Bạn đang ở đây

Thành công từ mô hình trồng cam ở Quảng Châu

(04.12.2017)

(Website HNDHY) - Theo chân hội viên Hợp tác xã cam Quảng Châu, chúng tôi tìm đến gia đình hội viên Dương Xuân Dũng (Thôn 1, xã Quảng Châu, Tp. Hưng Yên), trên đường đi chúng tôi bị thu hút bởi  những chùm cam vinh quả to, tròn, vàng rượm đung đưa dưới ánh nắng, hứa hẹn một vụ cam bội thu.

Dẫn chúng tôi đi tham quan 1,5 mẫu đất vườn trồng cam vinh và cam đường canh, ông Dũng chia sẻ: Trước đây tôi làm nghề buôn bán hoa quả, phải đi từ sáng sớm sang các tỉnh bên cạnh để mua hoa quả về chợ Quảng Châu bán, xong thấy mình ngày càng có tuổi không phù hợp với việc buôn bán nữa nên tôi dùng hết tiền tích lũy để mua đất đầu tư làm vườn, mọi người trong nhà phải đối ghê lắm, nhưng mình nghĩ thôi thì cứ làm mấy sào vườn, trồng ít cây ăn quả, vất vả vài năm đầu, ngoài ra còn có thời gian dành cho gia đình và để ý đến con cái đang tuổi trưởng thành. Hiện vườn cam của tôi là 1,5 mẫu, trong đó có 8 sào cam canh và 7 sào cam vinh tương đương với khoảng gần 1000 cây.

Được chiêm ngưỡng những cành Cam sai trĩu đợi ngày thu hoạch, chúng tôi như được hòa chung niềm vui với  ông Dũng về một vụ Cam bội thu. Đây là cả một quá trình tìm tòi, học hỏi của một người nông dân yêu đất, yêu làng. Để có được vườn cam đẹp như hiện nay, ngoài tìm hiểu kỹ thuật trên sách báo, ti vi, mạng Internet, ông còn tìm đến nhiều mô hình trồng cam ở những địa phương lân cận là nơi đang phát triển cây cam làm thế mạnh để học tập và tích lũy kinh nghiệm áp dụng tại vườn nhà, do đó những cây cam của gia đình luôn phát triển tốt, được thị trường đón nhận, cây cho nhiều quả và đạt chất lượng về độ ngọt.

Ông Dũng chia sẻ: Cây cam Vinh yêu cầu người trồng phải chăm sóc thường xuyên do rất rễ bị thoái hóa bị thoái hóa và nhiễm bệnh, chăm sóc thật đúng khoa học kỹ thuật ngoài ra phải thường xuyên cho bón phân đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây bao gồm nguyên tố đa lượng (N, P, K, Ca), các nguyên tố vi lượng (Bo, Cu, Zn, Mn, Mg…), tưới nước đủ để cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh hại, hàng năm cần bón bổ sung 30- 40kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ trên một gốc cây kết hợp với bón phân hoá học và phải đào rãnh sâu 25-30cm theo tán cây, bón rồi lấp đất lại và tưới nước, Cây cam vinh hay mắc bệnh sâu vẽ bùa, loại sâu này phá hoại mạnh nhất là từ tháng 2 đến tháng 10 năm sau. Khi xuất hiện sâu thì phun thuốc để diệt sâu mới có hiệu quả và phải phun ướt hết mặt lá và những người trồng cam như chúng tôi sợ nhất là gặp phải bệnh gân xanh lá vàng, gặp phải bệnh này thì cây khó mà giữ được, ngoài ra thì xử lý kỹ thuật  cũng phải rất thận trọng. Người làm vườn cần phải thật kiên trì, tỷ mỷ, rút được kinh nghiệm từ các vụ trồng trước, và tuyệt đối áp dụng đúng KHKT để chăm sóc cây thì mới mong cây nó đền đáp lại công sức mình bằng những trái ngọt.

Với giá bình quân cam đường canh bán tại vườn trên 50.000đ/kg, cam vinh bán từ 25.000 đến 30.0000đ/kg, năm 2016 từ vườn cam đường canh và cam vinh gia đình ông thu gần hơn 200 triệu đồng. Năm 2017 với giá bán như hiện nay, vườn cam của ông Dũng dự kiến thu khoảng 300 triệu đồng.

Ngoài ra, ông còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho các hộ gia đình khác trên địa bàn thôn, xã và một số địa phương lân cận, Ngoài ra, từ việc trồng cam của gia đình, mỗi năm gia đình còn tạo công ăn việc làm theo mùa vụ cho khoảng 3 đến 5 lao động nông thôn với thu nhập 250.000đ/ngày.

Có thể nói, với sự cần cù, chịu khó, biết áp dụng kỹ thuật và mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Dương Xuân Dũng đã xây dựng được mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao cho gia đình và làm giàu cho quê hương từ trồng Cam. Đây là mô hình đáng được nhân rộng để mọi người học tập và làm theo./.

 

Hồng Yến

Lượt xem: 8

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân