ý thức thực thi pháp luật nói chung.

Sau một ngày tranh tài sôi nổi, Ban Giám khảo đánh giá cao sự đầu tư, dàn dựng chương trình chu đáo của các đơn vị, nhiều tiết mục được biên đạo có bài bản, trang phục đẹp, nội dung phù hợp, nhất là việc chọn các nội dung kịch bản hay, phù hợp với chủ đề hội thi.Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đơn vị Hội Nông dân TP Hưng Yên; giải Nhì cho Hội Nông dân huyện Văn Lâm, Hội Nông dân huyện Yên Mỹ, giải ba cho các huyện, thị còn lại và nhiều giải nhánh khác.

Bà Trần Thị Tuyết Hương - UVBTV TW Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh Ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội thi cho biết: “Trong  những năm qua, hội thi đều nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các cấp, các ngành và đông đảo cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh,đâylà hoạt động thiết thực góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức pháp luật của hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện việc thực thi pháp luật nói chung, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong công tác tham gia bảo đảm trật tự ATGT nói riêng. Phấn đấu mỗi một hội thi là một ngày hội mang lại những thông tin bổ ích, thiết thực về pháp luật  cho các cán bộ, hội viên Hội Nông dân trong toàn tỉnh.

7. Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh Hưng Yên: Tăng cường các hoạt động có trọng tâm để hỗ trợ nông dân một cách tối đa.

Chiều ngày 1/8/2019, tại Hội trường nhà làm việc các đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 61 Tỉnh Hưng Yên đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả việc chỉ đạo thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN  trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010- 2020”  6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Đồng chí Phạm Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự Hội nghị có đồng chí Trần Thị Tuyết Hương - Ủy viên BTV Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Bí thư Đảng đoàn, Phó Trưởng ban Thường trựcBan Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố, thị xã trong toàn huyện.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019 Ban Chỉ đạo Đề án 61 tỉnh đã bám sát các nội dung, kế hoạch, tập trung chỉ đạo theo đúng định hướng, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân. Đến thời điểm hiện tại, Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đang quản lý trên 72 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương ủy thác trên 17 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh là trên 44 tỷ đồng; sáu tháng đầunăm nguồn quỹ đã tăng 5,09 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp 5 tỷ đồng, bổ sung từ hoạt động quỹ với số tiền trên 90 triệu đồng; toàn tỉnh đãcó 158/159 cơ sở Hội có quỹ. Song song với đó, các cấp Hội luôn chủ động phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác 858 tỷ 703,01 triệu đồng cho 26.594 hộ nông dân vay vốn; vốn từ ngân hàng NN và PTNT là 857 tỷ 779 triệu đồng cho 141 tổvới 6550 thành viên tham gia. Đây là nguồn lực quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân phát triến sản xuất nâng cao đời sống, xây dựng các mô hình liên kết, giải quyết việc làm cholao động địa phương,góp phần tích cực vào việc tham gia xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh. Bên cạnh đó, Hội đã tăng cường, chủ động phối hợp được 431 lớp chuyển giao KHKT cho 38.682 hội viên, thực hiện cung ứng được trên 1.500 tấn NPK chuyên dùng theo hình thức trả chậm cho hội viên trị giá trên 12 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn xây dựng mới 5 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác, 1 chi hội nghề nghiệp, 1 tổ hội nghề nghiệp, tham gia xây dựng 12 mô hình kinh tế tập thể. Nâng tổng số chi hội nghề nghiệp là 20 chi hội, 42 tổ hội, thành lập mới 19 tổ hợp tác, 38 hợp tác xã. Tham gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 8,57 tỷ đồng và hơn 17,4 nghìn ngày công lao động; phối hợp giúp đỡ 694 hộ thoát nghèo. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh Phạm Thị Tuyến đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực trong thực hiện KL 61, QĐ 673, nhất là sự nỗ lực, tích cực, chủ động vào cuộc của các cấp Hội NDVN trong tỉnh. Đồng chí cũng yêu cầu các cấp hội cần chủ động, tích cực nắm bắt, thu thập, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của hội viên từ đó chủ động tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư (về Đề án 61), Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục thực hiện huy động nguồn lực từ các cấp, ngành hỗ trợ nông dân về giống, vốn, kỹ thuật... để phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án 61;  Đồng thờinhấn mạnh một số nội dung các thành viên ban chỉ đạo cần tập trung thực hiện trong thời gian tới: Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành các chính sách phù hợp để hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức hội nông dân; kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 61 các cấp (huyện, xã); hỗ trợ, cấp ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân để các cấp Hội Nông dân chú trọng đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã. Hội Nông dân các cấp cần tăng cường các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, đặt ra mục tiêu cụ thể, hỗ trợ nông dân một cách tối đa. Xây dựng, rà soát, bổ sung các chương trình, đề án nhằm thực hiện có hiệu quả việc phát huy vai trò, trách nhiệm của hội nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; duy trì sự phối hợp giữa hội nông dân với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ban, ngành liên quan. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của hội nông dân các cấp trong xây dựng nông thôn mới và giai cấp nông dân...

8. Hưng Yên đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 24 - ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp.

Ngày 20/6/2019 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên đồng chí Thào Xuân Sùng - UVBCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chủ trì  Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 24 - ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp.Cùng dự có các đồng chí là Phó chủ tịch BCH Trung ương Hội, các đồng chí trong Ban Thường vụ, UVBCH Trung ương Hội và đại biểu của Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về phía tỉnh Hưng Yên có đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Phạm Thị Tuyến - UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo HND các huyện thành phố, thị xã, đại diện các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp trong tỉnh.

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ giới thiệu khái quát về tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời đồng chí khẳng định, việc thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp là điều kiện thuận lợi để các hội viên, nông dân được tiếp cận và nắm chắc kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả cao; tăng cường mối liên kết trong sản xuất, xây dựng nhãn hiệu... Chi, tổ hội nghề nghiệp là mô hình tiên tiến, thu hút, tập hợp nông dân vào hội để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc xây dựng, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân; là hướng đi đúng trong đổi mới mội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân các cấp. Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp cùng với mô hình hợp tác xã kiểu mới là bằng chứng sinh động cho thấy các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể... thực sự đi vào cuộc sống. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn Hưng Yên đăng cai tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 24 là cơ hội tốt để Hội Nông dân tỉnh và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, góp phần làm tốt, củng cố, phát huy hơn nữa vị thế, vai trò đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân. Đồng thời, qua đây cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh có dịp được lắng nghe những ý kiến hay, cách làm sáng tạo ở từng cấp hội, góp phần cho công tác lãnh đạo chung của tỉnh về kinh tế hợp tác thông qua mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp và hợp tác xã.

Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng hội viên vừa phải, quy chế hoạt động chặt chẽ, nội dung sinh hoạt phù hợp, thiết thực, bổ ích đảm bảo 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi đã giúp cho việc tổ chức sinh hoạt được dễ dàng. Sau 3 năm thực hiện Đề án, đã có 683 chi hội nghề nghiệp được thành lập với 28.978 hội viên nông dân tham gia (bình quân 11 chi/tỉnh, thành - vượt chỉ tiêu rất cao so với chỉ tiêu của Đề án); trong đó trồng trọt 314 chi hội; chăn nuôi, khai thác nuôi trồng thủy sản 179 chi hội, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác 190 chi hội. Bình quân mỗi chi hội có từ 40 - 50 hội viên, chi hội nhiều hội viên nhất 287 hội viên (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), chi hội ít hội viên nhất 07 hội viên (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Và 14.812 tổ hội nghề nghiệp được thành lập với 166.477 hội viên tham gia (bình quân 235 tổ/tỉnh, thành vượt rất cao so với chỉ tiêu của đề án), trong đó trồng trọt có 9.577 tổ; chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản 3.490 tổ; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ khác 1.724 tổ. Bình quân 11 hội viên/tổ. Thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm;Thực hiện được chuỗi khép kín từ tạo vốn, cung ứng vật tư, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đã có 6.853 nhóm hộ nông dân và 28.398 hội viên nông dân được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số tiền là 688,943 tỷ đồng; 57.736 hộ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng số tiền là 799,397 tỷ đồng, 276.573 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền là 3.300,863 tỷ đồng. Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản...Trên nền tảng từ các tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã có 206 hợp tác xã, 1.690 tổ hợp tác được thành lập ...Qua 3 năm triển khai thực hiện, về cơ bản đã thực hiện được các chỉ tiêu, nội dung, yêu cầu của Đề án đặt ra. Tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã gợi ý 6 điểm để các đại biểu chia tổ thảo luận; Tại các trung tâm thảo luận đã có hơn 20 ý kiến tham gia, phân tích và góp ý nhằm làm rõ hơn những nhiệm vụ giải pháp và phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Thào Xuân Sùng – UVBCH Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương HNDVN đã nhấn mạnh: Trong thời gian tới tình hình kinh tế, xã hội nước ta dự báo sẽ phát triển nhanh và có hướng đi bền vững, Việc tập trung tích tụ ruộng đất dự báo được triển khai mạnh mẽ; Cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp trở thành xu hướng mới. Hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn nên đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp phải vươn lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời khẳng định tiếp tục đẩy mạnh và phát triển mạnh mẽ mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp trong toàn hệ thống Hội, trọng tâm là mô hình tổ hội nghề nghiệp theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác nông vận, vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại theo tinh thần nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam đã đề ra. Tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm thực hiện Đề án 461 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, trong đó trọng tâm là thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

9. Giải bóng chuyền "Bông lúa vàng" tỉnh Hưng Yên năm 2019

Sáng ngày 11.10, tại Nhà thi đấu tỉnh Hưng Yên, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Giải bóng chuyền "Bông lúa vàng" tỉnh năm 2019. Đồng chí Trần Thị Tuyết Hương - UVBTV Trung ương Hội Nông dân Việt  Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch HND tỉnh dự và chỉ đạo.

Giải đấu thu hút 120 vận động viên đến từ Hội Nông dân 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các đội chia làm 3 bảng, ở các trận đấu các đội đã cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp mắt với sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên. Kết thúc giải đấu Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho Hội Nông dân huyện Yên Mỹ, giải nhì cho Hội Nông dân huyện Mỹ Hào, giải ba cho Hội Nông dân huyện Văn Giang và Kim Động.

Giải bóng chuyền “Bông lúa vàng” là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14.10.1930 - 14.10.2019), đồng thời cũng là dịp để các hội viên nông dân trong toàn tỉnh có cơ hội giao lưu, học hỏi; đồngthời tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao góp phần tăng cường sức khỏe, tạo sân chơi lành mạnh cho nông dân, từ đó tạo ra kí thế để nông dân ra sức thi đua, sáng tạo trong lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi mục tiêu công tác Hội đã đề ra.

Ban biên tâp

Lượt xem: 17

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân