Bạn đang ở đây

Về vùng bưởi cảnh Văn Giang

(30.10.2017)

(Website HNDHY) - Từ nhiều năm nay, huyện Văn Giang (Hưng Yên) nổi tiếng cả nước và được coi là vùng đất của bưởi cảnh, với những cây bưởi cảnh độc đáo, muôn hình, muôn vẻ, tạo nên sức hấp dẫn với người chơi. Để tạo ra những sản phẩm như thế, những nghệ nhân của vùng đất hoa thơm, cỏ ngọt - Văn Giang đã đổ biết bao mồ hôi, công sức sưu tầm, gò thế tạo dáng cho cây.

 “Đãi cát tìm vàng”

Chỉ tay về những vườn bưởi cảnh rộng lớn ở xã Mễ Sở, nghệ nhân cây cảnh, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Văn Giang Chu Thế Kiên chia sẻ: “Những vườn bưởi đẹp mắt, xanh mướt, trĩu quả vàng ươm đã thấm biết bao mồ hôi, nước mắt của người làm vườn chúng tôi”. Dẫn chúng tôi vào thăm vườn bưởi, ông Kiên tận tình giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ, giảng giải từng công đoạn trồng, chăm sóc, tạo thế cho cây bưởi. Khi được hỏi, trong những công đoạn trồng, chăm sóc để có một cây bưởi cảnh đạt tiêu chuẩn, công đoạn nào là khó nhất, ông Kiên cười nói: “Khó trả lời lắm, bởi mỗi công đoạn có một cái khó riêng, như một chuỗi các mắt xích, chỉ cần lơ là, mất tập trung ở bất kỳ mắt xích nào thì bao công sức đều đổ ra sông, ra biển”.

Chẳng ai nhớ rõ cây bưởi cảnh được người chơi ưa thích từ khi nào, chỉ biết mấy năm gần đây, thú chơi này bắt đầu nở rộ. Những cây quất, cây cam, mặc dù đã quá đỗi quen thuộc, nhưng đã dần bị nhàm chán, cho nên những người làm vườn tìm cách để tạo ra một giống cây mới phục vụ các gia đình, cơ quan mỗi khi Tết đến, Xuân về. Theo đó, những cây bưởi cảnh độc đáo, lạ mắt, có hương thơm rất đặc trưng xuất hiện trên đất Văn Giang và nổi tiếng khắp nơi, được coi là vùng đất của bưởi cảnh.

Theo những người trồng cây cảnh ở Văn Giang, để được một cây bưởi cảnh đạt tiêu chuẩn, đầu tiên, họ phải đi nhiều nơi “săn tìm” những gốc bưởi đẹp. Đó thường là những cây bưởi Diễn có tuổi thọ hàng chục năm, vốn là cây ăn quả của một số gia đình. Với họ, đây là công việc “đãi cát tìm vàng”, để tìm được những gốc bưởi đạt các tiêu chí như: Có nguồn gốc lâu đời, hình thế đẹp, không bị sâu mọt… là công việc vô cùng khó khăn, có khi phải hàng tháng trời vất vả mới tìm được một gốc ưng ý để mua về vườn và tạo thế.

Theo anh Triệu Văn Ninh, ở xã Mễ Sở đã có ba năm kinh nghiệm trồng bưởi cảnh, người làm nghề, cần phải có đôi mắt tinh tường, khả năng phán đoán và kinh nghiệm để nhìn ra những gốc cây đạt chuẩn có thể tạo thành các dáng thế ưng ý. Mỗi khi có thông tin về các gốc bưởi lâu đời là anh Ninh lại lên đường, bất kể thời gian, khoảng cách, có những chuyến đi kéo dài cả tháng, dọc các vùng Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang để tìm gốc bưởi nhưng rất ít thành công. “Có lần, ở Tuyên Quang, tôi ấn tượng bởi một cây bưởi tạo thế tam đa rất đẹp, nhưng đến khi hỏi mua thì chủ cây bưởi nhất quyết không bán dù tôi sẵn sàng trả giá hơn chục triệu đồng. Không nản lòng, tôi thuê một phòng trọ ở gần đó, hằng ngày đến thuyết phục, cuối cùng cũng mua được cây bưởi đã gắn bó với họ hàng chục năm”, anh Triệu Văn Ninh chia sẻ.

Đối với người trồng cây cảnh, trong việc “đãi cát tìm vàng”, cần phải có chút “duyên”. Từng có một nghệ nhân cây cảnh, một lần tình cờ lên Hà Giang chơi và gặp một gốc bưởi trông có vẻ rất đỗi bình thường. Thế nhưng, quan sát kỹ, ông mới nhận ra, ở phần cuối gốc có dáng rất giống một con trâu đang nằm uống nước. Người nghệ nhân này quyết định mua cây với giá cao rồi đưa về trồng, bỏ công chăm sóc nhiều năm. Sau khi cây được chỉnh sửa, tạo thế hoàn hảo, không ít người trả giá cho cây bưởi cảnh rất cao nhưng vẫn không thể mua được. Và ông chỉ đồng ý cho những người thân quen và biết chăm sóc thuê về chơi Tết và giá thuê cũng phải hàng chục triệu đồng.

Gian nan gặt quả ngọt

Theo nghệ nhân cây cảnh Chu Thế Kiên, cây bưởi cảnh thể hiện đẳng cấp của gia chủ, vì thế, khách hàng tìm đến các loại cây này đều là những người am hiểu và khó tính. Cây bưởi đạt yêu cầu, ngoài dáng đẹp, lá và quả phải có hương thơm đặc trưng. Chính vì sự cầu kỳ như thế, cho nên quá trình chăm sóc loại cây này đòi hỏi biết bao công sức, sự tập trung, tỉ mẩn của những nghệ nhân, thợ làm vườn.

Tìm được cây gốc khó khăn là thế, nhưng đó chỉ là bước đầu trong cả một chuỗi công đoạn. Gốc bưởi có bộ rễ to và dài, do đó, khi đưa về phải cắt bớt rễ, chọn khoảnh đất thích hợp để trồng và thường xuyên chăm sóc, dùng các loại thuốc để cây không bị thối rễ và có thể sống được. Sau khoảng một năm, khi có dấu hiệu sinh trưởng tốt, cây sẽ được đưa vào chậu để bắt đầu tạo thế, chăm bón với quy trình phức tạp, yêu cầu sự cẩn thận từng ly, từng tý. Người làm vườn ở Văn Giang gọi việc bón phân là cho cây “ăn”, vì mỗi cây bưởi, tùy vào hình thế và sự sinh trưởng lại có “thực đơn” khác nhau. Với hàng trăm cây bưởi, người chăm sóc phải nhớ chính xác mỗi cây ngày hôm nay, ngày mai “ăn” như thế nào. Tiếp đến là công đoạn tạo thế, công đoạn này hoàn toàn do kinh nghiệm đúc rút được từ nhiều năm làm nghề của những người làm vườn - nghệ nhân Chu Thế Kiên chia sẻ.

Ròng rã ba đến bốn năm, chăm cây như chăm con, cây bưởi cảnh bắt đầu cho những quả bưởi đầu tiên. Đến công đoạn này, tùy theo mức độ ra quả của cây, người chăm sóc sẽ xác định các cây bưởi có phải ghép quả hay không. Thông thường, số cây bưởi ra quả đủ tiêu chuẩn chỉ đạt khoảng 30%. Còn lại, phải lấy quả ở những cây bưởi bình thường ghép vào và dùng kinh nghiệm để chăm sóc, sau một thời gian, quả bưởi mới dính vào cành và có thể phát triển bình thường. Công đoạn này rất quan trọng và cần sự tập trung cao độ, bởi theo quan niệm của người chơi, cây bưởi càng sai quả, càng thể hiện đẳng cấp và sự sung túc của chủ nhà. Nếu quá trình ghép quả không cẩn thận, khi đến tay khách hàng, một thời gian ngắn quả bưởi sẽ sớm bị rụng, không những giảm giá trị thẩm mỹ mà còn mang đến sự không may mắn.

Các công đoạn đã được các nghệ nhân, người làm vườn thuộc nằm lòng. Ấy vậy mà không ít gia đình đã phải nhận “trái đắng” chỉ vì lơ là, mất tập trung ở một công đoạn dù rất nhỏ. Cách đây một năm, hàng chục cây bưởi của một gia đình đã chết sạch chỉ vì cho cây “ăn” không cẩn thận. Mấy năm trời chăm bẵm bỗng chốc bao nhiêu tâm huyết và hàng trăm triệu đồng đội nón ra đi chỉ sau một đêm là điều không gì xót xa bằng, anh Triệu Văn Ninh kể lại. “Tuy khó khăn, vất vả là thế, nhưng nhìn những cây bưởi trĩu quả, bao nhiêu mệt mỏi bỗng nhiên tan biến hết. Nhiều cây quá đẹp, chăm sóc mất nhiều công sức, cho nên khách đến hỏi mua với giá cao nhưng chúng tôi phải đắn đo mãi mới quyết định bán và cảm thấy tiếc nuối như vừa mất đi một cái gì đó thật giá trị”, nghệ nhân Chu Thế Kiên cho biết.

Ngoài giá trị về tinh thần, những cây bưởi cảnh còn giúp nhiều người dân ở Văn Giang đổi đời. Những cây bưởi có giá 20 đến 50 triệu đồng không phải là hiếm. Chính vì thế, mỗi gia đình trồng bưởi cảnh ở đây có thu nhập hàng trăm triệu đồng/mùa. Thậm chí, gia đình anh Chu Văn Chương ở thị trấn Văn Giang thu về đều đặn hơn ba tỷ đồng/năm chỉ nhờ vào cây bưởi cảnh. Dù còn gần bốn tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2018 nhưng đã có rất nhiều người đến Văn Giang đặt trước những cây bưởi ưng ý nhất. “Năm nào tôi cũng đến đây nhiều lần, ngắm những cây bưởi rồi chọn trước những chậu cây ưng ý để mấy tháng nữa đưa về Hà Nội chơi Tết và tặng bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Những cây bưởi vừa độc đáo, lạ mắt, lại có hương thơm rất đặc trưng. Đặc biệt, quả bưởi gắn liền với văn hóa Việt Nam qua việc xuất hiện trong mâm ngũ quả, mang đậm giá trị tâm linh”, anh Nguyễn Xuân Quang, khách hàng đến từ Long Biên, Hà Nội chia sẻ.

 

Theo Nhân dân

Lượt xem: 13

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân