Bạn đang ở đây

Đòn bẩy mới cho làng nghề ở Hưng Yên

(25.07.2019)

(Webiste HNDHY) - Hưng Yên hiện có 54 làng nghề hoạt động với hơn 11,3 nghìn cơ sở sản xuất. Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích thúc đẩy phát triển các làng nghề.

Đặc biệt, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 26.3.2019 phê duyệt Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình OCOP) tỉnh Hưng Yên; mới đây, ngày 7.5.2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND về việc triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019 - 2020. Đây chính là động lực, đòn bẩy cho sự phát triển của các làng nghề trong thời gian tới. 

Thay vì chọn đi học đại học như bao bạn bè cùng trang lứa, anh Dương Văn Tập (sinh năm 1983) ở thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) quyết định ở lại quê hương phát triển nghề đúc đồng truyền thống của gia đình. Thời còn đi học, anh thường theo chân ông nội đi làm nghề. Ban đầu, anh chỉ chế tạo các sản phẩm đơn giản, sau này tay nghề nâng cao anh Tập chế tác các loại đỉnh, đúc tượng, đúc chuông… Trung bình một tháng, cơ sở đúc đồng truyền thống Tập Yên của anh Tập sản xuất ra hàng trăm sản phẩm đỉnh, chuông, tượng,… trong đó có nhiều sản phẩm có kích thước, trọng lượng lớn với kỹ thuật tạo hình tinh xảo.

Anh Tập cho biết, trong quá trình sản xuất, anh nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong tỉnh, của huyện Văn Lâm, từ việc hỗ trợ vay vốn đến hỗ trợ cơ chế, chính sách... Hiện nay, các hộ sản xuất kinh doanh ở Lộng Thượng được miễn 100% các loại thuế.

Theo Chương trình OCOP, sản phẩm đúc đồng thôn Lộng Thượng là 1 trong 14 sản phẩm tiêu biểu của huyện Văn Lâm. Ông Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Thôn Lộng Thượng hiện có gần 200 hộ làm nghề đúc đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động. Mỗi năm, làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng 31.200 sản phẩm các loại, với doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm. Theo định hướng quy hoạch của tỉnh là phát triển làng nghề đúc đồng Lộng Thượng gắn với du lịch, địa phương đã vận động, tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề vay vốn sản xuất để đầu tư đổi mới công nghệ, định hướng, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để tạo ra những sản phẩm cao cấp, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thị xã Mỹ Hào có 9 sản phẩm trong chương trình OCOP, trong đó có sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ xã Hòa Phong. Toàn xã có 1.700 hộ làm nghề mộc, chiếm 54% số hộ trong xã. Năm 2018, Hòa Phong được UBND tỉnh công nhận là làng nghề mộc mỹ nghệ. 

UBND thị xã Mỹ Hào cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho làng nghề mộc mỹ nghệ Hòa Phong. Trong đó, thị xã đang tập trung xây dựng cụm làng nghề đồ mộc mỹ nghệ thôn Thuần Mỹ, thôn Phúc Miếu với diện tích trên 100ha đã được UBND tỉnh phê duyệt để sản xuất kết hợp với khu thương mại dịch vụ, theo hướng phát triển du lịch làng nghề; thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác…

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, thông qua điều tra, khảo sát, toàn tỉnh lựa chọn được 72 sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình OCOP. Nơi sở hữu các sản phẩm này sẽ được đầu tư, hướng dẫn, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thúc đẩy phát triển; được đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động; được tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, hội thảo...

Ông Đặng Văn Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Hiện nay, đa phần quy mô của các cơ sở sản xuất trong làng nghề còn nhỏ; nhiều cơ sở thiếu thiết bị, máy móc để cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm; nhìn chung tay nghề của lao động làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển… Vì vậy, Chương trình OCOP là rất cần thiết, không chỉ góp phần định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng, mà còn là điểm tựa, “đòn bẩy” quan trọng để nâng cao chất lượng và nâng cấp thương hiệu sản phẩm.

Theo Baohungyen.vn

Lượt xem: 25

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân