Bạn đang ở đây

Thăm Nhà thờ Tiến sĩ ở Hưng Yên

(19.05.2016)

(Website HNDHY) - Nhà thờ Tiến sĩ tọa lạc ở làng Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Đây là di tích khá đặc biệt của Hưng Yên cũng như cả nước. 

Nhà thờ Tiến sĩ là nơi phối thờ những người con dòng họ Lê Hữu đã góp phần làm rạng danh quê hương và là một di tích nho giáo tiêu biểu của làng Liêu Xá nói riêng và của Hưng Yên nói chung. 

Dòng họ Lê Hữu dưới thời phòng kiến có 7 người đỗ tiến sĩ. Người khai khoa và  tấm gương ngời sáng cho con cháu dòng họ là Hoàng giáp Lê Hữu Danh. 3 người con trai ông là Lê Hữu Kiều, Lê Hữu Mưu, Lê Hữu Hỉ đều đỗ tiến sĩ và con rể ông là bảng nhãn Lê Quý Đôn hiện nay còn lưu danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đặc biệt, trong đó Lê Hữu Mưu là thân phụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, vị Đại danh y làm rạng rỡ nền y học cổ truyền Việt Nam. 

Trong thời kỳ phong kiến, những người đỗ đại khoa (từ tiến sĩ trở lên) không chỉ là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, mà còn là vinh dự chung của xóm làng, của vùng đất quê hương những người con tài giỏi ấy. Không những thế, họ là những nhân tài mà các bậc minh quân luôn mong đợi. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục cho biết về 5 ân điển mà nhà Lê Trung hưng ban cho các tân tiến sĩ. Trong đó có ân điển “dân làng trước hết phải dựng phủ đệ cho tiến sĩ”. 

Các vị đại khoa của dòng họ Lê Hữu không chỉ có phủ đệ riêng mà còn quy tụ thành một nhà Tiến sĩ, mà nhà thờ Tiến sĩ vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay là một bằng chứng xác thực. Tại cổng Nhà thờ Tiến sĩ  có bức đai tự  “Tiến sĩ môn” (Cổng Tiến sĩ). Trải qua thời gian từ khi xây dựng đến nay, di tích vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo trên vùng đất có truyền thống khoa bảng.

Nằm ở xóm Văn Xá, trung tâm của thôn Liêu Xá, gần nhà thờ Đại tôn Lê Hữu, theo gia phả dòng họ Lê Hữu, Nhà thờ Tiến sĩ được dựng từ nửa cuối thế kỷ XVII và đã được tu sửa nhiều lần. Đến khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được sự giúp đỡ của nhân dân làng Bát Tràng, Nhà thờ Tiến sĩ trở nên khang trang, bề thế hơn. Nhà thờ Tiến sĩ được thiết kế theo kiểu chữ nhị, gồm có 3 gian tiền tế và 3 gian hậu cung được làm bằng gỗ lim, nhìn về hướng Tây Nam, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng hơn 100m2.

Cổng Nhà thờ Tiến sĩ còn có đôi câu đối ca ngợi Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác:

Hiển đạt Đông y danh quốc sử

Lưu truyền Nam dược tế dân sinh

(Làm rạng rỡ khoa thuốc phương Đông để tên tuổi trong quốc sử

Lưu truyền lại ngành thuốc Nam cứu độ cuộc sống nhân dân.)

Theo gia phả của dòng họ, trước đây, khi chưa có Nhà Tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, địa phương đã dùng 3 gian tiền tế của Nhà thờ Tiến sĩ để làm nơi trưng bày về thân thế và sự nghiệp của Đại danh y. Sau này, khi chuyển toàn bộ phần trưng bày này ra Nhà tưởng niệm, câu đối vẫn giữ nguyên tại cổng Nhà thờ Tiến sĩ.

3 gian tiền tế được tạo tác theo lối kiến trúc chồng rường đấu sen, hầu hết các mảng ván gió, vì, đầu bẩy... đều để trơn, không trang trí họa tiết hoa văn. Sự giản dị trong kiến trúc của Nhà thờ Tiến sĩ khiến người đời sau thêm kính trọng dòng họ khoa bảng, thanh liêm. Đặc điểm này cũng tương đồng với các di tích khác của dòng họ Lê Hữu trên đất Liêu Xá, vốn hầu hết đều có kiến trúc đơn giản, không chạm trổ cầu kỳ.

Gian tiền tế đặt một bức hoành phi nói về sự phát triển liên tục của dòng họ Lê Hữu. Tại đây còn lưu giữ một đôi câu đối do chính Lê Hữu Kiều bái ký nhằm ca ngợi sự “mở mang đạo học, gây dựng văn minh” của dòng họ Lê Hữu đối với vùng đất Liêu Xá. 

Giống như tiền tế, ba gian hậu cung cũng được làm bằng gỗ lim và chủ yếu là bào trơn đóng bén, không chạm khắc. Đây là nơi đặt ban thờ, chính giữa là ngai và tượng cụ Lê Hữu Mưu, bên tả là ngai cụ Lê Hữu Dụ, bên hữu là ngai và tượng cụ Lê Hữu Kiển.

Ở hậu cung Nhà thờ Tiến sĩ có đôi câu đối khẳng định công lao, đóng góp của những nhà đại khoa họ Lê Hữu không những được “để tên tuổi” trong sử sách, được người đời kính trọng mà còn được hương khói phụng thờ ngàn thu, vun đắp tiếng thơm lưu truyền :

Vạn cổ huân lao triều quận trọng

Thiên thu hương hỏa miếu đường long

(Công lao to lớn muôn đời được coi trọng trong triều ngoài quận

Hương khói ngàn thu vẫn rực rỡ ở miếu đường).

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên, Nhà thờ Tiến sĩ còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị không chỉ đối với việc nghiên cứu về dòng họ Lê Hữu mà còn góp phần tìm hiểu về phong cách của nghệ thuật tạo hình thế kỷ XVIII.

Đáng chú ý nhất là tấm bia: Lê triều Lê Tướng công mộ chí (Bia mộ chí của Lê Tướng công triều Lê). Đây là tấm bia hình trụ, khắc 4 mặt, đặt bên tả Nhà thờ Tiến sĩ. Bia cao 74cm, mặt tiền rộng 38cm, hai mặt bên rộng 31cm, chữ khắc chân phương và còn rất rõ. Bia được tạo dựng năm 1738, do người cháu tiến sĩ họ Dương chấp bút, nội dung ghi lại một thời gian khổ, quyết chí học tập của các vị đại khoa họ Lê Hữu. Tấm bia bốn mặt đã ôn lại truyền thống hiếu học của một gia đình quan tướng, nhà văn, sống đông vui, hòa hợp; mọi thành viên có hướng đi lập thân lập nghiệp riêng cho mình,  góp sức làm vững bền gia thế, rạng rỡ quê hương.

Hiện nay ở Liêu Xá, chỉ tính riêng các di tích của dòng họ Lê Hữu đã có hơn chục địa điểm, bao gồm: Nhà thờ Ðại tôn Lê Hữu, Tiến sĩ môn, Nhà tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhà thờ Hoàng giáp Lê Hữu Danh, miếu thờ Lê Hữu Hỷ, từ vũ Quận công Lễ Hữu Kiều, khu mộ tổ họ Lê Hữu… tất cả tạo thành một quần thể di tích phong phú và đa dạng. Ngày nay, Nhà thờ Tiến sĩ  trở thành nơi giáo dục về truyền thống hiếu học cho các thế hệ trẻ trong dòng họ Lê Hữu cũng như nhân dân địa phương.

 

Theobaohungyen

Lượt xem: 10

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân