Bạn đang ở đây

Hội Nông dân xã Tân Quang đồng hành cùng nông dân tiêu thụ sản phẩm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp tết Nguyên Đán Tân Sửu - 2021

(04.02.2021)

(Website HNDHY) - Dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đúng thời điểm các chủ vườn, hộ sản xuất, trang trại… của nông dân mở bán phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu đã gây không ít khó khăn cho hoạt động lưu thông, tiêu thụ. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Văn Lâm, Hội Nông dân xã Tân Quang đã kịp thời vào cuộc, đồng hành cùng nông dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời bảo đảm các quy định an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng chí Bùi Văn Kỷ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngọc Đà cho biết, thôn có khoảng 200 hộ dân trồng đào với tổng diện tích khoảng 30 mẫu, sản phẩm chủ yếu được người dân trồng để cho thuê gốc, bán cây, bán cành. Cây đào bén duyên với mảnh đất này đã 30 năm và trở thành cây trồng mang lại nguồn thu chính cho người dân nơi đây.

Để quảng bá cho sản phẩm của địa phương, khoảng trung tuần tháng 11 âm lịch năm Canh Tý, được sự nhất trí của Đảng ủy, UBND xã Tân Quang, thôn Ngọc Đà đã tổ chức kỷ niệm 30 năm cây đào xuất hiện ở địa phương, trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân Ngọc Đà. Về tính chất, buổi kỷ niệm như một hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tại đây đã có nhiều đơn hàng được ký, người dân tìm thêm được bạn hàng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động tiêu thụ bị ảnh hưởng nên đến nay, lượng đào cho thuê gốc mới được vận chuyển đi khoảng 50%; số bán cây, bán cành tiêu thụ chậm, giá cũng không được cao. Năm nay thôn dự tính thu từ đào khoảng 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng, tuy nhiên tiêu thụ khó khăn nên giá trị bị sụt giảm khoảng 10% - 20%... Đồng chí Nguyễn Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Quang cho biết, người dân Tân Quang có nghề trồng đào ở các thôn Ngọc Đà, vài năm gần đây đã phát triển trồng tới các hộ ở thôn Thọ Khang  và nghề sản xuất, chế biến giò chả, nem chua, bì bóng ở thôn Bình Lương. Với nghề chế biến thực phẩm, các hộ sản xuất tuân thủ theo quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm và do thực phẩm phục vụ nhhu cầu ăn uống hàng ngày và có lượng khách ổn định và nhu cầu thường tăng vào dịp tết nên không bị ảnh hưởng nhiều, riêng với nghề trồng đào, do phải lệ thuộc vào thời tiết, sức ép về thời vụ nên người trồng gặp khó khăn. Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời bảo đảm an toàn dịch bệnh, các cán bộ, hội viên nông dân trong xã chủ động tìm hướng khai thác hình thức kinh doanh online; phát huy tối đa tiện ích của mạng xã hội như: Zalo, Facebook, chụp ảnh, đăng bài quảng bá về sản phẩm của địa phương, qua đó tìm được nhiều bạn hàng mới, gom các đơn hàng nhỏ lẻ thành đầu mối tiêu thụ, hạn chế việc tiếp cận trực tiếp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh…

Đồng chí Đào Thị May, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, thiết thực hỗ trợ nông dân vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, hội viên và nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh, phòng dịch; thường xuyên cập nhật, triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, của huyện, khuyến cáo của ngành chuyên môn về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19…, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp hội nông dân trong huyện tuyên truyền, động viên cán bộ, hội viên nông dân ưu tiên sử dụng các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các cán bộ, hội viên, cơ quan, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích các cấp hội, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển sản xuất, tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản cho nông dân. Các cấp hội nông dân trong huyện đã tăng cường công tác phối hợp, khai thác hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ người nông dân ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, đó cũng mới là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố trong tỉnh tìm đầu mối tiêu thụ, bảo đảm đầu ra bền vững cho nông dân. Đồng thời, tuyên truyền nông dân chủ động tham gia, liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín, tạo tính ổn định, chuyên nghiệp khi đưa sản phẩm vào tham gia thị trường.

Đỗ Ngọc Tú – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Lâm

Lượt xem: 2

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân