Bạn đang ở đây

Choáng ngợp trước vựa cam 30 mẫu của lão nông ở Hưng Yên

(19.01.2018)

(Website HNDHY) - Đến cánh đồng Tam Thiên Mẫu, xã Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ), đứng từ xa, chúng tôi thấy một vùng trồng cam trù phú rộng lớn với diện tích lên đến vài chục mẫu. 

Ngắm nhìn cánh đồng cam sai trĩu quả này ít ai biết rằng, cách đây vài năm, nơi đây còn là vùng đất chiêm trũng cấy lúa kém hiệu quả của xã Lý Thường Kiệt. Từ năm 2014, gia đình ông Phạm Văn Cành đã thuê lại khu đất này, cải tạo rồi trồng cam. Cây hợp thổ nhưỡng lại thêm bàn tay, khối óc cần cù, năng động của người trồng nên cam sinh trưởng, phát triển tốt đang bước vào vụ thu hoạch chính vụ.

Dù đã được nghe kể về quy mô trang trại cam của gia đình ông Cành, nhưng khi đặt chân đến một trang trại rộng lớn như vậy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và khâm phục người nông dân chất phác đã gây dựng thành công một trang trại lớn đến vậy. 

 

Khi chúng tôi đến nơi, cũng là lúc ông Cành vừa chạy chiếc xe tải đi thăm trang trại và chở những thùng cam vàng óng, chín mọng vừa thu hoạch về. Do khu đất rộng lớn, đường sá thông suốt, rộng rãi được lu lèn phẳng nên phương tiện đi thăm trang trại của ông là chiếc xe máy hoặc ô tô tải.

Với vẻ thân thiện, chất phác của người nông dân, ông Cành kể, trước đây, vợ chồng ông vốn là người chuyên đi thu mua cam của nông dân trong tỉnh Hưng Yên rồi bán lại cho lái buôn ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Năm 2014, thấy cánh đồng Tam Thiên Mẫu ở xã Lý Thường Kiệt đất đai còn rộng lớn, hợp với cây có múi, vợ chồng ông cùng các con quyết định thuê ruộng trồng cam với diện tích 30 mẫu. Rồi từ đó ông tiếp tục mở rộng diện tích dần và dồn hết công sức, tiền của gây dựng trang trại.

Đến nay, trang trại của gia đình ông có diện tích khoảng 50 mẫu, trong đó diện tích trồng cam Vinh và cam đường canh là 30 mẫu, diện tích còn lại ông trồng các loại cây như: chanh, các loại rau gia vị, quất...

Trồng cam sạch theo quy trình Vietgap

Chia sẻ với chúng tôi, ông Cành cho biết, sở dĩ ông chọn trồng cây cam bởi cây cam cho giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Hơn nữa, trồng cam nhanh cho thu hoạch, sau khi trồng chỉ 1 - 2 năm là có thể thu hoạch nên nhanh thu hồi vốn và lợi nhuận. Ở đây điều kiện tự nhiên thuận lợi, chất đất tuy không có nhiều phù sa nhưng phù hợp với cây có múi. Đặc biệt, tại đây đất đai rộng lớn nên có thể lập được trang trại quy mô lớn và dễ dàng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất.

Ông Cành kể, để xây dựng được trang trại như hiện nay không đơn giản chút nào. Những năm đầu mới lập nghiệp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đồng ruộng chiêm trũng..., vợ chồng ông gom góp vốn liếng và vay mượn bỏ ra chi phí nhiều tỷ đồng để đầu tư cải tạo ruộng đất, kéo điện 3 pha, san ủi đường sá, lắp đặt hệ thống ống bơm nước, mua cây giống… Trong khâu tưới nước, ông lắp đặt hệ thống tự động để tiết kiệm nước tưới và chi phí nhân công.

Để bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, ông Cành trồng cam theo quy trình Vietgap, chỉ sử dụng các chế phẩm, phân bón hữu cơ sinh học như bột ngô, đỗ để bón cho cam giúp cam sinh trưởng tốt, chất lượng ngon ngọt. Hằng năm, sau khi thu hoạch cam ông tiến hành đảo rễ cam để cắt đứt bộ rễ tơ, làm trẻ hóa cây, thúc cây phân hóa mầm hoa, ra nhiều quả. Để phòng trừ sâu bệnh cho cây, ông chỉ dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học và bảo đảm thời gian cách ly. Mặc dù trồng cam với diện tích lớn nhưng ông không hề phun thuốc diệt cỏ dưới gốc cam mà hằng tháng phải thuê người cắt cỏ. Cam sau khi được thu hái không sử dụng chất bảo quản, được dán tem chống hàng giả, tem truy xuất nguồn gốc để khách hàng biết được nguồn gốc, thông tin sản phẩm...

Với cách làm khoa học, vụ cam năm nay, gia đình ông Cành ước thu 150 tấn quả, sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vượt trội và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng với các đặc điểm như: vỏ vàng và mỏng, nhiều nước, ít hạt, mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm thơm mát. Chính vì vậy, cam của gia đình ông bán ra thị trường luôn có giá từ 30.000 - 45.000 đồng/kg cam Vinh và 30.000 đồng/kg cam đường canh. Vụ cam năm nay gia đình ông ước thu khoảng 4 tỷ đồng, trừ mọi chi phí cho lãi trên 1 tỷ đồng.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cam vào mùa hè rất lớn, ông Cành đầu tư xây dựng kho lạnh ngay trong trang trại của mình. Thời điểm chính vụ cam năm nay, cam đồng loạt chín ở tất cả các vườn trong tỉnh, nguồn cung dồi dào nên giá cam của Hưng Yên giảm hơn so với trung bình năm ngoái. Không muốn cam của gia đình cũng chịu chung “số phận” như vậy nên ông Cành dự tính sẽ đưa khoảng 40 tấn cam của mình vào bảo quản trong kho lạnh. Thời gian bảo quản có thể kéo dài được vài tháng, khi đó cam ở các nhà vườn khác đã thu hoạch và tiêu thụ hết, nguồn cung khan hiếm thì ông sẽ bán ra thị trường số cam này với giá cao hơn hiện tại nhiều.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Cành cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, người dân đua nhau trồng các loại cam, quýt dễ dẫn đến khủng hoảng thừa. Do đó, thời gian tới tôi không tăng diện tích trồng cam, mà thay vào đó là tìm cách nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tạo uy tín, thương hiệu cho cam của mình. Bên cạnh đó tôi sẽ phát triển thêm các loại cây trồng khác như rau gia vị, nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất bán vào siêu thị”.

 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 27

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân