Bạn đang ở đây

Hoa, cây cảnh cấp tập “dưỡng sức”

(27.02.2019)

(Website HNDHY) - Tại thôn Phú Đa, thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào), sau Tết Nguyên đán là thời điểm người trồng đào hối hả với công việc mang đào trở lại vườn để bắt đầu một chu kỳ chăm sóc cây mới. 

Đang tất bật cắt tỉa cành cho những gốc đào thế, ông Vũ Văn Lộc, một trong những chủ vườn “có tiếng” ở thôn Phú Đa cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào trồng đào với khoảng 500 gốc bao gồm cả đào phai và bích đào. Tết Kỷ Hợi 2019, phần lớn số lượng đào trong vườn của gia đình tôi được khách hàng thuê để chơi Tết. Qua Tết, từ khoảng 15 tháng Giêng, các hộ thuê đào sẽ gọi nhà vườn tới mang đào về chăm sóc. Sau Tết là thời điểm gia đình tôi tất bật đi thu gom các cây đào đã cho thuê quay trở lại vườn”.

Sau Tết, cây đào sẽ bước vào một “chu trình hồi sinh” đầy công phu, mà phần lớn phụ thuộc vào kỹ thuật của người chăm sóc. Ông Lộc chia sẻ, sau Tết ông phải cẩn thận trong khâu cắt tỉa cành, xử lý rễ, đất trồng bảo đảm độ thông thoáng, giữ độ ẩm cho cây. Đặc biệt, sau khi trồng đào, ông phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây để kịp thời cắt tỉa những cành bị bệnh, phun thuốc phòng trừ bệnh rệp sáp, sâu nõn và bón phân theo từng chu kỳ phát triển của cây... 

Về huyện Văn Giang, “thủ phủ” hoa, cây cảnh của tỉnh những ngày này mới thấy, dù là thời điểm sau Tết Nguyên đán nhưng không khí lao động trong các nhà vườn nhộn nhịp không kém so với thời điểm giáp Tết. Trên các cánh đồng, trong các nhà lưới, các loại hoa, cây cảnh đã được trồng gần kín đất. Người nông dân đang tất bật làm đất, vun luống, bơm nước tưới cây...  

Anh Bì Xuân Hoàng, một chủ vườn cây cảnh ở xã Liên Nghĩa (Văn Giang) cho biết: “Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, gia đình tôi có trên 200 chậu bưởi cảnh bán và cho thuê. Với những chậu bưởi cảnh cho thuê, khi nhận cây về, tôi sẽ xử lý bộ rễ trước khi trồng, đồng thời ngắt bỏ toàn bộ quả và khoảng 1/2 số lá trên cây, thay đất trồng và cho cây “ăn” tùy theo thể trạng của cây”.

Bên cạnh việc chăm sóc các loại cây cảnh cho thuê chơi Tết, người dân trên địa bàn huyện Văn Giang cũng tích cực trồng mới cây cảnh để thay thế các diện tích đã bán. 

Anh Đặng Văn Cường ở thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến hiện có 6 sào trồng bưởi và quất cảnh. Anh Cường cho biết: “Sau Rằm tháng Giêng, tôi bắt đầu làm luống để trồng những cây quất mới cho kịp thị trường Tết năm sau. Đối với quất bonsai, từ cuối tháng 1 đến khoảng tháng 2 âm lịch, tôi sẽ trồng cây lên chậu, bình gốm, lọ sành, sứ… Khi cây sinh trưởng ổn định mới tiến hành gò uốn tạo dáng thế cho cây”.

Nở rộ dịch vụ chăm đào thuê sau Tết

Sau những ngày chơi Tết, từ mùng 10 tháng Giêng trở đi, những người chơi đào lại mang gửi cây đến các nhà vườn chăm sóc. Dịch vụ chăm sóc đào sau Tết theo đó cũng trở nên nhộn nhịp chẳng kém lúc mua bán thời điểm trước Tết.

Hết Rằm tháng Giêng, ông Đặng Văn Dược ở thị trấn Vương (Tiên Lữ) thuê người vận chuyển gốc đào mà gia đình mua về trưng bày trong dịp Tết cổ truyền đến nhà một nhà vườn ở xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) để thuê chăm sóc, đến Tết năm sau lại đến đánh cây về. Ông Dược cho biết: “Do là cây đào cổ có giá trị lớn, lại không có kỹ thuật chăm sóc nên nếu trồng cây đào dễ bị chết hoặc ra hoa không đúng Tết. Vì vậy, năm nay tôi đặt vấn đề thuê luôn chủ vườn bán đào chăm sóc, năm sau vẫn có cây đào để chơi mà tiền công chăm sóc cũng vừa phải…”.

Anh Phạm Xuân Huy, chủ vườn đào Xuân Huy ở xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) cho biết: Những năm gần đây, nhiều khách đến tận nhà vườn mua đào về chơi Tết và đặt vấn đề thuê nhà vườn chăm sóc đào. Gia đình anh làm dịch vụ có uy tín nên từ mùng 7 Tết anh đã bận rộn nhận cây chăm sóc. 

Anh Huy cho biết thêm: Sau khi nhận cây, người chăm sóc sẽ tưới nước đầy đủ và kiểm tra chất lượng lá, rễ của cây; sau đó mới đến công đoạn cắt tỉa, bón phân, chăm sóc, tạo dáng theo ý thích của khách hàng... Chi phí sẽ do hai bên thỏa thuận, tùy theo giá trị của cây đào và công bỏ ra. Mặc dù việc nhận chăm sóc đào chỉ cần cây sống và ra hoa đúng dịp Tết, nhưng theo anh Bùi Văn Tiệp, chủ nhà vườn Tiệp Vuông ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) thì công việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều gia chủ chơi cây nhưng không chịu chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách nên hầu hết các đào chơi tết xong đều bị suy yếu, héo rũ, khả năng phục hồi rất khó. Mặt khác, cây bị đánh đi, đánh lại từ chậu ra vườn, từ chậu này sang chậu khác rất dễ bị chết, chưa kể đến sâu bệnh. Nếu để cây chết hoặc không ra hoa đúng dịp tết, ngoài việc phải đổi lại cho khách một cây khác có giá trị tương đương, nhà vườn còn bị mất uy tín. 

Từ khi những gốc đào được mang về vườn cho tới Tết số lượng cây chết có khi chiếm đến 15 – 20%. Dù rủi ro cao nhưng các nhà vườn vẫn luôn cam kết cho khách có cây vào đúng dịp Tết, bởi nếu cây hỏng khách sẽ được lựa chọn một gốc khác ở nhà vườn có giá trị tương đương với cây gửi ban đầu. 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 13

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân