Bạn đang ở đây

Thủy đậu vào mùa

(21.03.2018)

(Website HNDHY) - Dù mới vào mùa, nhưng số trẻ mắc bệnh thủy đậu đã gia tăng nhanh chóng, trong đó số trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cũng tăng hơn so với cùng kỳ. Các chuyên gia cảnh báo, tuy là bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu bệnh nhân thủy đậu bị kèm các bệnh suy giảm miễn dịch thì có thể có biến chứng viêm phổi nặng thậm chí tử vong.

Số trẻ mắc tăng nhanh

Theo Cục Y tế dự phòng, trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 người mắc dịch bệnh thủy đậu, tăng gần 50% so với năm 2016. Đặc biệt từ đầu năm 2018 tới nay, mới hơn 2 tháng đầu năm nhưng số người mắc thủy đậu đã có chiều hướng tăng cao, với khoảng 3.000 người mắc/tháng. Với thời tiết chuyển mùa như hiện nay, nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo dịch bệnh thủy đậu đang vào giai đoạn cao điểm.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 40 trẻ nhập viện do bị thủy đậu, trong đó có nhiều trẻ sơ sinh. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh thủy đậu bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài đến tháng 5. Năm nay dù mới vào đầu mùa nhưng số trẻ mắc bệnh đã gia tăng so với năm trước và tỷ lệ trẻ nhỏ tuổi cũng gia tăng hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do lây từ người lớn như ba mẹ, anh chị; có những gia đình bị lây kéo dài đến hết mùa dịch. 

Miền Bắc cũng đang bắt đầu vào mùa thủy đậu với các ca mắc tăng nhanh. Số bệnh nhân bắt đầu có xu hướng tăng từ tháng 1. Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường - trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, những ngày vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân là người lớn mắc bệnh thủy đậu. Đặc biệt có tới hàng chục ca bị biến chứng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não… Các ca có biến chứng viêm phổi, viêm não nguy cơ tử vong cao.

Theo bác sĩ Cường, trong số các ca nặng đang điều trị tại khoa, đáng chú ý nhất là một bệnh nhân 27 tuổi, ở Tuyên Quang, có tiền sử lupus ban đỏ đã điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân này được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm vào đầu tháng 3 trong tình trạng sốt cao, xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay và thân mình. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã chuyển sang suy kiệt, khó thở. Qua các chẩn đoán, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống với hoại tử đầu chi, sức khỏe ngày càng suy kiệt... 

Không nên chủ quan

Theo các bác sĩ, thủy đậu gặp nhiều hơn ở trẻ em, nhưng người lớn chưa có miễn dịch cũng có thể bị lây bệnh và biểu hiện bệnh cũng nặng hơn ở trẻ em. Khi bị thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 - 10 ngày. 

Trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca bệnh, tăng gần 50% so với năm 2016. Đa số trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều tự khỏi nhưng vẫn có một số trường hợp gây ra biến chứng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ em. Biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng tại các nốt đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não...

Các bác sĩ cho biết, thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra với những đối tượng có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện, điển hình nhất là trẻ nhỏ, người già và phụ nữ đang mang thai. Nguy hiểm hơn khi trẻ chưa đầy tháng tuổi đã mắc bệnh thủy đậu, bởi lúc đó miễn dịch trong mẹ chưa truyền cho con được, trong khi đó con hoàn toàn chưa có miễn dịch mà tiếp xúc ngay với vi rút thủy đậu sẽ bị tấn công rất nặng.

Virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu có thể tồn tại vài ngày trong không khí. Do đó, khi một người trong gia đình mắc bệnh, các thành viên còn lại cũng cần cách ly bởi bệnh lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp (do hít phải chất dịch chứa virus khi người bệnh ho, nói chuyện…), qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Tỷ lệ lây truyền thủy đậu giữa các anh em cùng nhà có thể lên đến 87%, cao hơn cả các bệnh nhân nằm cùng khoa, cùng phòng trong bệnh viện (70%).

Nếu bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chăm sóc tại nhà thì các bậc phụ huynh cần lưu ý cần bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Phụ nữ mang thai cần tránh tuyệt đối với người bệnh.

Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa bằng vắcxin, do vậy, các bác sĩ khuyến cáo cả người lớn và trẻ em chưa mắc thủy đậu nên đến Trung tâm y tế dự phòng tiêm vắcxin để giảm nguy cơ bị lây nhiễm bệnh này. Hơn 90% người đã tiêm phòng sẽ tránh được hoàn toàn. Khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), thường không gặp biến chứng.    

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bộ Y tế khuyến cáo, đối với bệnh thủy đậu, việc tiêm vaccine đầy đủ là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho bản thân và cộng đồng. Phụ nữ nên tiêm vaccine phòng bệnh trước khi có thai và lưu ý không được tiêm khi đã mang thai. Trẻ từ 1 đến 12 tuổi, chỉ cần một liều vaccine là đủ giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Người 13 tuổi trở lên cần được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần.

 

 

Theo Đại đoàn kết

Lượt xem: 1 lần xem

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân