Bạn đang ở đây

Hưng Yên chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại lúa

(21.08.2017)

(Website HNDHY) - Thời điểm này, lúa mùa trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, làm đòng nhưng đã xuất hiện các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại gia tăng, đặc biệt là rầy nâu - rầy lưng trắng. Nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ngành Nông nghiệp và PTNT đang tích cực theo dõi diễn biến của sâu bệnh và thông tin, hướng dẫn nông dân phòng, trừ đạt hiệu quả cao nhất.

Những ngày này, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm BVTV huyện Kim Động thường xuyên có mặt tại đồng ruộng (kể cả ngày nghỉ) để kiểm tra, phát hiện tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa để thông báo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ. Bà Phạm Thị Vân, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện cho biết: Dù lúa có thể đang phát triển rất tốt, nhưng nếu chủ quan đối với những diễn biến phát sinh phức tạp, khó lường của thời tiết, sâu bệnh bùng phát mạnh sẽ dẫn đến giảm năng suất, có thể là mất trắng trên diện rộng. Thực tế cho thấy, tại thời điểm kiểm tra ngày 11.8, toàn huyện có hơn 300ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, 50ha nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, 30ha nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn nhưng đến nay diện tích lúa nhiễm sâu bệnh đã tăng lên nhiều, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng. Do đặc điểm phát triển mạnh theo cấp số nhân, 1 con rầy sau một lứa có thể sinh sản thành 400 – 500 con nên nếu không phòng, trừ tốt sẽ rất nguy hại. Do đó, Trạm BVTV phân công cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng để kiểm tra diễn biến sâu bệnh, đồng thời phối hợp với đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn thông báo kịp thời diễn biến của sâu bệnh, khuyến cáo nông dân phòng, trừ hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”. 

Qua kết quả kiểm tra của Chi cục BVTV tỉnh, trạm BVTV các huyện, thành phố, hiện nay, rầy nâu – rầy lưng trắng gây hại trên các trà lúa, mật độ phổ biến 100 - 300 con/m2, nơi cao 700 – 1 nghìn con/m2, cá biệt có ruộng trên 2 nghìn con/m2. Diện tích nhiễm hơn 1,3 nghìn ha; nông dân đã phòng trừ được hơn 1,1 nghìn ha.  Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6: Trưởng thành đã vũ hóa rộ và đẻ trứng từ ngày 5 – 11.8; sâu non nở rộ từ ngày 10 – 16.8, mật độ phổ biến 10 – 20 con/m2, nơi cao 30 – 50 con/m2, cá biệt có ruộng xanh tốt trên 100 con/m2. Diện tích nhiễm gần 7,5 nghìn ha, trong đó nhiễm nặng 891ha, nông dân đã phòng, trừ được 5,6 nghìn ha. Ngoài ra, bệnh đốm sọc vi khuẩn xuất hiện và gây hại cục bộ trên một số giống nhiễm như: Bắc thơm số 7, nếp các loại, Thiên ưu 8… tỷ lệ hại nơi cao 7 – 10% số lá, cá biệt có ruộng trên 30% số lá. Diện tích nhiễm 382 ha, trong đó nhiễm nặng 41ha, nông dân đã phòng trừ được 348 ha. Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh và gây hại gia tăng, chủ yếu ở những ruộng cấy dày, bón nặng đạm, tỷ lệ hại nơi cao 7 – 10% số dảnh, cá biệt có ruộng trên 30% số dảnh. Diện tích nhiễm gần 2,8 nghìn ha, trong đó nhiễm nặng 64ha, nông dân đã phòng, trừ được gần 2,8 nghìn ha.

Theo đông Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, so với vụ mùa năm 2016, vụ này rầy nâu – rầy lưng trắng lứa 5 xuất hiện sớm hơn khoảng 1 tháng, diện tích nhiễm cao hơn gấp nhiều lần. Hiện tượng bất thường này từng xảy ra khoảng 10 năm trước. Nguyên nhân do từ đầu vụ xuân thời tiết ấm đã tạo nguồn sâu bệnh cư trú sang vụ mùa; nhất là thời gian vừa qua có nhiều ngày mưa nắng xen kẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu, bệnh phát triển gây hại, trong đó có rầy nâu – rầy lưng trắng.

Theo dự báo của Chi cục BVTV, từ nay đến cuối vụ, trên lúa mùa, rầy nâu - rầy lưng trắng sẽ tiếp tục gia tăng mật độ và gây hại trên các trà lúa, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy rầy diện rộng từ cuối tháng 8 đến cuối vụ. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6: Sâu non tiếp tục nở và gây hại ở những ruộng có mật độ sâu cao, đặc biệt ở những ruộng cấy sớm, ruộng xanh tốt, ruộng bướm dồn. Nếu không phòng trừ kịp thời ở những ruộng có mật độ sâu cao, sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây trắng lá đòng, lá công năng từ giữa đến cuối tháng 8 và làm giảm năng suất. Bệnh đốm sọc vi khuẩn tiếp tục phát sinh và gây hại gia tăng trên một số giống nhiễm như Bắc thơm số 7, nếp các loại, Thiên ưu 8… đặc biệt sau những trận mưa dông. Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh và phát triển và gây hại trên các trà lúa, chủ yếu ở những ruộng cấy sớm, trồng dày, bón nặng đạm.

Nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh trên lúa mùa, từ nay đến cuối vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo phòng nông nghiệp và PTNT (phòng kinh tế), trạm BVTV, trạm khuyến nông và các phòng chuyên môn khác phân công cán bộ phối hợp với các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh và gây hại của sâu bệnh hại lúa, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu - rầy lưng trắng. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nông dân phòng trừ kịp thời bằng các thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc "4 đúng". Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đôn đốc nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và chủ động phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại. Các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn điều tiết nước hợp lý để tạo điều kiện cho lúa làm đòng trỗ bông được tốt và thuận lợi cho công tác phòng, trừ sâu bệnh.

Chi cục BVTV tỉnh phân công cán bộ bám sát đồng ruộng (kể cả ngày nghỉ và ngày lễ), tăng cường điều tra, dự tính dự báo sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng và các đối tượng sâu bệnh khác; thông báo nhanh, cụ thể tình hình sâu, bệnh, tên các thuốc BVTV sử dụng đến các hộ nông dân để phòng trừ kịp thời nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao nhằm bảo đảm hiệu quả phòng trừ. Chỉ đạo các đại lý thuốc BVTV cung ứng đủ, kịp thời, đúng thuốc theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để phục vụ nhân dân.

 

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 5

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân