Bạn đang ở đây

Tránh ở nơi ô nhiễm để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

(28.07.2015)

(Website HNDHY) - Người bệnh tim mạch có thể tránh đến các khu vực bị ô nhiễm không khí; có thể đóng cửa sổ khi ô nhiễm cao và dùng điều hòa. Nên có kế hoạch tham gia các hoạt động ngoài trời khi ô nhiễm không khí thấp như: đạp xe, đi bộ, tập thể dục thể thao... Dừng những hoạt động ngoài trời nếu bạn thấy mức ô nhiễm không khí là cao.

Theo TS.BS. Phạm Như Hùng, Viện Tim mạch Quốc gia, giảm nguy cơ bao gồm lựa chọn một cuộc sống khỏe mạnh (như ngừng hút thuốc lá, điều trị tăng huyết áp và mỡ máu). Tránh những vùng, những nơi có nhiều ô nhiễm

Về mặt nào đó, nguy cơ ô nhiễm cao sẽ ở những đường phố nhiều xe cộ đi lại, vào những giờ tan tầm, ở gần nhà máy hoặc gần những vụ cháy. Với những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao nên tránh những vùng này.

Một số người đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp nhưng cách làm này không được chứng minh sẽ giúp bảo vệ được nguy cơ ô nhiễm. Các khẩu trang thông thường không thể ngăn cản được các mảnh PM 2,5 nhỏ. Tuy nhiên, ở chỗ đông người, nơi ô nhiễm cao hoặc đang gần đám cháy, việc dùng khẩu trang lúc này là cần thiết.

Người bệnh tim mạch có thể tránh đến các khu vực bị ô nhiễm không khí thông qua các bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình hoặc đài báo. Tránh tập thể dục ở những đường phố đông đúc và ở thời điểm mà mức độ ô nhiễm cao. Có thể đóng cửa sổ khi ô nhiễm cao và dùng điều hòa. 

Nên có kế hoạch tham gia các hoạt động ngoài trời khi ô nhiễm không khí thấp như: đạp xe, đi bộ, tập thể dục thể thao... Dừng những hoạt động ngoài trời nếu bạn thấy mức ô nhiễm không khí là cao.

Có những điều tưởng chừng rất đơn giản trong cuộc sống nhưng lại có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch rất hiệu quả bằng 5 bước đơn giản dưới đây.

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả và cá: Các chất dinh duỡng có trong các loại rau xanh vô cùng phong phú. Các chất chống oxy hóa trong chúng giúp tăng cường sức khoẻ cho hệ tim mạch. Chất chống oxy hoá làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ khả năng chống viêm của chúng đối với cac mạch máu. Đồng thời, chúng giúp loại bỏ sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Những loại trái cây và rau quả, chẳng hạn như cam, chuối và nấm cũng có rất nhiều kali giúp điều hoà huyết áp. 

Các bác sĩ khuyến nghị bạn nên ăn 5-9 phần ăn trái cây và rau quả (ba loại rau và 2 loại trái cây khác nhau) mỗi ngày nhằm bảo đảm cung cấp sự cân bằng các chất dinh duỡng mà cơ thể cần. Ngoài ra, bổ sung hải sản vào thực đơn hàng ngày cũng rất quan trọng, đặc biệt là cá. Bạn nên bổ sung các loại cá như: cà hồi, cá mòi… trong chế độ ăn uống của bạn 2 lần/ tuần, giúp cơ thể được bổ sung  axit béo omega-3. Chất béo này cũng có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh tim bằng cách chúng làm giảm huyết áp và triglycerides của bạn.

Cắt giảm các chất béo có hại: Chế độ ăn uống ít chất béo được coi như một “tấm lá chắn” giúp bạn chống lại các căn bệnh tim mạch. Điều bạn nên làm là cố gắng cắt giảm lượng chất béo bão hoà có trong các sản phẩm từ bơ, sữa, thịt… trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là thủ phạm khiến mức độ cholesterol xấu tăng và làm giảm cholesterol tốt. 

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, các bữa ăn hàng ngày chỉ nên có khoảng 1% lượng thức ăn có chứa chất béo bão hoà. Ngoài ra, những loại thực phẩm như bơ thực vật, dầu, thức ăn chiên xào và bánh ngọt cũng không tốt cho những người bị bệnh tim mạch, vì thế hãy hạn chế với những loại đồ ăn này.

Biết rõ tình trạng sức khoẻ của mình: Biết rõ về tình trạng sức khoẻ của mình sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn. Hãy tới bác sĩ để kiểm tra lượng cholesterol, lượng đường trong máu, và các dấu hiệu của bệnh tiểu đường, huyết áp để biết chắc chắn về tình trạng sức khoẻ hiện tại của mình. Nếu bạn có nguy cơ nếu mắc những bệnh liên quan đến tim mạch thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều chỉnh chế độ ăn uống, làm việc, tập thể dục… sao cho phù hợp nhất với bạn.

Một điều quan trọng khác là, những bệnh liên quan đến tim mạch có phần  nhiều yếu tố là do di truyền. Vì vậy, nếu trong gia đình bạn có tiểu sử bị bệnh thì bạn càng cần chú ý và đi kiểm tra sức khỏe sớm.

Chăm tập luyện thể dục: Tập thể dục có thể làm tăng lipoprotein mật độ cao -  thường được gọi là cholesterol "tốt", và giảm lipoprotein mật độ thấp -  cholesterol "xấu". 

Bạn không nhất thiết phải tập thể dục ở một cường độ cao, chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày cũng đã giúp điều hoà hệ tim mạch, tăng cường nhịp tim, giảm những nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Không hút thuốc: Hãy nói không với thuốc lá. Hút thuốc dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành 2-4 lần. Đồng thời, hút thuốc còn làm hẹp động mạch, tăng huyết áp và dày máu khiến nhiều khả năng bị đông máu, là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau tim. 

Đặc biệt, nếu bạn hút thuốc, những người xung quanh cũng sẽ bị “hút thuốc thụ động”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ những người xung quanh bạn. Những người không hút thuốc nhưng nếu thường xuyên bị tiếp xúc với khói thuốc lá cũng có nguy cơ gây ra bệnh tim.

 

Theo MOITRUONG.COM.VN/TH

Lượt xem: 2

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân