Bạn đang ở đây

(Website HNDHY) - Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng công tác nông vận và xây dựng tổ chức Hội Nông dân trong sạch vững mạnh trong điều kiện mới

(08.06.2020)

(Website HNDHY) - Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng công tác nông vận và xây dựng tổ chức Hội Nông dân trong sạch vững mạnh trong điều kiện mới

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò của nông dân trong chiến đấu, trong sản xuất; là lực lượng to lớn của khối liên minh và đại đoàn kết dân tộc. Để nông dân thực hiện được vai trò to lớn đối với cách mạng, Người căn dặn những người lãnh đạo, chính phủ các công việc cần phải làm, đó là: “Nông vận là phải:

- Tổ chức nông dân thật chặt chẽ.

- Đoàn kết nông dân thật khăng khít.

- Huấn luyện nông dân thật giác ngộ.

Đây chính là tư tưởng, đường lối, phương châm công tác dân vận, công tác quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người đối với cách mạng Việt Nam, đồng thời kế thừa truyền thống dân tộc của ông cha “lấy dân làm gốc” - cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân.

Ngày 05-02-1953, trong Thư gửi Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc, Người đã chỉ rõ: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân”. Do đó, “muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công phải dựa vào quần chúng nông dân, muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở”.

Tại Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, ngày 22-7-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Muốn đạt mục đích đó thì nhất định phải củng cố và phát triển hợp tác xã cho thật tốt, phải nâng cao không ngừng thu nhập của xã viên. Người cũng đã chỉ rõ quá trình, bước đi để xây dựng “nông thôn mới” thiết thực, có hiệu quả, đó là phải xây dựng cơ sở vật chất cho người nông dân để họ ổn định và có điều kiện tăng gia sản xuất, trước hết là “nhà ở”. Người cho rằng muốn xây dựng nông thôn mới thì việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng vì an cư thì mới lạc nghiệp.

Tỉnh Hưng Yên sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật và khá toàn diện; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được cải thiện, vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được đề cao và phát huy. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn tăng trưởng ổn định. Năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên; thu nhập và đời sống nhân dân được cải thiện theo hướng ngày càng nâng cao. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bản tỉnh (GRDP) tăng 10,1%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,62%, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 12%, giá trị thương mại dịch vụ tăng 7,65%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp, xây dựng 62,4%, thương mại, dịch vụ 29,67%, nông nghiệp, thủy sản 7,93%; thu hút thêm 116 dự án đầu tư (75 dự án trong nước, 41 dự án nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 6 nghìn tỷ đồng và 378 triệu USD, có thêm 45 dự án đi vào hoạt động, thành lập mới trên 1.200 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 10,5 nghìn tỷ đồng, thành lập mới 51 hợp tác xã; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,75 tỷ USD; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 72 triệu đồng; giá trị thu nhập bình quân trên 01 ha canh tác đạt 202,5 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2018; thu ngân sách đạt 14.450 tỷ tăng 9,2% so với năm 2018, trong đó thu nội địa đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 11,9%; chi ngân sách đảm bảo chế độ. Công nhận thêm 05 khu vực đạt chuẩn đô thi loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,6%. Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả vượt bậc, có thêm 28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay toàn tỉnh có 145/145 xã đạt chuẩn NTM, Hưng Yên trở thành 1 trong 8 địa phương trong cả nước hoàn thành 100% xây dựng NTM cấp xã; có thêm 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành xây dựng NTM lên 4/10 đơn vị.  

Lĩnh vực văn hóa xã hội nhiều mặt có tiến bộ, hầu hết các tiêu chí đạt và vượt kế hoạch đề ra; có thêm 46 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tạo thêm việc làm mới cho gần 2,5 vạn lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,0%; 100% y tế cấp xã đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,5%; tỷ lệ làng, khu phố văn hóa đạt 88,5%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 91,5%; quan tâm chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước và các đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống các tầng lớp nhân dân tiếp tục được cải thiện. Thành công đó có một phần đóng góp không nhỏ của tổ chức Hội và giai cấp nông dân trong tỉnh.

Nhận thức được vị trí, vai trò của nông dân và hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác vận động nông dân, trong những năm qua, các cấp Hội đã chú trọng triển khai thực hiện công tác xây dựng tổ chức Hội, và các phong trào nông dân gắn với các chương trình, các phong trào phát triển kinh tế nông thôn. Chỉ đạo, hướng dẫn, phát triển phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; trọng tâm là giúp cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, 5 năm qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức được 6.507 buổi tuyên truyền cho 523.792 lượt hội viên, nông dân tham dự. Tổ chức 113 lớp dạy nghề cho 3.390 lao động nông thôn, trong đó: Trung tâm Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân tỉnh tổ chức 27 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 810 hội viên nông dân. Các cấp Hội đã phối hợp với Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, công ty phân lân Văn Điển, công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức trên 210 lớp tập huấn cho trên 15.000 hội viên nông dân, cung ứng cho hội viên nông dân gần 18 ngàn tấn phân bón NPK với hình thức trả chậm trị giá hàng chục tỷ đồng.

Xác định một trong những điều kiện quan trọng để hỗ trợ nông dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh đó là giống, vốn và kỹ thuật. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2014 - 2020”, đến nay Hội Nông dân tỉnh và 10/10 Hội Nông dân cấp huyện và một số cơ sở Hội đã được chính quyền cùng cấp trích ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tính đến ngày 30/11/2019, dư nợ cho vay 3 cấp trong tỉnh đạt 74.401,97 triệu đồng. Trong đó cho vay phân loại theo các loại hình: có 86 dự án trồng trọt, 20 dự án chăn nuôi, 11 dự án nuôi thủy sản, 02 dự án dịch vụ và 03 dự án sản xuất mộc mỹ nghệ. Chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức thực hiện tốt 06 công đoạn nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Tính đến ngày 30/11/2019, tổng số tiền dư nợ là 893.027,45 triệu đồng cho 25.602 hộ nông dân được vay. Đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố thực hiện thoả thuận liên ngành theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ. Có 79/159 cơ sở Hội có dư nợ nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả, tính đến 30/11/2019, tổng dư nợ nguồn vốn là 875.240 triệu đồng (tăng so với năm 2018 là 81.198 triệu đồng) với 146 tổ được thành lập và 5.533 hộ vay.

Có thể khẳng định các nguồn vốn vay tín chấp và ủy thác được Hội sử dụng như một công cụ làm thay đổi về nhận thức tư duy sản xuất của hội viên, nông dân từ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún tiến tới liên kết, hợp tác với nhau qua các hình thức kinh tế tập thể giúp nông dân phát huy các thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, của vùng như trồng cây ăn quả, cây có múi, hoa cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản...Các cấp Hội chỉ đạo liên kết từ mô hình nhỏ, đơn giản như tổ, nhóm nông dân cùng sở thích, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp đến hợp tác xã. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho cán bộ, hội viên nông dân. Các cấp Hội trong tỉnh đã tham gia tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 28 THT và 50 HTX 29 chi hội và 25 tổ hội nghề nghiệp, bước đầu các chi, tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX đã phát huy hiệu quả hoạt động, đạt được kết quả thiết thực, tạo ra cơ chế tự liên kết trong sản xuất kinh doanh, tăng cường mối liên kết giữa các hộ nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn.

Từ kết quả hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ của các cấp Hội nhiều mô hình phát triển kinh tế của các hộ nông dân đã thực sự có hiệu quả, các mô hình đã tạo được thêm nhiều lao động có việc làm ổn định, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình “trồng hoa công nghệ cao” tại xã Xuân Quan; mô hình trồng quất cảnh tại xã Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở được công nhận nhãn hiệu tập thể của Hội Nông dân huyện Văn Giang; Mô hình “Trồng và thâm canh cây nhãn chín muộn” tại xã Hàm Tử, mô hình trồng và chế biến nghệ tại xã Chí Tân, mô hình chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo (huyện Khoái Châu); Mô hình chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt tại xã Phạm Ngũ Lão, mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Vĩnh Xá, mô hình nấm, mộc nhĩ tại xã Phú Thịnh, mô hình trồng cam, bưởi tại xã Đồng Thanh (huyện Kim Động), xã Minh Châu (Huyện Yên Mỹ), mô hình trồng vải lai chín sớm (huyện Phù Cừ) và nhiều mô hình hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ... có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động cho thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Để tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tuyên truyền vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, BCH Hội Nông dân tỉnh xác định một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng sau:

Một là, các cấp Hội cần đổi mới phương pháp và phong cách làm việc, đội ngũ cán bộ Hội cần sâu sát, nhiệt tình, hiểu biết sâu sắc về nông nghiệp, nông thôn, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nông dân, phải thực sự là người bạn đồng hành của nông dân. Làm tốt vai trò là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước trong nông dân nhằm thúc đẩy thi đua lao động sản xuất. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hội viên, nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công cuộc xây dựng NTM để mỗi người dân nông thôn thấy được mình là chủ thể, được tham gia bàn bạc dân chủ, quản lý, giám sát thi công các dự án xây dựng NTM của địa phương.

Hai là, các cấp Hội tích cực, chủ động tham mưu, bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các sở, ngành để tạo cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, nguồn lực để các cơ sở Hội, chi, tổ hội hoạt động có hiệu quả. Thực hiện triển khai 3 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa VII) về xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội gắn với tổ chức các phong trào thi đua và tham gia một số chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Tổ chức mở rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới

Ba là, đẩy mạnh xây dựng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác nông vận, vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Phấn đấu các chi Hội nông dân nghề nghiệp đạt 5 được: (1) Chi hội nông dân hoạt động có nề nếp, thiết thực, hấp dẫn, hiệu quả đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên. (2) Tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với thành viên; hội viên với chi hội trưởng và tổ chức Hội. (3) Khắc phục được những khó khăn, hạn chế trong hoạt động và sinh hoạt của Hội về nội dung, tỉ lệ hội viên tham gia sinh hoạt, thời gian sinh hoạt (ví dụ từ 3 tháng 1 lần nay do nhu cầu có thể 1 tháng 2 lần). (4) Cán bộ chi Hội trước hết là chi hội trưởng nâng cao được trình độ học vấn, kiến thức và năng lực tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa mà kinh tế hộ không làm được. (5) Được sự lãnh đạo trực tiếp, sát sao của cấp ủy và Hội Nông dân các cấp.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế thế giới với những đòi hỏi ngày càng cao của công tác Hội và phong trào nông dân thì việc xây dựng tổ chức Hội Nông dân trong sạch, vững mạnh là một yêu cầu cấp thiết và thường xuyên của các cấp Hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ phong trào nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Trần Thị Tuyết Hương - UVBTV Trung ương Hội

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên

Lượt xem: 24

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân