Bạn đang ở đây

Kỹ thuật chăm sóc cây nhãn giai đoạn quả non đến thu hoạch

(16.05.2018)

(Webiste HNDHY) - Trước tình hình diễn biến thời tiết khá đặc biệt có liên quan đến vụ nhãn năm 2017 tại Hưng Yên, qua kiểm tra thực tế tại các vườn nhãn ở một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ở giai đoạn kết thúc nở hoa và bắt đầu đậu quả non, tổ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm UDTB KH&CN nhận thấy: thời gian kết thúc nở hoa của vụ nhãn năm nay đến sớm hơn so với các năm trước khoảng 20 ngày (Kết thúc vào giữa tháng 4/2017).

 Như vậy, dự kiến thời gian thu hoạch nhãn sẽ sớm, tỷ lệ các cây nhãn đậu quả năm nay cũng khá cao. Để tăng cường khả năng giữ quả cho cây nhãn, nâng cao năng suất, chất lượng cho quả nhãn và không làm ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng, phát triển của cây nhãn ở những vụ nhãn tiếp theo, đề nghị các chủ hộ trồng nhãn của tỉnh Hưng Yên cần chú ý đến việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây nhãn kịp thời ở giai đoạn đậu quả non đến thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật như sau.

1. Bón phân qua rễ

Căn cứ vào độ tuổi và số lượng quả trên cây mà có mức bón thích hợp. Với cây 10 năm tuổi, năng suất dự kiến thu hoạch 1 tạ quả: Bón 0,5-0,8 kg đạm + 0,5-1 kg kali + 1-1,5 kg lân, bón chia làm 3 lần, lần I: khi quả non có đường kính bằng hạt ngô; lần II: khi quả non có đường kính 0,5-0,6 cm; lần III khi quả có đường kính 1-1,5 cm. Phân được trộn đều, hòa nước, tưới xung quanh tán. Số phân trên có thể hòa trong 150-200 lít nước.

Trong khoảng thời gian giữa hai lần có thể dùng nước phân chuồng, đỗ tương, ngô... ngâm lân pha loãng tỷ lệ 1/7-10 nước lã, tưới quanh gốc, định kỳ 7-10 ngày/lần (tùy thuộc vào thời tiết để sử dụng các loại phân trên cho hợp lý).

2. Bón phân qua lá

Sử dụng một trong các loại phân bón qua lá sau phun lên lá, quả: Komix, Bayfolan, Thiên nông... phun theo chú dẫn trên vỏ bình thuốc. Phun định kỳ 10-15 ngày/lần. Có thể pha cùng với thuốc sâu, bệnh cho giảm công phun thuốc.

- Quả non có đường kính 3 đến 4 mm: Phun Atonik, kích phát tố Thiên Nông, Seaweed - Rong Biển hoặc có thể phun 1 lần NAA 0,025% (250 ppm) với nồng độ bằng 1/2 so với chỉ dẫn. Lần phun này có tác dụng giảm rụng quả sinh lý, giữ được tối đa số quả trên chùm hoa.

Chú ý: Việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng cần tuân thủ theo chỉ dẫn, nếu phun quá liều lượng có thể gây sốc (ngộ độc) dẫn đến hoa, quả rụng, nếu phun không đủ liều lượng sẽ không có tác dụng. Cần quan tâm đối với cây nhãn đậu quả quá nhiều (sai quả) phải áp dụng biện pháp tỉa quả ngay sau khi đậu quả non nếu không sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây nhãn ở các năm sau.

3. Một số biện pháp khác

Nếu bị khô hạn 3-5 ngày phải tưới nước cho cây, nước được tưới lên cành có lá, có quả, thân cây, và tưới xung quanh gốc. Cho tủ gốc giữ ẩm sau tưới (có thể dùng các loại bèo, rơm đã ủ mục...).

Nếu mưa to gây ngập úng cục bộ, cần phải khơi rãnh thoát nước. Nếu mưa dài ngày cần có biện pháp tiêu nước chủ động.

Nếu nghe đài thông báo có gió mạnh từ cấp 6 trở lên phải có biện pháp chuẩn bị để phòng chống gió to, bão.

4. Phòng trừ sâu bệnh hại chính

a. Bệnh hại hoa quả non

Trong vụ xuân, nếu ẩm độ không khí cao, các bệnh hại hoa nhãn thường phát triển mạnh và làm cho hoa, quả non bị hỏng. Những bệnh thường gặp bao gồm:

* Bệnh sương mai (Phytopthora):

+ Thời điểm gây hại: Chủ yếu trong thời gian ra hoa và đậu quả non.

+ Thường ở chân giò hoa, quả hoặc cành, nhánh có các chấm đen, nâu đen nhỏ, sau lớn dần nối với nhau tạo ra các dạng không định hình có màu đen, hơi lõm, cành hoa héo rũ và ban đầu có hiện tượng giống như ngâm trong nước sôi hoặc màu xanh tái. Trên quả bị bệnh đầu tiên biến màu sau đó chuyển màu nâu và rụng, nếu thời tiết thuận lợi như ẩm độ không khí cao, nhiệt độ thích hợp bệnh sương mai phát triển nhiều trên quả cho đến tháng 6-7, kể cả khi đang cho thu hoạch quả.

+ Phòng trị: Sử dụng Ridomil để phun, nồng độ 0,2% hoặc Aliette 0,15% phun khi thấy bệnh xuất hiện và phun làm hai lần, mỗi lần cách nhau từ 5-7 ngày.

* Trên vườn cây có thể gặp hiện tượng nấm bệnh phá rể cây, làm lá cây bị vàng, rụng và chết. khi chớm xuất hiện phải dùng Ridomil MZ75 hoặc Aliette lượng 150g/1 cây 10 năm tuổi, rắc đều xung quanh tán, phủ một lớp đất mỏng lên hoặc xới nhẹ cho đất lấp hết thuốc và kết hợp phun thuốc qua lá. Xử lý cây bị bệnh nên xử lý các cây xung quanh đó.

b. Sâu hại hoa, quả non

* Rệp hại:

- Rệp muội (Aphis)

+ Thời điểm gây hại: Thường gây hại giai đoạn cây nhãn xuất hiện đợt lộc non, khi ra hoa, đậu quả non chích hút dinh dưỡng ở cây nhãn và ở cả phần chùm hoa, quả.

- Rệp sáp (Pseudococcidae Melly) - rệp sáp bột.

Cơ thể hình oval, có phân đốt rõ ràng và được bao phủ bằng lớp sáp bột, trứng được đẻ trong túi xốp. Rệp sáp phát triển mạnh giai đoạn cây có quả và gây hại bằng cách hút dinh dưỡng của cây.

- Rệp sáp ống: Con cái nhỏ hình vảy, con đực được bao phủ bởi lớp sáp trắng hình ống, gây hại chủ yếu phần cành bánh tẻ, kẽ lá và cũng chích hút dịch cây.

Các loại rệp trên ngoài gây hại và hút dịch cây chúng còn là môi giới truyền một số bệnh virút hoặc Mycoplasma và phân thải ra của chúng tạo điều kiện cho nấm than đen (nấm muội đen) phát triển phủ lên lá quả làm giảm khả năng quang hợp của lá và giảm giá trị thương phẩm của quả.

Phòng trừ: Khi xuất hiện cần phun trừ bằng các thuốc như: Supracide, Suprathion - 0,2% và Actara 0,02% (2gam/10lít), Trebon (0,1-0,2%) lên phun hai lần: lần I khi phát hiện, lần II sau lần I từ 5-7 ngày.

Có thể cộng thêm dầu khoáng DC tronplus, hoặc chất bám dính Thiên Nông.

Chú ý: Phải thay đổi, luân phiên các loại thuốc trên qua mỗi lần phun.

* Bọ xít nâu (Tessaratoma Pappilosa):

+ Gây hại nặng trong vụ xuân hè.

+ Đặc điểm hình thái: Con cái trưởng thành dài 24-27 mm, con đực nhỏ hơn, màu nâu vàng có hai mắt kép hình quả thận màu đỏ tím, mắt đơn màu đỏ, mảnh lưng ngực trước rộng. Con cái đẻ trứng thành ổ xếp thành hai hàng song song số lượng 12 - 14 quả trứng hoặc Bọ xít non mới nở có màu trắng... sau đó chuyển dần sang màu nâu đỏ, mỗi năm chỉ có một lứa. Bọ xít trưởng thành qua đông tới tháng 3-4 sang năm lại xuất hiện trở lại và đẻ trứng.

+ Đặc điểm gây hại: Cả bọ xít non và trưởng thành đều hút dinh dưỡng trên chồi, lá non, nếu hại ở phần quả non sẽ làm quả bị rụng.

+ Phòng trừ: Khi bọ xít non xuất hiện cần phun trừ bằng thuốc như Sherpa 0,1-0,15%, Sumi 0,1-0,2% hoặc Fastac 0,1%.

* Sâu đo xanh lớn:

 - Sâu non hình gậy, mới nở màu xanh nhạt, sau đó chuyển sang màu nâu, gây hại bằng cách ăn lá non, có thể ăn trụi các nhánh hoa, quả non. Loài này thường gây hại phổ biến từ khi chùm hoa mới nhú đến khi đậu quả non có đường kính 2-4 mm.

Phòng trừ: Khi sâu non xuất hiện cần phun trừ bằng các thuốc như: Supracide, Antaphos, Ataza theo đúng chỉ dẫn trên bao gói thuốc BVTV.

Chú ý: Không sử dụng các loại thuốc của Trung Quốc chưa qua kiểm nghiệm... lên hoa, quả non. Đặc biệt một số chế phẩm làm sáng mã nhãn quả của Trung Quốc chưa rõ nguồn gốc.

Tác giả bài viết: Lê Văn Lương

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Lượt xem: 15

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân