Bạn đang ở đây

Hưng Yên phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn

(14.12.2020)

(Website HNDHY) - Hiện nay, ngành nghề nông thôn của tỉnh phát triển khá đa dạng với các lĩnh vực như: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; phát triển sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, cơ khí nhỏ đặc biệt là đồ gỗ gia dụng, mành, mộc mỹ nghệ phục vụ nhu cầu dân sinh và ngành du lịch; ngành nghề xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã; ngành nghề dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp;.... Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 16 nghìn cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho hơn 41,1 nghìn lao động thường xuyên và thời vụ với mức thu nhập bình quân đạt 68,5 triệu đồng/người/năm.

Để nâng cao hiệu quả phát triển ngành nghề nông thôn, thời gian qua,  các ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với việc xây dựng thương hiệu; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xúc tiến thương mại, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, du nhập các nghề mới có hiệu quả, phù hợp với từng địa phương. Ngành Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sản xuất sạch hơn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, ngành Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề. Nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, cảnh báo sớm, dự báo thị trường nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp…

Việc phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn đã khai thác tốt hạ tầng cơ sở, tận dụng được nguồn lao động, nguyên liệu tại chỗ của địa phương, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn lúc nông nhàn góp phần tăng thu nhập; cải thiện và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu của thị trường đòi hỏi chất lượng, mẫu mã sản phẩm hàng hóa đa dạng, sức cạnh tranh cao dẫn tới một số làng nghề hoạt động cầm chừng hoặc phải dừng hoạt động. Qua rà soát tại các huyện, thị xã, thành phố có 6 làng nghề hoạt động cầm chừng, có nguy cơ bị mai một và 13 làng nghề dừng hoạt động.

Ngày 12.4.2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Nghị định đã nêu rõ các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, hồ sơ đề nghị, trình tự, thời gian công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Đồng thời quy định về quản lý và phát triển ngành nghề nông thôn, bao gồm các nội dung như: Mặt bằng sản xuất; đầu tư, tín dụng; xúc tiến thương mại; khoa học công nghệ; đào tạo nhân lực… 

Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngành nghề nông thôn, làng nghề của tỉnh có thêm động lực để phát triển. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, hình thức tổ chức sản xuất tại các làng nghề có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất. Ở nhiều địa phương đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư, liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm tăng nhanh sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để Nghị định số 52/2018/NĐ-CP thực thi hiệu quả, các ngành, địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm quy hoạch, phân loại ngành nghề nông thôn, làng nghề ở các mức độ, cấp độ khác nhau, theo những tiêu chí khác nhau để có chính sách đầu tư và tác động phù hợp, từng bước giúp làng nghề thoát khỏi phát triển tự phát như hiện nay. Lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề, hỗ trợ trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động ngành nghề nông thôn. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển nông nghiệp, nông thôn

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 9

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân