Bạn đang ở đây

Vị tương quê nhà

(13.04.2020)

(Websie HNDHY) - À à ơi, “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, à à ơi! à à ơi!... Tiếng bà hàng xóm ru cháu làm cho tôi đang mơ màng trong giấc ngủ chợt tỉnh giấc. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe tiếng ru của người bà, người mẹ. Điệu ru hời với câu ca dao nghe da diết, đưa tôi vào miên man những hoài niệm, những ký ức về tuổi thơ. Tuổi thơ của tôi được che chở dưới khoảng trời yên ả hồn quê với những trò chơi dân gian, với những món ăn dân dã, trong đó có tương do chính tay mẹ tôi kỳ công làm ra để gia đình tôi dùng thường ngày.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng, gia đình đông anh em. Tôi là con út, tuy được chiều hơn so với các anh, các chị nhưng vẫn phải tham gia các công việc đồng áng, có những năm tháng sống trong điều kiện khó khăn thiếu thốn đủ bề. Vì điều kiện kinh tế, bữa ăn hàng ngày của gia đình tôi chủ yếu là những thứ tự làm như: Rau trồng trong vườn, mớ tôm cá do anh em tôi kiếm được ngoài đồng và tương do mẹ tôi làm. Mẹ tôi là người làm tương có tiếng trong làng do được bà ngoại tôi truyền cho “bí quyết” khiến mọi người khi ăn đều tấm tắc khen ngon.

Năm nào cũng vậy, mẹ tôi đều làm vài chum tương để cả nhà ăn. Trước khi làm tương, mẹ thường lựa chọn loại gạo ngon nhất (năm nào có điều kiện thì làm bằng gạo nếp). Để làm ra được lượng tương ăn trong cả năm, các anh, các chị của tôi phải gò lưng xay thóc, giã gạo trong vài ngày. Mẹ tôi thường chọn dịp đầu mùa hè để làm tương. Gạo được vo sạch, cho vào nồi nấu chín. Khi cơm chín được mẹ đổ ra cái nia to, lấy đũa tãi đều cho nguội, cho các hạt cơm rời nhau. Nia cơm tiếp tục đưa ra phơi nắng cho se hạt cơm lại. Dưới ánh nắng vàng, mẹ đội nón ra nia cơm phơi ngoài trời để đảo cho hạt cơm khô đều. Sau khi cơm đã khô, mẹ sai anh em tôi đi bẻ lá nhãn hoặc lá sen tươi về đậy lên nia cơm. Phía trên lớp lá nhãn tươi mẹ còn đậy thêm một lượt bao đay hay chăn mềm, sau đó đặt nia cơm vào chỗ sạch sẽ, thoáng mát, không ẩm thấp. Sau một vài ngày, mốc cơm bắt đầu dậy. Lúc này, ngày nào mẹ cũng kiểm tra xem mốc lên đến đâu. Một vài ngày sau, mẹ mang nia cơm mốc ra đảo đều, vã thêm ít nước mưa, sau đó tãi đều ra nia rồi thay lớp lá nhãn khô bằng lớp lá tươi mới. Khi thấy mốc cơm lên đều màu vàng, mùi thơm là được mốc. Khi được mốc, mẹ lấy một cái nồi to rửa sạch, múc nước mưa trong bể đưa vào bếp đun sôi sau đó cho muối trắng vào nồi bảo đảm độ mặn. Trong khi chờ nồi nước muối nguội, mẹ mang nia cơm mốc ra lấy tay bóp cho từng hạt cơm mốc rời nhau, rồi cho vào một cái vại đất nung. Khi nước muối đã nguội, mẹ bắt đầu đổ nước muối vào vại đất nung, trên miệng vại bịt vải màn rồi để ra sân phơi nắng. Khi chiều tà, mặt trời khuất sau ngọn tre, mẹ mang vung ra đậy vại mốc phòng khi về đêm trời mưa hoặc tránh những giọt sương đêm rơi xuống.

Trong thời gian chờ cơm mốc ngâm đủ ngấu, mẹ đi chợ tìm chọn mua đậu tương với những hạt đều nhau về rang chín vàng. Rang xong, mẹ cho đậu vào cối lấy chày giã nhẹ tay để vỏ bung ra, sau đó đổ ra rá tre lựa bỏ phần vỏ đi, lấy lại nhân rồi lại đưa vào giã nhỏ. Bột đậu sau khi giã nhỏ được đưa vào đun sôi với nước mưa. Sau khi được đun sôi, nước bột đậu đưa vào chum đất nung đặt ở nơi mát mẻ, không được phơi ra nắng. Ngâm nước bột đậu từ 5 – 6 ngày khi thấy thơm, ngon, dậy mùi tương là ngả tương được.

Khi mốc trong vại đất nung đã ngấu, mẹ bắt đầu ngả tương. Lúc này, anh em chúng tôi xúm quanh mẹ vừa xem mẹ làm, vừa để phụ giúp mẹ những việc nhỏ. Khi các vật dụng cần thiết được chuẩn bị sẵn, mẹ lấy tô múc một ít mốc đổ vào cái rá đan bằng tre để trên một cái chậu, sau đó múc nước ngâm đậu đổ vào mốc. Mẹ cầm một chiếc bát ăn cơm xát cho mốc nhừ ra làm bột nước từ từ chảy xuống chậu, còn phần nhỏ bã trên rá thì bỏ đi. Cứ như vậy, nước mốc và nước ngâm tương trộn lẫn, hòa quyện vào nhau rồi được đổ vào chum, sau đó lấy miếng vải màn bịt kín miệng chum, đậy nắp vung lên để ra ngoài sân, chỗ mát mẻ. Mỗi khi có ánh nắng mặt trời, mẹ mở vung ra quấy cho thật đều. Cứ như vậy, sau khoảng 20 ngày thì được tương.

Tương ngả xong càng ủ càng ngon. Sự hòa quyện của cơm gạo và đậu tương tạo cho tương có màu vàng sánh thơm ngon với vị ngọt, vị ngậy đặc trưng. Những chum tương do mẹ làm ra được gia đình tôi dùng vào bữa ăn hàng ngày, nhất là chấm với rau muống luộc và kho với cá. Vì tương mẹ tôi làm có tiếng, lại làm nhiều nên không ít gia đình trong thôn, trong xóm khi bị “nhỡ” nước chấm rau, gia vị để kho cá lại đến nhà tôi xin tương về dùng. Những chum tương mẹ cầu kỳ làm ra được san sẻ cho họ hàng, làng xóm rồi cất giữ, bảo quản cẩn thận dùng trong năm. Bây giờ ít gia đình còn truyền thống làm tương tại nhà như xưa nữa, thay vào đó sản xuất tương đã theo công nghệ hiện đại, nên không còn phải vất vả như xưa, sản phẩm tương làm ra nhiều, bán trên khắp các cửa hàng, tiện mua. Giờ đây, khi đang công tác nơi phố thị với đời sống vật chất sung túc nhưng mỗi khi hướng về quê, tôi không thể nào quên được mùi thơm phức tỏa ra từ những chum tương mẹ làm đặt ở góc vườn năm xưa.

Theo baohungyen.vn

Lượt xem: 23

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân