Bạn đang ở đây

Quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp

(06.08.2019)

(Website HNDHY) - Việc triển khai thực hiện Chương trình quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp (IWM) sẽ giúp tăng cường khả năng thu gom phần lớn chất thải chăn nuôi để phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nguồn tài nguyên dồi dào cho nông nghiệp hữu cơ

Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp do thời gian qua ngành trồng trọt của nước ta đã sử dụng quá nhiều phân bón hóa học.

Trong số 11 triệu tấn phân bón Việt Nam sử dụng hằng năm, có đến 90% là phân bón hóa học. Trung bình nông dân nước ta sử dụng hơn 1 tấn phân bón hóa học/ha hàng năm, quá cao so với các nước trên thế giới.

Ngày 4/4/2017, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khởi xướng phong trào phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng của nông sản Việt Nam và bảo vệ môi trường. Trong đó, phân bón hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong quá trình canh tác.

Tại hội nghị về phát triển phân bón hữu cơ ngày 9/3/2018, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam cần khoảng 200 triệu tấn phân bón hữu cơ hàng năm để làm nông nghiệp hữu cơ. Mục tiêu đặt ra trước mắt là nâng sản lượng sản xuất phân bón hữu cơ từ 1 triệu tấn hiện nay lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2020.

Với quy mô của ngành chăn nuôi hiện tại có thể cung cấp hơn 60 triệu tấn chất thải chăn nuôi rắn và hàng trăm triệu m3 nước thải chăn nuôi với giá trị dinh dưỡng cao để phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Theo tính toán của các chuyên gia dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP), nếu sử dụng tốt lượng chất thải mà ngành chăn nuôi xả ra hằng năm cho mục đích sản xuất phân bón hữu cơ thì Việt Nam có thể tiết kiệm được chi phí nhập khẩu phân bón hóa học trị giá hàng tỷ USD (năm 2016, Việt Nam nhập 4,2 triệu tấn phân bón hóa học trị giá 1,25 tỷ USD).  

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Theo dự án LCASP, việc triển khai thực hiện Chương trình IWM sẽ góp phần rất lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn của Việt Nam, cụ thể: Chương trình IWM sẽ giúp giảm hàng trăm triệu m3 nước thải chăn nuôi xả ra môi trường hằng năm (riêng chăn nuôi lợn thịt, với quy mô 26 triệu lợn thịt, mỗi đầu lợn dùng 30 lít nước/ngày để làm vệ sinh và làm mát thì đã có gần 300 triệu m3 nước thải ra môi trường hằng năm).

Chương trình IWM sẽ giúp giảm chi phí xử lý hàng trăm triệu m3 nước thải chăn nuôi để đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường hằng năm (nếu tính chi phí xử lý của TH Truemilk là 11.000 đồng/m3 nước thải chăn nuôi để đạt QCVN 62 thì với 300 triệu m3 nước thải chăn nuôi lợn sẽ phải tốn 3.300 tỷ đồng/năm).

Nếu thu gom được 60 triệu tấn chất thải rắn và hàng trăm triệu m3 chất thải lỏng, chúng ta có thể tạo ra nguồn dinh dưỡng rất lớn cho cây trồng. Bên cạnh đó, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong các hoạt động sử dụng chất thải chăn nuôi.

Chương trình IWM sẽ giúp người chăn nuôi và các chủ trang trại sử dụng hiệu quả hơn nguồn khí biogas cho các mục đích đun nấu, phát điện… nhằm tăng thu nhập. Qua đó, đóng góp cho việc thực hiện một cách thực chất các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc xây lắp các công trình khí sinh học và sử dụng hết khí gas sinh ra, không xả khí mê tan ra môi trường như một số trang trại đang làm hiện nay.

Theo NNVN

Lượt xem: 17

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân