Bạn đang ở đây

Tổ bồ câu Pháp được làm từ rổ nhựa, giấy phế thải

(06.05.2016)

(Website HNDHY) -  Gia đình bà Phan Thị Oanh (55 tuổi, trú phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn, Bình Định) chọn cách lạ lùng chẳng giống ai: Dùng rổ nhựa, giấy phế thải… để làm tổ cho đàn bồ câu Pháp.

Bà Oanh cho biết: “Hiện tại, gia trại nuôi bồ câu Pháp của gia đình tôi có gần 300 con đang đẻ, ấp với gần 600 trứng (2 trứng/ con).  Để lót tổ cho bồ câu, tôi mua rổ nhựa loại nhỏ tại chợ với giá gần 5.000 đồng/ chiếc, sau đó nhặt giấy phế thải (bìa thùng bia, giấy cứng) rồi cắt thành hình tròn, lót dưới đáy rổ và đặt vòng nhựa đè lên giấy”.

Theo bà Oanh, bồ câu Pháp nuôi chừng 4 tháng là có thể đẻ trứng nếu chậm hơn thì chỉ khoảng chừng 6 tháng.

 “Khi lót tổ bằng rổ, nếu không có vòng nhựa đè lên giấy thì chim bồ câu sẽ mang giấy bỏ ra ngoài, khiến rơi rớt trứng. Để tránh chiếm diện tích, sau khi ấp xong, tôi lấy vòng nhựa ra khỏi tổ để có chỗ cho đàn bồ câu con nằm”- bà Oanh chia sẻ.

Khi ấp xong, khoảng 30 ngày sau bồ câu mẹ tiếp tục đẻ lứa trứng tiếp theo. Chúng vừa đẻ, ấp trứng và thực hiện nhiệm vụ nuôi con.

Lúc trước, gia đình bà Oanh dùng tổ bằng gỗ và lót rơm nhưng chim bồ câu ấp trứng không đạt. Vì vậy, hơn 1 năm trở lại đây, bà mới nghĩ ra cách làm tổ bằng rổ nhựa.

 “Tổ bằng rổ nhựa rất thông thoáng nên không có kiến, rận… bò vào phá trứng. Vả lại, khi lót tổ rơm thì rất tốn công, tốn kinh phí, rổ nhựa thì các thao tác rất nhanh chóng, đơn giản và chi phí không quá 5.000 đồng/ rổ. Đặc biệt, cho bồ câu ấp trong rổ nhựa tỷ lệ trứng nở hiệu quả hơn tổ rơm rất nhiều do môi trường, không gian thông thoáng và hạn chế bị côn trùng tấn công”- bà Oanh cho hay.

Sau khi nuôi 1 tháng, gia đình bà Oanh bán ra thị trường 1 cặp bồ câu thịt với giá khoảng 70.000 đồng.

Hiện tại, gia trại của bà Oanh có hơn 300 cặp bồ câu Pháp, và trong tương lai gần sẽ lên tới 1.000 cặp.

 

Theo danviet.vn

Lượt xem: 12

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân