Bạn đang ở đây

Tuyệt chiêu nuôi hươu của Đàm “khùng”

(14.04.2015)

Là người hoàn toàn bình thường, song, anh Trịnh Văn Đàm ở thôn 12, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) lại được bà con trong xã gắn cho biệt danh “Đàm khùng” bởi lẽ anh luôn làm những việc mà người thường khó làm được, ví như việc bỏ nhà vào rừng sống hay đưa hươu nuôi nhốt thành “hươu rừng”

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan trong trại, anh Đàm vừa kể về gian nan đời mình. Quê anh ở vùng đồng chiêm trũng Yên Thái, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Năm 1992, anh Đàm xuất ngũ về quê, lập gia đình. Có cả mẫu đất trong tay nhưng 2 vợ chồng làm mãi cũng chả đủ ăn. Đúng vào lúc đó, nghe được tin bên xã Đông Sơn phát động phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới, thấy cơ hội đến anh Đàm lên xin tham gia ngay.

Đàn hươu của gia đình luôn được chăm sóc khỏe mạnh, cho chất lượng nhung tự nhiên, tốt nhất.

“Vùng chọn làm kinh tế là khu vực thung lũng núi đá tai mèo, cây cối rậm rạp, không một bóng người, khi đó vẫn còn nhiều thú dữ sinh sống lắm. Khi khảo sát xong về kể lại với mọi người trong gia đình và hàng xóm mà ai cũng sợ, khuyên, ngăn không cho tôi đi, nhưng lòng đã quyết nên tôi vẫn lên làm cho bằng được, biệt danh “Đàm khùng” gắn với tôi từ đó” - anh Đàm nhớ lại.

 “Đang ở quê có nhà, có cửa không ở, vào rừng lập lán trại làm kinh tế thời gian đầu cũng gian nan lắm. Có thời gian còn bị muỗi rừng đốt nhiều bị sốt rét hàng tuần liền. Gà, vịt nuôi được cũng bị thú rừng bắt hết sạch, nhiều phen trắng tay, nghĩ cũng nản, nhưng được sự giúp đỡ động viên của anh em người thân, tôi gượng dạy làm lại từ đầu” - anh Đàm kể lại.

Sau nhiều năm khai hoang, anh đàm đã có hơn 10ha đất, vừa kết hợp trồng hoa màu, anh Đàm đầu tư mạnh tay vào chăn nuôi. Ban đầu anh chỉ nuôi dê thả núi và gà…Đến năm 2000, được bạn bè mách nước, sẵn vốn trong tay anh Đàm đi tìm mua 2 con hươu nái và 1 hươu đực về nuôi. Vừa xây chuồng trại, anh vừa đi tìm đến các trang trại để học hỏi kinh nghiệm thực tế, cùng với đó anh tìm đi mua sách, tài liệu hướng dẫn về nuôi hươu để đọc. Anh Đàm bảo: “Ban đầu nuôi hươu cũng tưởng khó, nhưng khi nuôi thấy dễ hơn cả nuôi lợn, gà… vì hươu chỉ ăn lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp, bệnh tật lại ít”.

Bỏ túi cả trăm triệu đồng từ hươu

Ngay năm đầu nuôi hươu, khách buôn khắp nơi tìm vào tận vào trong trang trại của anh để đặt hàng. Anh Đàm bảo: “Dù ở tận cùng trong thung lũng sâu, đường đi lại khó khăn, nhưng thấy nhiều khách hàng tìm vào hỏi mua mà không có hàng bán, nên gia đình mừng lắm, được đà giúp tôi càng tự tin đầu tư làm lớn hơn”.

Nhận thấy thị trường tiêu thụ thuận lợi, anh Đàm tiếp tục đầu tư mua thêm hơn 10 hươu giống về nuôi. Đến năm 2010, được nhiều khách hàng quen gợi ‎ý muốn mua nguồn nhung tự nhiên, anh Đàm đã nảy ra ý  định cho hươu thả ra ngoài nuôi môi trường hoang dã. “Khi có ý định như thế cũng biết mình liều, sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, vì hươu đã quen với cuộc sống trong chuồng, mang thả ra tự nhiên sẽ không quen dễ bị chết, nhưng tôi vẫn qu‎yết liều nuôi thử nghiệm” - anh Đàm nhớ lại.

Thời gian đầu, hai vợ chồng anh Đàm tiếp tục lại phải đương đầu với nhiều khó khăn. Bời đây là mô hình chăn nuôi kiểu mới, chưa từng được áp dụng tại địa phương. Anh Đàm bảo: Đối với việc nuôi nhốt và nuôi hoang dã khác nhau hoàn toàn, ví như hươu nuôi nhốt thường được thuần hóa trong chuồng, diện tích hẹp dễ quản lý, chăm sóc về thức ăn, chưa bệnh… đối với hươu thả hoang dã thì tôi không thể chủ động làm được hết các việc trên mà phần lớn là để hươu tự kiếm ăn, sinh sản ngoài tự nhiên, nên đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm mà hiện bản thân đang rất thiếu phải tự nuôi thử nghiệm, tìm tòi, rút kinh nghiệm dần thôi.

 “Khi mới dựng rào tre, làm khu nuôi, đến khi thả gần 10 con hươu vào nuôi, do nhốt trong chuồng nên tù chân, được thả, cả đàn hươu chạn tung tăng suốt ngày chả chịu ăn gì. Có nhiều lần hươu vượt rào tìm chạy khắp làng đến cả tuần liền mới tìm thấy. Nhưng thất bại nặng nhất phải kể đến trong mùa mưa bão năm 2012 vừa qua, do thời tiết xấu, thấy có sấm sét to, đàn hươu sợ hãi chạy loại, phá luôn cả rào lên núi, đến khi hết mưa bão, hai vợ chồng tôi chạy ngược xuôi đi tìm mãi cũng chả thấy đủ, lần đó bị mất 2 hươu cái, giá trị gần 40 triệu đồng đấy” - anh Đàm ngậm ngùi kể lại.

Sau lần đó anh rút kinh nghiệm làm rào chắn tốt hơn. Anh Đàm đầu tư hàng chục triệu đồng mua rào thép, thuê công nhân địa phương chôn cột làm rào kiên cố. Cùng với đó, tôi thay đổi cách nuôi, thay vì bỏ đói cho hươu tự kiếm ăn như trước thì tôi thường xuyên cho hươu ăn để giúp hươu làm quen dần với môi trường bên ngoài. “Đến giờ khi hươu quen với môi trường, có thể tự mình tìm được thức ăn, một ngày tôi chỉ ra cho ăn dăm ba lần để hươu nhớ chủ thôi, chứ không phải chăm sóc như trước nữa, mà thời gian còn lại dành để chăn nuôi thêm dê và lợn rừng” - anh Đàm chia sẻ.

“Nuôi hươu chăn thả được cái nhàn hạ, không phải tốn công chăm sóc, mất nhiều thức ăn như nuôi nhốt, vẫn đảm bảo được sản lượng nhung đều đặn, nhung lại sạch tự nhiên, chất lượng, bán được với giá cao hơn so với nhung hươu nuôi nhốt, lại không phải lo đầu ra” - anh Đàm chia sẻ.

Anh Trịnh Văn Đàm  

 Ngoài việc chăn nuôi hươu hoang dã, gia đình anh còn chăn thả gần 200 con dê, và đầu tư diện tích ao cá truyền thống gần 2ha. Riêng với thu nhập tư bán dê giống, thịt và cá, mỗi năm gia đình anh có thêm nguồn thu hàng trăm triệu đồng. 

Sau 3 năm nuôi hươu chăn thả, anh Đàm đã thành công. Hiện, đàn hươu của anh lên đến trên 20 con, trong đó có trên 10 hươu nái sinh sản và gần 10 hươu đực đang cho nhung, bình quân 1 năm 1 hươu đực cho sản lượng nhung từ 6 đến 1kg nhung/con. Anh cho biết, giá nhung trung bình hiện đang ở mức 2 triệu đồng/lạng (cao hơn nhung hươu nuôi nhốt).  “Hiện 1 năm vừa thu hoạch nhung, cùng với bán hươu giống mỗi năm gia đình tôi thu về không dưới 100 triệu đồng. Tính ra, trung bình mỗi tháng tôi có thu nhập trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập phụ thêm từ chăn nuôi dê thả núi mỗi năm cũng được hàng chục triệu đồng” - anh Đàm khoe.

Với nguồn thu từ chăn nuôi, đến nay anh đã có tiền mua được đất ở ngoài phố và xây được nhà khang trang. Ngoài ra, nhờ nguồn thu từ hươu gia đình anh đang nuôi 3 con ăn học, trong đó 1 cháu đang học cấp 3 và 2 cháu học cấp 2.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, anh Đàm bảo: “Trong những năm tới, để đảm bảo nguồn nhung cung cấp cho thị trường, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô diện tích trang trại, và nhân giống đàn hươu lên, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 50 con, đảm bảo cung cấp cho thị trường hàng chục kg nhung sạch mỗi năm”.

Theo danviet

Lượt xem: 346

Viết bình luận

Dự báo thời tiết

Liên kết web

Hỗ trợ nông dân