Bạn đang ở đây

Thu nhập 500 triệu đồng/ năm từ cây cam

(02.12.2019)

(Website HNDHY) - Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, những năm gần đây, đời sống kinh tế của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tam Đa,huyện Phù Cừ  đã trở lên khá giả. Với hơn 2 mẫu cam cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/ năm, mô hình trồng cây cam Vinh của gia đình anh Trần Quang Vinh là một trong những mô hình tiêu biểu đó.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn cam sai trĩu quả đang thu hoạch, anh Vinh phấn khởi chia sẻ: Qua xem sách báo, ti vi và vài lần đi tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh, nhận thấy cây cam là loại cây có giá trị kinh tế cao, nếu biết áp dụng KHKT vào trồng, chăm sóc, đây là loại cây làm giàu cho gia đình. Anh quyết định thầu đất công điền, vay vốn ngân hàng để bắt tay vào cải tạo, chuyển đổi 2 mẫu ruộng   sang trồng cây cam Vinh và cam đường canh. Năm 2018,

Do được đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, vườn cam của gia đình cho thu năng suất cao, cam quả to, ngọt đậm, mẫu mã đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng, được các thương lái đến tận vườn thu mua, số còn lại được gia đình đem ra chợ bán. Năm 2018, anh thu được 30 tấn cam với giá bán bình quân từ 25.000 đ – 30.000 đ/ 1kg, trừ chi phí anh thu lãi hơn 500 triệu đồng. Thời tiết năm 2019 bất thuận nhưng với kỹ thuật xử lý kịp thời nên vườn cam của gia đình anh cũng không bị ảnh hưởng, dự kiến vụ cam năm 2019 gia đình anh thu hơn 30 tấn cam, với giá bán hiện tại là 25.000 đ/ 1 kg cho thu lãi gần 600 triệu đồng.

Toàn bộ vườn cam của gia đình anh thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình chăm sóc cây, anh Vinh đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng cam thân thiện với môi trường, như chỉ dùng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng, các loại thuốc vi sinh, thảo mộc để phòng trừ bệnh cho cây… Đặc biệt, nguyên tắc thu hoạch cam sau 2 tháng cách ly thuốc bảo vệ thực vật được anh thực hiện nghiêm túc để cam luôn đảm bảo an toàn. chính vì thế, mặc dù cam Vinh được bày bán rất nhiều trên thị trường, nhưng người dân trong vùng vẫn tin tưởng và thích mua cam của gia đình anh để đảm bảo về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau khi thu hoạch xong toàn bộ quả thì tiến hành cắt tỉa vệ sinh vườn cây; cuốc rãnh vòng quanh tán cây, phơi đất và để rễ cây mọc mô sẹo rồi bón phân vào rãnh, lấp đất, tiến hành chăm sóc cây và phun thuốc. Đối với cây cam Vinh cần đặc biệt chú ý việc phòng trừ sâu bệnh gây hại như: Bệnh thán thư, sâu đục gốc, sâu vẽ bùa, nhện và côn trùng trích hút... tiến hành phun thuốc khi phát hiện thấy có triệu chứng gây hại – anh vinh chia sẻ.

Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh Vinh còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho các hộ gia đình khác trên địa bàn thôn, xã. Theo kinh nghiệm của anh, sau khi thu hoạch tỉa cành tạo tán, bón phân phục hồi chủ yếu là phân vi sinh. Sau Tết Nguyên đán tưới nước mạnh để lấy hoa. Cuối tháng 1 âm lịch khi cây ra hoa cần tập trung phòng trừ sâu bệnh hại. Khi đậu quả non là giai đoạn quan trọng phải dùng thuốc BVTV để chăm sóc, cần dùng nước tưới. Khi quả non được 2 tháng thì bón thúc quả non, Khi quả kích thước bằng chén nước thì phun thuốc BVTV để phòng bệnh ghẻ cho quả. Hạn chế sử dụng phân hoá học vì làm ảnh hưởng đến môi trường và làm hỏng đất. Ngoài lao động chính của gia đình trực tiếp làm, mỗi năm, gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động nông thôn; 5 – 7 lao động thời vụ với thu nhập bình quân  5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Đa cho biết:  Anh Vinh là một nông dân cần cù, chịu khó và ham học hỏi, sáng tạo trong sản xuất, biết vận dụng kinh nghiệm, kết hợp những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cam của gia đình anh đạt năng suất và chất lượng cao. Ngoài ra, hàng năm anh   cung ứng vật tư nông nghiệp và gần 50 tấn   phân bón cho hội viên nông dân vay trả chậm, giúp hội viên phát triển sản xuất. Anh là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương.

Lượt xem: 15

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân