Bạn đang ở đây

Bước chuyển mình trong nông nghiệp của Văn Giang

(13.10.2020)

(Website HNDHY) - Văn Giang là huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, có diện tích 7.183 ha, dân số khoảng 120.000 người, mật độ dân số bình quân trên 1670 người/km2, Phía Bắc giáp huyện Gia Lâm (Hà Nội); phía Đông giáp huyện Văn Lâm, Yên Mỹ; phía Nam giáp huyện Khoái Châu; phía Tây giáp sông Hồng. Văn Giang có 10 xã, 01 thị trấn. Là điểm nằm trên đầu mối giao thông liên vùng Hà Nội - khu vực Đông Bắc và vành đai phát triển vùng Thủ đô với những tuyến giao thông trọng điểm như: QL5, Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường liên tỉnh Hà Nội Hưng Yên, vành đai 3,5, vành đai 4 dự kiến…

Ngày đầu tái lập, tốc độ phát triển kinh tế bình quân của huyện đạt 8%/năm, thu ngân sách đạt 3,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3 triệu đồng, giá trị thu trên 1 ha đất canh tác đạt 32,4 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 26 tỷ đồng… Sau 20 năm tái lập, tốc độ phát triển kinh tế bình quân của huyện đạt 16,3%/năm, tăng hơn 2 lần; thu ngân sách đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 260 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng, tăng gấp 17 lần; giá trị thu trên 1 ha đất canh tác đạt trên 230 triệu đồng/năm, gấp hơn 6,4 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,77%... Quá trình phát triển cho thấy, Văn Giang từ một huyện thuần nông của ngày mới tái lập, đến nay đã trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển đồng đều, toàn diện. Nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh, hàng hóa với gần 2 nghìn ha chuyển đổi từ đất lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Hoa, cây cảnh, cây ăn quả. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững gắn với an toàn dịch bệnh. Năm 2019, Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt: 16,6%; Tổng giá trị sản xuất đạt (giá cố định): 10.336 tỷ đồng; Tổng giá trị sản xuất (giá thực tế): 22.282 tỷ đồng, đạt 114,2% KH; Cơ cấu kinh tế (Nông nghiệp - CNXD-TMDV): 9% - 43% - 48% (KH 9% - 41% - 50%); Tổng giá trị sản phẩm bình quân đầu người đạt: 77,9 triệu đồng, đạt 112,6% KH; Xây dựng Nông thôn mới: Hoàn thành NTM cấp huyện và 02 xã đạt NTM nâng cao;

Đứng trước xu thế đô thị hoá nhanh, mạnh. Văn Giang đã xác định nhiệm vụ tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, phát triển bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững môi trường sinh thái, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của UBND tỉnh; nhất là, Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số Chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nên đã đạt được kết quả quan trọng. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có bước phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết khí hậu; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao; công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến được áp dụng sâu rộng và được đẩy mạnh. Do vậy, diện tích, sản lượng, giá trị nhiều loại nông sản tăng mạnh, góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt: 16,3%; Cơ cấu kinh tế (Nông nghiệp - CNXD-TMDV): 11% - 38% - 51%; Giá trị thu trên 1 ha đất canh tác đạt: 230 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt: 59,6 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo: 1,77%; Xây dựng Nông thôn mới: Hoàn thành NTM cấp xã, đang trình tỉnh thẩm định đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Những năm gần đây ngành Nông nghiệp Văn Giang đã có sự chuyển biến tích cực trên cơ sở chú trọng, khai thác và phát huy các lợi thế của một huyện tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội đất đai phì nhiêu màu mỡ, người dân cần cù, năng động, sáng tạo. Tận dụng lợi thế của địa phương, chủ động phối hợp mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình thí điểm, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với những mô hình mới, những tiến bộ kỹ thuật mới để thay đổi phương thức sản xuất; công nghệ áp dụng trong sản xuất hoa, cây cảnh trong những năm vừa qua không ngừng được phát triển ngày một tiên tiến, hiện đại: Đến nay, trên địa bàn huyện có 01 trung tâm sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô invitơrô được đầu tư đồng bộ có sự hỗ trợ của nhà nước (ông Phan Ngọc Oanh hội viên nông dân thôn 7, xã Xuân Quan) chuyên sản xuất các loại cây giống hoa để cung cấp cho sản xuất đại trà…có khoảng 35% diện tích trồng hoa, cây cảnh được trồng trong nhà lưới, nhà kính; 100% được làm đất, trộn, đóng bầu bằng máy; 100% có hệ thống tưới nước tự động và bán tự động, hệ thống phun thuốc trừ sâu bằng máy… giảm đáng kể chi phí chăm sóc, nhân công và hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu.… đi đôi với quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất hoa, cây cảnh phát triển theo hướng thâm canh và đa dạng hoá sản phẩm.

Tính đến nay, toàn huyện có trên 1.070 ha chuyên trồng hoa, cây cảnh các loại, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ đạt 1.350 ha. Các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung quy mô từ 20ha/vùng trở lên tại Văn Giang được hình thành khá rõ nét với 03 vùng chính gồm vùng trồng hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao, cây trang trí công trình (diện tích trên 250 ha) tập trung chủ yếu ở xã Xuân Quan, Phụng Công và thị trấn Văn Giang; vùng trồng cây cam, quất, quýt, bưởi cảnh (diện tích trên 300 ha), tập trung chủ yếu Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở, Tân Tiến và thị trấn Văn Giang… và vùng chuyên trồng cây phôi (cây nguyên liệu) phục vụ cho sản xuất hoa cây cảnh (diện tích trên 100 ha), tập trung tại các xã Long Hưng, Tân Tiến, Nghĩa Trụ và Vĩnh Khúc. Trên địa bàn huyện có 8 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh thu hút trên 5.000 hộ tham gia sản xuất với 13.500 lao động cho thu nhập gần 800 tỷ đồng trong đó 02 làng nghề được UBND tỉnh Quyết định công nhận (Làng nghề hoa Xuân Quan công nhận năm 2017 và làng nghề hoa, cây cảnh Phụng Công được công nhận năm 2018); 03 sản phẩm làng nghề được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm “Quất cảnh Văn Giang”, “Cam Văn Giang” và “Hoa Xuân Quan” giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tổng giá trị thu được từ trồng hoa, cây cảnh năm 2019 đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 150 tỷ đồng so với năm 2018.  Giá trị thu nhập trung bình 1 ha hoa, cây cảnh ở Văn Giang năm 2019; trên 800 triệu đồng/ha/năm. Tại các vùng chuyên canh, có trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất (Xuân Quan, Phụng Công…) hiệu quả của sản xuất hoa cây cảnh khá cao, trung bình thu nhập khoảng 1.000 triệu đồng/ha/năm; Một số diện tích hoa Hồng chất lượng cao đạt doanh thu đến 1.200 - 1.500 triệu đồng/ha/năm. Hoa Lily, Lan và cây cảnh chất lượng cao (thường có quy mô nhỏ từ 500 - 2.000 m2) đạt thu nhập từ 2.000-3.000 triệu/mô hình/năm. Cá biệt có một số hộ cho thu nhập từ  5 tỷ đến 15 tỷ đồng/năm.

Đã có 5/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (đạt 50%) và 03 thôn được UBND huyện công nhận đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thẩm định, xét công nhận 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đợt 1, năm 2020; rà soát đánh giá việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 04 xã đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu năm 2020. Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nguyễn Văn Hợp

Lượt xem: 55

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân