Bạn đang ở đây

Hưng Yên hiện có trên 680 trang trại

(08.06.2020)

(Website HNDHY) - Theo tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có trên 680 trang trại. Mặc dù qua các năm, số lượng trang trại có phần giảm đi song theo đánh giá chung, các trang trại duy trì hoạt động đều phát triển ổn định, tích cực đầu tư để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tổng diện tích đất các trang trại đang sử dụng hơn 1,1 nghìn ha, tổng vốn đầu tư đạt hơn 900 tỷ đồng, thu hút gần 2 nghìn lao động tham gia. Năm 2019, tổng doanh thu của các trang trại đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, một số trang trại chăn nuôi, thủy sản có doanh thu cao trên 10 tỷ đồng/năm.

Gia đình anh Trần Đình Quang, xã Minh Hoàng (Phù Cừ) xây dựng mô hình kinh tế trang trại đã nhiều năm nay. Sau không ít lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nay gia đình anh đã sản xuất ổn định trên diện tích 1,7 ha, tập trung chủ yếu vào các đối tượng vật nuôi: Lợn nái, lợn thịt chất lượng cao, vịt sinh sản. Doanh thu 1 năm tại trang trại của anh Quang đạt 2 tỷ đồng. Anh Quang cho biết: “Xây dựng mô hình kinh tế trang trại chuyên ngành giúp gia đình tôi tập trung hơn vào đối tượng sản xuất, có sự đầu tư để nâng cấp chuồng trại, cải tạo về giống, bổ sung các loại máy móc phát triển sản xuất hiện đại hơn. Hiện nay tôi tập trung phát triển chăn nuôi theo quy trình Vietgahp, bảo đảm an toàn từ con giống, thức ăn, quá trình chăm sóc đến khi xuất bán, mở rộng đối tượng khách hàng, hướng tới mở rộng quy mô trang trại”.

Nếu như các trang trại chuyên ngành có lợi thế để đầu tư sâu và hiện đại, thì các trang trại tổng hợp lại phát huy được thế mạnh về đất đai, lao động, nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Ông Chu Văn Chỉ, xã Hùng An (Kim Động) là một ví dụ điển hình trong xây dựng mô hình tổng hợp. Trang trại tổng hợp của ông Chỉ có diện tích hơn 2 ha, trong đó hơn 1 ha được gia đình ông phát triển nuôi thủy sản, 1 ha trồng cây ăn quả, kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình này giúp gia đình ông lấy ngắn nuôi dài, không phải vay vốn, tận dụng phụ phẩm, giảm các chi phí trong quá trình sản xuất. Doanh thu của trang trại đạt 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động.

Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có thêm hơn 100 trang trại được các huyện, thị xã, thành phố thẩm định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28.02.2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định tiêu chí kinh tế trang trại, diện tích mô hình để đạt tiêu chí trang trại giảm xuống (so với Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT) từ 2ha còn 1ha. Song doanh thu của mô hình theo yêu cầu của tiêu chí tăng lên, trong đó, đối với trang trại chăn nuôi, thủy sản và tổng hợp giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên; trang trại trồng trọt đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên. 

Các trang trại sau khi được cấp giấy chứng nhận có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận vay vốn để phát triển sản xuất, tham gia các chương trình, đề án, dự án thuộc nhiều lĩnh vực, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu… 
Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Mô hình kinh tế trang trại thường xuyên được Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương hỗ trợ về cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật mới. Mỗi năm, Chi cục phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho 600 – 700 lượt chủ trang trại, gia trại và cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế trang trại, đồng thời trực tiếp giải đáp những thắc mắc, đồng hành cùng người làm trang trại tháo gỡ khó khăn”.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Mô hình còn nhỏ lẻ, thiếu vốn, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, việc tiêu thụ sản phẩm và giá bán chưa ổn định…

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 24

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân